(vhds.baothanhhoa.vn) - Đến với những “chú” ong làm mật như sự tình cờ, sau này Nguyễn Văn Hưởng ở thôn Hợp Tiến, xã Thành Hưng (Thạch Thành) xem đó là cơ duyên giúp anh có được thành công. Sản phẩm mật ong mang tên Hưởng Hoa ra đời, là niềm tự hào của xã Thành Hưng nói riêng và của huyện Thạch Thành nói chung.

Người “say” ong làm mật

Đến với những “chú” ong làm mật như sự tình cờ, sau này Nguyễn Văn Hưởng ở thôn Hợp Tiến, xã Thành Hưng (Thạch Thành) xem đó là cơ duyên giúp anh có được thành công. Sản phẩm mật ong mang tên Hưởng Hoa ra đời, là niềm tự hào của xã Thành Hưng nói riêng và của huyện Thạch Thành nói chung.

Người “say” ong làm mậtCho mật ong vào hệ thống máy hạ thủy phần.

Từ “chơi cho vui” đến đam mê…

Năm 2009, anh Hưởng được người thân cho 3 đàn ong lấy mật. Chưa nuôi ong bao giờ nhưng thấy cũng khá thú vị với đàn ong nên anh mang về nuôi. Lúc đầu, anh mày mò, tìm tòi kiến thức thông qua những người nuôi ong chuyên nghiệp, trong sách, trên internet… Anh đã tìm đến 2 cuốn sách dạy kỹ thuật nuôi ong của Trường Đại học Nông nghiệp I (xuất bản năm 2004) và Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên (xuất bản năm 2008).

Tích thêm sự hiểu biết trong nuôi ong lấy mật, anh Hưởng bắt đầu nhân đàn, từ 3 đàn lên 50 đàn, nhưng do gửi ong ở xa, không kịp thời chăm sóc nên đàn ong giảm xuống còn 15 đàn. Anh Hưởng cho biết: “Từ chỗ tò mò, chơi cho vui nhưng khi khai thác được mật thì thực sự tôi đã “say” với nghề này. Ngay cả khi thất bại hàng chục đàn ong là hàng chục triệu đồng bị mất nhưng tôi vẫn không nản”.

Sau khi còn lại 15 đàn, anh Hưởng tiếp tục phát triển thành 180 đàn vào năm 2011 và lần này đã thành công. Từ kết quả này, anh đã hoàn toàn bị chinh phục bởi chính những chú ong bé nhỏ nhưng giá trị không hề nhỏ.

Hệ thống máy hạ thủy phần mật ong đầu tiên ở Thanh Hóa

Năm 2017, anh Hưởng đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy hạ thủy phần mật ong trị giá 300 triệu đồng. Đây là công nghệ xử lý mật ong thô trở thành mật ong tinh nguyên chất. Hệ thống bao gồm máy ủ diệt nấm khử vi sinh, hệ thống lọc thô, lọc mịn và siêu mịn, khúc xạ kế dùng đo hàm lượng nước trong mật ong… Anh Hưởng cũng là người đầu tiên ở Thanh Hóa có hệ thống máy này. Anh nhớ lại: “Khi đóng mật ong vào chai thì lên ga, sủi bọt, tôi băn khoăn về điều này nên tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu, sau đó quyết định mua hệ thống máy để chất lượng mật ong đảm bảo hơn”.

Người “say” ong làm mậtDự kiến trong thời gian tới, anh Nguyễn Văn Hưởng sẽ đưa mật ong Hưởng Hoa giới thiệu tới bạn bè quốc tế.

Theo quy trình, với hệ thống máy hạ thủy phần mật ong sẽ qua 6 bước xử lý, gồm: Lọc thô; hạ thủy phần; xử lý men gây chua, lên ga sủi bọt; lọc siêu mịn để loại tạp chất; chiết rót, đóng chai và thành phẩm. Sau khi trải qua các giai đoạn xử lý này, mật ong sẽ trở nên sạch thuần khiết, có độ sánh cao, mùi hương thơm tự nhiên đặc trưng của từng loại mật…

Cũng theo anh Hưởng, để nguồn mật đảm bảo thì đàn ong phải đạt yêu cầu, chuẩn từ 4-5 cầu đông quân. Đàn ong của gia đình anh thường đặt ở bìa rừng Cúc Phương khai thác mật. Sau khi khai thác sẽ được xử lý, đây là khâu quan trọng để đảm bảo chất lượng mật ong trong vòng 24 tháng không sủi bọt, không chua, không xuống màu, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Hiện nay, bên cạnh mật ong hoa nhãn, gia đình anh còn sản xuất mật ong hoa rừng, mật ong Xuyến Chi.

Hiện đang là thời vụ thu hoạch mật ong, khoảng 2 tuần gia đình anh Hưởng lại quay mật một lần. Một đàn ong cho thu hoạch từ 1 - 1,5 lít mật ong nguyên chất/1 lần quay. Trung bình một năm, gia đình sản xuất từ 1,3- 1,6 tấn mật, doanh thu khoảng 200 triệu đồng.

Người “say” ong làm mậtMật ong Hưởng Hoa - sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019.

Nhân đàn và đầu tư hệ thống máy được xem là những hiệu quả bước đầu với nghề nuôi ong lấy mật của anh Hưởng. Không dừng ở đây, anh tiếp tục tạo “bước ngoặt” khi vào năm 2019, mật ong Hưởng Hoa được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Thanh Hóa. Sự kiện này đã nâng tầm giá trị thương hiệu mật ong Hưởng Hoa. Hiện sản phẩm đã có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh.

Thạch Thành nổi tiếng với những vùng cây ăn trái. Đam mê để nhận ra giá trị nên anh Nguyễn Văn Hưởng đã tận dụng nguồn mật hoa phong phú để nuôi ong. 12 năm “say” nghề, bước đầu, anh đã khẳng định thành công. Đến nay, sản phẩm mật ong Hưởng Hoa đã trở thành một trong những sản vật đặc trưng ở Thạch Thành như anh chia sẻ: “Tôi tự hào vì bản thân đã góp phần tạo dựng thương hiệu mật ong Thạch Thành, vùng đất nuôi ong lớn nhất tỉnh. Qua đó góp phần làm giàu và cải thiện đời sống cộng đồng, sự phát triển của quê hương. Dự kiến trong thời gian tới, tôi sẽ đưa sản phẩm giới thiệu với bạn bè quốc tế”.

Bài và ảnh: Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]