(vhds.baothanhhoa.vn) - Bỏ chức trưởng phòng của một công ty xây dựng ở TP Hồ Chí Minh với thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng để về quê làm mắm, anh Nguyễn Thế Hoàng từng bị nhiều người dè bỉu, chê bai. Nhưng bằng niềm đam mê với nghề, yêu cái mặn mòi của biển cả và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không riêng khôi phục được nghề mắm truyền thống, anh còn tạo việc làm có thu nhập cao, ổn định cho hàng chục hộ dân địa phương.

Người “tìm lại” làng mắm ở Hải Bình

Bỏ chức trưởng phòng của một công ty xây dựng ở TP Hồ Chí Minh với thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng để về quê làm mắm, anh Nguyễn Thế Hoàng từng bị nhiều người dè bỉu, chê bai. Nhưng bằng niềm đam mê với nghề, yêu cái mặn mòi của biển cả và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, không riêng khôi phục được nghề mắm truyền thống, anh còn tạo việc làm có thu nhập cao, ổn định cho hàng chục hộ dân địa phương.

Người “tìm lại” làng mắm ở Hải BìnhAnh Nguyễn Thế Hoàng khôi phục nghề mắm truyền thống ở Hải Bình bằng niềm đam mê và trách nhiệm với quê hương.

Theo dấu làng nghề nức tiếng

Theo Địa chí Thanh Hóa: Trong cuộc chiến chống xâm lược nhà Thanh, cùng với phòng tuyến Tam Điệp (Bỉm Sơn) thì vùng Cửa Bạng - Biện Sơn được vua Quang Trung xây dựng thành căn cứ thủy quân vững chắc để tiến quân ra Thăng Long. Đến thời nhà Nguyễn, trên cửa biển này lại được vương triều tiến hành xây dựng một pháo đài quân sự quy mô, kiên cố...

Bề dày lịch sử là thế, trước lúc hòa mình vào mẹ biển cả, dòng lạch Bạng còn để lại nơi đất liền những làng mắm nức tiếng trăm năm. Một trong số ấy là làng mắm ở phường Hải Bình (thị xã Nghi Sơn).

Theo các cụ cao niên ở Hải Bình, nghề biển ở đây phát triển từ thời khai đất lập làng. Trai tráng trưởng thành đều theo nghề biển. Ngày ấy, cá tôm đánh bắt được nhiều vô kể, bán ra ngoài được rất ít, sử dụng hàng ngày không hết, người dân nơi đây đã nghĩ ra cách ủ chượp với muối biển để tạo ra nước mắm. Đời nối đời, họ chắt góp kinh nghiệm, rồi phát triển nghề mắm thành làng nghề tấp nập cảnh bán mua. Đó là loại mắm có vị thanh đậm, sóng sánh màu cánh gián, nếm thử có vị ngọt dịu ở cổ họng. Đã có thời, nước mắm ở Hải Bình đã theo những đoàn thuyền vào kinh thành Huế. Đến những thập niên 60 - 70 của thế kỷ trước, nó có mặt ở hầu khắp các chợ lớn ở Hà Nội, như Chợ Mơ, chợ Đồng Xuân,...

Nhưng rồi, cũng như bao làng mắm Việt, trong cả thời gian cuối thế kỷ XX, nghề làm nước mắm ở Hải Bình gần như im hơi lặng tiếng. Người dân nơi đây chỉ còn làm để phục vụ nhu cầu. Nhiều người tiếc nuối, xót xa nhưng cũng chỉ biết khoanh tay đứng nhìn làng nghề đi vào thoái trào, quên lãng...

Gác bằng đại học để làm mắm

Giờ đây, nghề làm mắm ở phường Hải Bình đã được khôi phục, xây dựng với thương hiệu Vị Thanh, mang lại nguồn thu nhập cao và ổn định cho hơn 50 hộ dân. Thành công này có vai trò rất lớn của anh Nguyễn Thế Hoàng, người ở thôn Tân Hải.

Anh Hoàng sinh năm 1979, tốt nghiệp Trường Đại học Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh năm 2008 chuyên ngành kỹ sư kinh tế. Trước đó anh đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội. Học xong, anh ở lại thành phố mang tên Bác, lăn lộn trên công trình, làm đến chức trưởng phòng cho một công ty xây dựng với mức thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng và đã có nhà riêng. Nhưng rồi, Tết Nguyên đán năm 2016 về thăm quê, qua các cụ cao niên trong thôn, anh cảm nhận được nỗi đau làng nghề truyền thống không còn. Chỉ có thế, anh Hoàng quyết định từ bỏ để trở về. Và đó là ngã rẽ lớn nhất của cuộc đời anh cho đến lúc này.

Anh kể: “Dù lúc ấy vợ khuyên can, người thân trong gia đình ngăn cản, tôi vẫn quyết định từ bỏ công việc, bán nhà ở TP Hồ Chí Minh trở về quê làm mắm mà không hề mảy may luyến tiếc. Bởi từ nhỏ, tôi đã được bố mẹ dạy cách làm mắm và nghề mắm đã nuôi anh em tôi khôn lớn, ăn học thành người. Nghe nghề mắm không còn mà tôi như đứt từng khúc ruột. Tôi nghĩ, phải làm gì đó để có trách nhiệm với quê hương và với chính gia đình mình”.

Đó hẳn là một quyết định táo bạo, như một sự khác biệt của những người thành đạt. Bởi cho đến bây giờ, mức thu nhập ổn định hơn 30 triệu đồng/tháng vẫn là ao ước của nhiều trai tráng vùng biển. Trong khi đó, nghề mắm thường phải chắt chiu, nhưng thu nhập cũng chẳng đáng là bao.

Lúc khởi sự, anh Hoàng tìm hiểu lại quy trình, thấy được cái hay cái dở, tự phân tích, lý giải vì sao nghề mắm truyền thống thất truyền, từ đó khẳng định chất lượng là yếu tố quyết định, rồi nhận diện công đoạn nào phải chú trọng đầu tư để có được mắm ngon. Anh cất công đi đến nhiều làng mắm nổi tiếng trong nước để học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm, tham gia khóa đào tạo kỹ năng xây dựng thị trường, bao tiêu sản phẩm. Rồi anh mượn tiền của người thân, vay ngân hàng để vào tận Phan Thiết thuê thợ đóng thùng mắm bằng gỗ bời lời, mua sắm thêm các phương tiện, trang thiết bị với giá hơn 3 tỷ đồng để thành lập Cơ sở sản xuất mắm Huy Phát.

Mẻ mắm đầu tiên anh sản xuất đã có sự khác biệt, vừa ngon đậm vị truyền thống, vừa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thời điểm năm 2019, Cơ sở Huy Phát đã cho ra thị trường khoảng 10.000 nghìn lít nước mắm các loại mang thương hiệu Vị Thanh, mang về thu nhập hơn 300 triệu đồng.

Anh Hoàng trải lòng: “Nước mắm quê tôi mang đậm hương vị mắm của người xứ Thanh. Cái tên Vị Thanh bắt nguồn và mang ý nghĩa ấy. Nước mắm Vị Thanh được sản xuất bằng phương pháp truyền thống, áp dụng thêm các phương pháp khoa học hiện đại, nên mắm có màu cánh gián, độ đạm cao, đảm bảo được hương vị đặc trưng, không thể bị trộn lẫn với nhiều loại nước mắm trên thị trường”.

Thành công với Cơ sở mắm Huy Phát, anh Nguyễn Thế Hoàng đã vận động các hộ dân làm mắm và đánh bắt thủy hải sản trong phường liên kết để phát triển nghề truyền thống quê hương. Và ngày 19-5-2020, Hợp tác xã (HTX) Chế biến thủy sản Hải Bình đã được thành lập, do anh làm giám đốc, quy tụ được hơn 50 hộ tham gia.

Ông Trần Văn Sơn, Chủ tịch UBND phường Hải Bình, cho biết: Địa phương đánh giá rất cao nỗ lực của cá nhân anh Nguyễn Thế Hoàng, đã cùng với cấp ủy, chính quyền, Nhân dân địa phương khôi phục nghề mắm nói riêng và chế biến thủy sản nói chung. HTX Chế biến thủy sản Hải Bình ra đời không chỉ tạo điều kiện nâng cao thu nhập cho người làm mắm mà cả những hộ làm nghề biển ở Hải Bình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Sau khi được thành lập, HTX đã chú trọng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm đảm bảo chất lượng, gắn với gây dựng, quảng bá thương hiệu. Ngoài các loại mắm, HTX còn cung ứng các loại thủy sản, như: nõn tôm hấp sấy khô, cá lưỡng hồng phơi 1 nắng, chả cá thu... Đến nay, đã có 3 sản phẩm là nước mắm, mắm tôm, mắm tép mang thương hiệu Vị Thanh được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Tuy nhiên, thời điểm HTX được thành lập cũng là lúc dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát và diễn biến phức tạp, nhiều thị trường bị ngưng trệ, đầu ra cho sản phẩm gặp khó khăn. Không ngại khó, anh Hoàng đã lặn lội đi đến nhiều chợ, siêu thị, nhà hàng, khách sạn ở vùng chưa bị giãn cách trong nam ngoài bắc để tìm đầu ra cho sản phẩm. Rồi đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử; mở thêm đại lý ở các tỉnh, thành; đa dạng hóa cách bán, giao hàng... Nhờ đó mà 9 tháng năm 2021, HTX Chế biến thủy sản Hải Bình vẫn bán được hơn 9.000 lít nước mắm các loại và khoảng hơn 20 tấn mắm tôm, tép, thu lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng. Trung bình mỗi lao động của HTX thu nhập khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Đánh cược cả tiền đồ tươi sáng với chuyên ngành được đào tạo bài bản, anh Nguyễn Thế Hoàng đã trở lại với nghề truyền thống và thành công bởi niềm đam mê, tinh thần nỗ lực không ngừng nghỉ của bản thân. Anh bộc bạch: “Nghề mắm Hải Bình được khôi phục, thương hiệu mắm Vị Thanh ra đời và phát triển được như ngày hôm nay là nhờ cái tâm của những người làm mắm. Người làm mắm phải tuân thủ nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm ở tất cả các khâu, kể cả con cá đưa vào ủ chượp với muối cũng phải tươi ngon, chứ không tận dụng cá không bán được như ở nhiều nơi khác. Tôi mong muốn giữ lại nét văn hóa ẩm thực của làng mắm Hải Bình nói riêng và của người xứ Thanh nói chung”.

Và tôi tin, thương hiệu Vị Thanh sẽ còn vang xa.

Bài và ảnh: Đồng Thành



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]