(vhds.baothanhhoa.vn) - Ươm tơ, dệt nhiễu là nghề thủ công truyền thống hàng trăm năm tuổi ở làng nghề Hồng Đô, nay thuộc thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa). Tuy nhiên, nhiều năm nay, đứng trước những thách thức về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, lao động... một làng nghề hoạt động nhộn nhịp năm nào hiện đang đứng trước nguy cơ bị mai một, quên lãng.

Tháo gỡ khó khăn cho nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng Đô

Ươm tơ, dệt nhiễu là nghề thủ công truyền thống hàng trăm năm tuổi ở làng nghề Hồng Đô, nay thuộc thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa). Tuy nhiên, nhiều năm nay, đứng trước những thách thức về nguyên liệu, thị trường tiêu thụ, lao động... một làng nghề hoạt động nhộn nhịp năm nào hiện đang đứng trước nguy cơ bị mai một, quên lãng.

Tháo gỡ khó khăn cho nghề ươm tơ dệt nhiễu Hồng ĐôMột trong số ít hộ gia đình làm nghề nuôi tằm tại thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Không rõ nghề có tự bao giờ, người dân trong làng chỉ biết nong tằm, khung dệt đã trở thành người bạn thân thiết của biết bao gia đình, thế hệ và cứ thế cha truyền con nối. Thời điểm phát triển nhất của nghề, làng có tới 300 khung dệt, hàng trăm người thợ có tay nghề, mỗi năm xuất hơn 15.000 tấm nhiễu đi các tỉnh trong và ngoài nước.

Thế nhưng, nhiều năm trở lại đây, nghề trồng dâu, nuôi tằm không còn phát triển như xưa nên số khung dệt, thợ dệt theo đó cũng giảm dần. Hiện, toàn thị trấn chỉ còn khoảng 20 hộ làm nghề, diện tích trồng dâu giảm đáng kể, chỉ còn duy trì khoảng 30 ha. Ông Hoàng Viết Nở, một trong số ít hộ gia đình còn làm nghề nuôi tằm, cho biết: Tằm là loài vật có thời gian sinh trưởng ngắn, do vậy đòi hỏi yêu cầu nuôi khắt khe, khi đã mắc bệnh thì không có thuốc chữa nên phải phòng bệnh từ nguồn thức ăn, khu vực nuôi đảm bảo thông thoáng, từng chu kỳ nuôi của tằm cũng phải có cách chăm sóc riêng. Hiện nay, giá cả kén rất bấp bênh, việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào nuôi tằm vẫn chưa được phổ biến rộng rãi, phương pháp nuôi trồng truyền thống không thể cho ra loại tơ chất lượng để cạnh tranh với các loại tơ công nghiệp trên thị trường, việc tiêu thụ sản phẩm kén vẫn theo hình thức tự phát, chưa được ký kết bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng.

Cũng theo ông Đỗ Thành Đồng, Chủ tịch UBND thị trấn Thiệu Hóa, một số lý do nữa khiến nghề ươm tơ, dệt nhiễu đứng trước nguy cơ mai một là do diện tích trồng dâu bên bờ sông thường xuyên bị ngập úng nên ngày càng bị thu hẹp, hầu hết được chuyển đổi sang trồng keo nên không đủ lá dâu để nuôi tằm, một số hộ phải nhập kén tằm từ nơi khác với giá khá cao. Nuôi tằm đã khó, công đoạn ươm tơ, dệt nhiễu cũng phức tạp không kém, để có được những tấm nhiễu đẹp, mịn thì con thoi đưa qua lại phải thật đều tay thì mới có những sản phẩm đẹp đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, đầu ra cho sản phẩm hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều sản phẩm công nghiệp có chất lượng tốt hơn. Chuỗi sản xuất từ trồng dâu, nuôi tằm đến dệt nhiễu... bị đứt gãy khiến nhiều hộ dân không còn mặn mà với nghề. Mặt khác, lực lượng lao động hiện nay hầu hết có xu hướng đi làm công nhân trong các công ty, xí nghiệp nên thiếu lao động có tay nghề, kinh nghiệm. Cùng với đó, do các cơ sở sản xuất nằm trong khu dân cư nên nguồn nước thải chưa được xử lý, dẫn đến ô nhiễm môi trường cũng là nguyên nhân khiến nhiều gia đình phải bỏ nghề.

Để gìn giữ nghề truyền thống và tạo điều kiện cho các hộ sản xuất, kinh doanh, từ 10 năm trước, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Quyết định số 2842/QĐ-UBND về “Phê duyệt chủ trương đầu tư cơ sở hạ tầng làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô, xã Thiệu Đô, huyện Thiệu Hóa”, tuy nhiên đến nay còn gặp nhiều vướng mắc trong công tác phân chia khu vực cụ thể dành cho nghề ươm tơ, dệt nhiễu và các ngành nghề khác, phòng cháy chữa cháy, xử lý nước thải...

Ông Đỗ Thế Bằng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thiệu Hóa cho biết: Trước những khó khăn của nghề ươm tơ, dệt nhiễu, huyện Thiệu Hóa đã tổ chức hội nghị để lắng nghe nguyện vọng của người dân và đề xuất phương hướng, giải pháp phát triển làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô. Bên cạnh đó, cần có giải pháp để phát triển diện tích trồng dâu, sử dụng loại giống mới để có năng suất, chất lượng lá tốt, tạo ra nguồn nguyên liệu dồi dào để nuôi tằm. Bên cạnh đó, thị trấn Thiệu Hóa cần tập trung tuyên truyền để người dân hiểu về ý nghĩa của việc gìn giữ nghề truyền thống, từ đó có trách nhiệm phát triển nghề, đào tạo cho lao động trẻ; nhất là khuyến khích người dân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất để di chuyển vào sản xuất trong cụm làng nghề, hoàn thiện các điều kiện về phòng cháy chữa cháy, giao thông, hệ thống xử lý rác thải... Các hộ cũng cần chủ động đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định; quan tâm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm để tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Bài và ảnh: Lê Ngọc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]