(vhds.baothanhhoa.vn) - Non cao Bá Thước không chỉ hùng vĩ, mà với những ưu ái từ thiên nhiên đã giúp nơi này có được sản vật nổi tiếng: Vịt Cổ Lũng. Ngoài giá trị dinh dưỡng, vịt Cổ Lũng còn có nguồn gen quý hiếm. Xung quanh loài thủy cầm bản địa này là câu chuyện về vịt "đẻ ra vàng" theo đúng nghĩa đen.

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Non cao Bá Thước không chỉ hùng vĩ, mà với những ưu ái từ thiên nhiên đã giúp nơi này có được sản vật nổi tiếng: Vịt Cổ Lũng. Ngoài giá trị dinh dưỡng, vịt Cổ Lũng còn có nguồn gen quý hiếm. Xung quanh loài thủy cầm bản địa này là câu chuyện về vịt "đẻ ra vàng" theo đúng nghĩa đen.

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Các thành viên lễ ra mắt HTX chăn nuôi Vịt Cổ Lũng tại xã Cổ Lũng (Bá Thước)

Lên non ăn vịt cổ Lũng

Xã Cổ Lũng nằm cách trung tâm huyện Bá Thước hơn 10 km, được bao bọc bởi dãy Nậm Bá, Nậm Mười, Pha Lé, Pù Luông trùng điệp. Vùng đất này nằm ở độ cao 800 m so với mặt nước biển nên khí hậu quanh năm mát mẻ, con suối Nủa vắt ngang qua triền núi với nguồn thức ăn tự nhiên như ốc, cá nhỏ, tôm tép... là môi trường lý tưởng cho vịt Cổ Lũng sinh sống. Với phương thức chăn nuôi cổ truyền từ ngàn xưa của bà con dân tộc Thái đã tạo cho vịt Cổ Lũng hương vị rất đặc trưng, có hàm lượng dinh dưỡng cao.

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Anh Hà Văn Sinh, Giám đốc HTX phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng trình bày báo cáo trong buổi ra mắt.

Theo anh Hà Văn Sinh, Giám đốc HTX Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng, giống vịt này không biết từ đâu mà có chỉ biết rằng từ khi còn nhỏ gia đình anh đã duy trì nuôi và chỉ ăn mỗi khi nhà có khách quý đến. Người dân tộc Thái ở đây quan niệm mời khách ăn vịt do gia đình nuôi là cách thể hiện tình nghĩa của chủ nhà. Và quả thực, những người từng được làm khách quý ở Cổ Lũng đều phải gật gù công nhận hương vị không lẫn vào đâu của giống vịt bản địa này.

Cái sự ngon đặc biệt của vịt Cổ Lũng khiến nó thành đặc sản mà ai cũng muốn thử một lần. Tuy nhiên, mỗi gia đình người Thái thường chỉ nuôi dưới 10 con để ăn, ít khi bán ra ngoài. Mấy năm gần đây du lịch ở Pù Luông phát triển mạnh, nhiều nhà hàng, khu du lịch cộng đồng được thành lập thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước, nhu cầu đặc sản vịt Cổ Lũng tăng cao, nhiều người đổ xô lên xã săn lùng, đẩy giống vịt quý đến nguy cơ bị xóa sổ.

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Vịt Cổ Lũng - món ngon đặc sản của người dân mà ai đến đây cũng muốn thử một lần.

Nặng lòng với sản vật quê hương và mong muốn thoát nghèo đã thúc đẩy anh Sinh có những bước đi đột phá. Anh chia sẻ: “Tôi không muốn giống vịt bản địa này một lúc nào đó lại bị mai một, bởi vịt Cổ Lũng nếu để lai tạp hoặc chăn nuôi không đúng phương pháp thì sẽ trở thành vịt thường. Bản thân tôi dù có cố gắng cũng chỉ như muối bỏ bể, muốn bảo tồn, phát triển giống vịt quý phải được sự hỗ trợ tích cực của các cấp, ngành và cả cộng đồng".

Bắc cầu cho thương hiệu vịt Cổ Lũng tới thị trường

Các cụ ta thường nói: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo, muốn nghèo nuôi vịt” cho thấy sự “khó nuôi” của loài thủy cầm này.

Nuôi vịt để ăn theo kiểu tự cung tự cấp thì dễ chứ nuôi mang tính hàng hóa thì có không ít rủi ro và bấp bênh, mà nguyên do chính là loại thủy cầm này thường dễ mắc dịch bệnh. Để tránh những rủi ro không cần thiết, anh Sinh quyết định xuống núi đi học.

Trở thành sinh viên Khoa Nông - Lâm - Ngư nghiệp, Trường Đại học Hồng Đức, anh Sinh biết nuôi sao cho vịt mau ăn, chóng lớn, tiêm phòng như thể nào để đàn vịt chống được dịch bệnh. Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi, đàn vịt Cổ Lũng của gia đình anh Sinh phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Con suối Nủa - nơi đàn vịt tư bơi lội, tìm kiếm thức ăn.

Theo lời anh Sinh, để thịt vịt thơm ngon và đẻ trứng nhiều, không chỉ để vịt tự bơi lội, tìm kiếm thức ăn bên dòng suối Nủa, anh còn phải nuôi chúng bằng thóc, chuối thái lẫn với cỏ voi. Đều đều ngày 2 lần, vịt phải có 2 bữa ăn no, còn với vịt bé thì phải chẵn 3 bữa. Ngoài ra, anh còn thuê nhân công đào 3 vuông ao, dùng cọn (hay còn gọi là guồng nước, bánh xe nước) để dẫn nước suối lên các ao. Dưới tán cây rừng anh xây những chuồng nuôi kiên cố, chia thành các ô lớn nhỏ để nuôi vịt thịt, vịt đẻ trứng, vịt giống... Đối với vịt đẻ, anh chỉ nuôi trong khuôn viên, không thả suối vì dễ bị động làm dập trứng. Vịt thương phẩm được thả ra suối từ 9 giờ sáng và theo thói quen cứ 16 giờ chiều cho ăn là chúng tự về, loại này nuôi đến tháng thứ 4 thì đầu mới xanh và bắt đầu ăn khỏe nên trên 5 tháng mới có thể xuất bán, trung bình mỗi con nặng từ 1,9 kg đến 2,2 kg, giá bán từ 100.000 đồng đến 120.000 đồng/kg.

Để chủ động về con giống, gia đình anh đầu tư 3 lò ấp trứng với công suất 3 vạn trứng nên mỗi năm anh nuôi 5, 6 lứa vịt.

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Để khuyến khích dân bản nuôi vịt Cổ Lũng, năm 2017 anh Hà Văn Sinh thành lập HTX Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng với 12 thành viên. Các thành viên trong HTX sẽ được hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, cung ứng giống, thức ăn đảm bảo chất lượng, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm theo giá được thỏa thuận… Đây thực sự là “liều thuốc” giúp cho nhiều hộ gia đình có cơ hội để phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Không chỉ kiểm soát chất lượng, tự tìm đầu ra cho sản phẩm, HTX còn nghiên cứu, xây dựng chu trình tạo đàn mới luân phiên cho từng thành viên nhằm đảm bảo cung - cầu thường xuyên, liên tục, không bị ngắt quãng. Hiện nay, vịt Cổ Lũng đã “xuống” các nhà hàng, quán ăn tại thành phố Thanh Hóa và “đi” đến một số tỉnh phía bắc.

Sản phẩm vịt Cổ Lũng của HTX Phát triển chăn nuôi vịt Cổ Lũng đã được chứng nhận OCOP. Đây là bước đệm để vịt Cổ Lũng vươn tới các nhà bán lẻ lớn để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, HTX gặp không ít khó khăn, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như hiện nay.

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Theo anh Sinh, rào cản lớn nhất đối với HTX nhỏ là thị trường ở các thành phố lớn, sản phẩm chịu nhiều sức ép cạnh tranh từ những mô hình kinh doanh cùng ngành nghề. Còn với những thị trường khác, có thể tiêu thụ và chiếm được tình cảm của người tiêu dùng thì phải chịu chi phí vận chuyển, bán hàng rất lớn. Để duy trì đàn, mở rộng thị trường HTX phải đầu tư mua sắm máy móc thiết bị cải tiến kỹ thuật, phương tiện vận tải để vận chuyển sản phẩm đến phân phối cho thị trường…

Dù khó khăn còn nhiều, song theo anh Sinh mục tiêu ban đầu là đưa thương hiệu vịt Cổ Lũng vươn xa đã phần nào đạt được. HTX chủ động được vùng nguyên liệu, nhất là đã giải quyết được việc làm ổn định cho bà con. Vịt Cổ Lũng bà con nuôi, HTX đã hợp đồng thu mua luôn cao hơn của thương lái. Ngoài ra, HTX cũng cung cấp giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh để bà con chăn nuôi đúng quy trình đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất…

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng Bùi Văn Sâm giao trách nhiệm bảo tồn và phát triển thương hiệu Vịt Cổ Lũng trong buổi ra mắt HTX Chăn nuôi Vịt Cổ Lũng.

Chủ tịch UBND xã Cổ Lũng Bùi Văn Sâm cho biết: "Trên địa bàn xã có 900/1.039 hộ nuôi vịt, trong đó có 25 hộ tham gia vào các HTX chăn nuôi vịt Cổ Lũng theo quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo giống vịt Cổ Lũng nhanh lớn, thịt có chất lượng thơm ngon, ít dịch bệnh. Với điều kiện khí hậu, nguồn nước thích hợp cho vịt Cổ Lũng sinh trưởng, phát triển, những năm qua vịt Cổ Lũng đã trở thành nguồn thu nhập chính cho các hộ trong xã”.

Vịt Cổ Lũng vượt núi

Các thành viên HTX chăn nuôi vịt Cổ Lũng trong buổi ra mắt.

Để gìn giữ giá trị của vịt Cổ Lũng, tháng 11-2020 Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - Công nghệ) đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vịt Cổ Lũng - Bá Thước. Khu vực địa lý gồm các xã: Ban Công, Thành Lâm, Thành Sơn, Lũng Niêm, Lũng Cao. Điều này đã góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm, động lực để bà con đưa thương hiệu ngày một lan xa.

Tăng Thúy - Ngọc Tiến


Tăng Thúy - Ngọc Tiến

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]