(vhds.baothanhhoa.vn) - Học sinh tốt nghiệp THCS ở TP Thanh Hóa chuẩn bị bước vào một kỳ thi được đánh giá là rất khó khăn, khi mà không phải em nào cũng sẽ có tấm vé vào trường THPT công lập.

Sĩ diện mùa thi

Học sinh tốt nghiệp THCS ở TP Thanh Hóa chuẩn bị bước vào một kỳ thi được đánh giá là rất khó khăn, khi mà không phải em nào cũng sẽ có tấm vé vào trường THPT công lập.

Sĩ diện mùa thi

Số hồ sơ đăng ký thi tuyển vào các trường THPT công lập trên địa bàn thành phố do các trường công bố đều cao chót vót, có những trường số hồ sơ đăng ký cao gấp đôi số chỉ tiêu được tuyển năm học 2024-2025. Nghĩa là sẽ có rất nhiều học sinh sẽ trượt.

Biết là khó khăn, và nhiều học sinh học lực dưới mức trung bình nhưng vẫn được gia đình cổ vũ, thậm chí ép buộc các em nộp hồ sơ vào trường công lập. Cơ bản những gia đình ấy biết con mình có rất ít cơ hội, thậm chí cơ hội bằng không, nhưng vẫn hy vọng. Lớn hơn đó chính là sĩ diện của cha mẹ.

Có những gia đình nói thẳng ra rằng nếu con họ không đậu trường công lập thì sẽ cho học trường tư. Trong khi đó, một loại hình giáo dục song song với THPT là giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cũng khá ưu việt, học sinh vừa được học văn hóa vừa được đào tạo nghề đã gần như bị bỏ qua.

Mùa thi trước, một người quen của tôi có con trượt THPT công lập. Nhiều người khuyên chị cho con học trường nghề để cháu phấn đấu dần, nhưng chị lắc đầu. Sau mấy ngày mất cân bằng, chị đăng ký cho con vào một trường dân lập có tiếng, và tự hào vì điều đó, vì môi trường học tập ở ngôi trường này có nhiều thứ đạt chuẩn quốc tế. Chị không nói về những khoản chi phí hàng tháng cho con học, nhưng ai cũng biết nó không hề rẻ.

Bỏ qua loại hình giáo dục văn hóa kết hợp nghề nghiệp, hướng tới những trường công lập hoặc chí ít là những trường tư thục chất lượng cao bởi gần như không ai muốn con mình mang tiếng là học dốt, phải học nghề cả.

Học trường công, trường tư thục sẽ có cơ hội để vào đại học, còn học nghề thì suốt đời chỉ làm thợ. Khát vọng chính đáng, nhưng những suy nghĩ cực đoan về việc đào tạo nghề đã khiến cho nhiều gia đình có cái nhìn lệch lạc.

Học trường nghề, học ở trung tâm giáo dục thường xuyên đâu nhất thiết sẽ làm thợ. Làm gì sau này phụ thuộc rất lớn vào tâm thế nhập cuộc, ý chí, khát vọng vươn lên của người học. Khi mà xã hội đang đứng trước cơn khủng khoảng thừa thầy, thiếu thợ, thì tấm bằng đại học nhiều khi lại không phát huy được tác dụng bằng chứng chỉ nghề, bằng tốt nghiệp trường nghề. Rất nhiều người đã trưởng thành từ mái trường nghề trong khi có những người từng được học ở những trường công có tiếng, nhưng đã không thành công.

Tinh thần, thái độ học tập và cách tiếp cận xã hội mới là điều quan trọng nhất. Vạch xuất phát hay môi trường học tập chỉ là sự bắt đầu.

Học sinh trường công, nhất là trường điểm thường có tỷ lệ đậu đại học cao, tạo nền tảng tốt trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Vào trường công là điều đáng mừng, nhưng nếu không đủ lực để chen chân vào, thì vẫn còn những lựa chọn khác. Thay vì ý chí con mình nhất định phải học trường công, thậm chí trường điểm, phụ huynh nên chuẩn bị tâm thế cho một hành trình mới của con. Con đường nào cũng tới đích, vấn đề nằm ở chỗ tâm thế nhập cuộc như thế nào mà thôi. Dứt khoát nộp hồ sơ vào trường THPT công lập, thậm chí là trường THPT chất lượng cao, không lượng hết sức mình dễ tạo ra những cú sốc tâm lý đầu đời.

Hạnh Nhiên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]