Số hóa di tích lịch sử: Dấu ấn của tuổi trẻ Thanh Hóa
Tuyên truyền, quảng bá du lịch theo hướng thông minh, bắt kịp xu thế thời đại, thời gian qua, các cấp bộ đoàn trong tỉnh đã triển khai xây dựng công trình thanh niên “Số hóa di tích lịch sử, văn hóa”, đặt mã QR tại các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn.
Tuổi trẻ Thiệu Hóa ra mắt công trình số hóa tại các điểm, di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn.
Thiệu Hóa là vùng đất có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa và cách mạng lâu đời. Nơi đây có nhiều di sản văn hóa vật thể được gìn giữ và phát huy giá trị. Hiện tại, Thiệu Hóa có 44 di tích được xếp hạng, trong đó, có 6 di tích cấp quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh. Nhiều di tích có giá trị văn hóa, lịch sử, cách mạnh lớn như: Di chỉ khảo cổ học núi Đọ - nơi phát hiện ra sự sống của người Việt cổ, Di tích đền thờ Lê Văn Hưu; các đền thờ: Đinh Lễ, Nguyễn Quán Nho, Nguyễn Quang Minh, Dương Tam Kha, Trần Lựu... Phát huy hơn nữa giá trị các di tích trong cộng đồng, quảng bá du lịch địa phương trên không gian mạng, tuổi trẻ Thiệu Hóa đã thực hiện số hóa nhiều di tích trên địa bàn.
Theo đó, từ tháng 3/2024 đến nay, Huyện đoàn Thiệu Hóa thực hiện số hóa Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ Lê Văn Hưu và Khu lăng mộ Lê Văn Hưu (xã Thiệu Trung). Đền thờ là nơi thờ tự nhà sử học Lê Văn Hưu - người đặt nền móng cho Quốc sử Việt Nam, tác giả của “Đại Việt sử ký”. Người dân và du khách chỉ cần dùng điện thoại thông minh quét mã QR là có thể dễ dàng tìm hiểu, cập nhật thông tin tổng quan về di tích như: niên đại xây dựng, lịch sử hình thành, quá trình cải tạo, nét đẹp kiến trúc, giá trị lịch sử, văn hóa,... và xem nhiều hình ảnh sống động về di tích.
Ông Lê Tiến Hải, Bí thư Đảng ủy xã Thiệu Trung cho biết: “Đây là một cách làm rất sáng tạo, ý nghĩa của tuổi trẻ địa phương. Nhờ quét mã QR, du khách và Nhân dân địa phương thuận lợi trong việc nghiên cứu, tìm hiểu về lịch sử của các điểm, khu di tích, đồng thời hiểu rõ hơn về lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ”.
Anh Nguyễn Duy Nhất, Phó Bí thư phụ trách Huyện đoàn Thiệu Hóa cho biết: “Trong thời gian qua, tuổi trẻ địa phương thực hiện gắn mã QR tại 3 di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn huyện gồm: di tích lịch sử cách mạng trụ sở làm việc của Tỉnh ủy Thanh Hóa (giai đoạn 1967-1973), Di tích lịch sử cách mạng họ Vương và Khu di tích lịch sử quốc gia Đền thờ và khu lăng mộ Lê Văn Hưu. Để có dữ liệu đầy đủ, chính xác về các di tích, Huyện đoàn đã phối hợp với các phòng chức năng, đoàn cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin, từ đó biên tập, thiết kế rõ ràng, chi tiết để người dân, khách du lịch có thể tra cứu thông qua mã QR”.
Trong thời gian tới, Ban Thường vụ Huyện đoàn sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp bộ đoàn trong toàn huyện đẩy mạnh việc chuyển đổi số, đặc biệt là việc số hóa 100% các di tích, các tài liệu, hiện vật, thông tin về các địa danh lịch sử, địa chỉ đỏ trên địa bàn huyện Thiệu Hóa.
Đông Sơn là địa phương được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh và có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời. Nhận thức được vai trò, trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tuổi trẻ Đông Sơn đã tích cực quảng bá, giới thiệu cảnh đẹp quê hương trên môi trường số.
Đoàn viên thanh niên hướng dẫn người dân, khách tham quan quét mã QR tra cứu thông tin di tích trên điện thoại.
Với tinh thần tuổi trẻ tiên phong chuyển đổi số, đoàn thanh niên các cấp đã tích cực thực hiện số hóa các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử, văn hóa, tại các di tích gồm: Di tích Địa điểm lịch sử và thắng cảnh Rừng Thông, Hàm Hạ (thuộc thị trấn Rừng Thông); Khu di tích lịch sử Nguyễn Chích, Lê Ngọc, Lê Giám (Đông Ninh); Đền thờ Nguyễn Nghi, Nguyễn Khải, Đế Thích, Bạch Vân Sơn Thần và Phủ mẫu (Đông Thanh); Cụm di tích lịch sử, văn hóa và thắng cảnh Đông Tiến; Nghè trung làng Văn Ba, Đình làng Minh Thành, Đình cả làng Thịnh Trị (Đông Quang); Đền thờ Lê Hy (Đông Khê)...
Chị Trần Thị Chuyên, Bí thư Huyện đoàn Đông Sơn chia sẻ: “Việc số hóa tại các di tích văn hóa, lịch sử thể hiện tinh thần xung kích của tuổi trẻ Đông Sơn trong chuyển đổi số, đồng thời giáo dục tinh thần cách mạng cho thế hệ trẻ. Đây là hình thức cung cấp thông tin, hình ảnh, tài liệu về di tích, địa danh lịch sử tới người dân, du khách một cách nhanh chóng, sinh động, hiệu quả. Các cơ sở đoàn sẽ tiếp tục khảo sát, triển khai nhằm số hóa 100% các di tích lịch sử, cách mạng trên địa bàn”.
Đoàn viên thanh niên Nguyễn Thị Hằng (xã Đông Khê), chia sẻ: “Với các mô hình số hóa trên địa bàn, em có thể dễ dàng giới thiệu cùng bạn bè trong và ngoài huyện về các di tích, các điểm đến của địa phương. Không những thế đây còn là tài liệu học tập quý giá, cung cấp tài liệu lịch sử chính xác”.
Ngày nay, những điểm di tích lịch sử là những địa chỉ đỏ, là điểm đến để đoàn viên, thanh thiếu nhi, thế hệ trẻ tìm hiểu và học tập. Từ đó trau dồi kiến thức lịch sử, nâng cao tinh thần yêu nước, khơi gợi lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Vì vậy, các công trình số hóa có ý nghĩa trong bảo tồn, quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống. Công trình còn thể hiện sự tiên phong của tuổi trẻ Thanh Hóa trong lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Bài và ảnh: Phan Vân
{name} - {time}
-
2024-11-08 13:13:00
Kết quả nổi bật trong chuyển đổi số giai đoạn 2021-2024
-
2024-10-25 13:31:00
Chuyển đổi số trong kinh doanh vận tải hành khách
-
2024-08-26 11:11:00
Anh khuyến cáo không nên cho trẻ dưới 11 tuổi dùng điện thoại thông minh
Nỗ lực “cán đích” xã chuyển đổi số
Lưu trữ số - hành trình bắt buộc vì Quốc gia số
Đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, nâng cao hiệu quả kinh doanh
Bước tiến trong chuyển đổi số
Nỗ lực số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính
TP Thanh Hóa đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh
Tập huấn kỹ năng viết tin, bài trên trang thông tin điện tử
Thúc đẩy chuyển đổi số lĩnh vực tài nguyên và môi trường
Xu hướng đi chợ “online” của các gia đình trẻ