Sôi nổi phong trào văn nghệ, thể thao ở Như Thanh
Phong trào văn nghệ, thể thao (VNTT) ở huyện Như Thanh ngày càng phát triển sâu rộng với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, mà còn làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân.
Tiết mục múa sạp của đồng bào dân tộc Thái xã Thanh Tân.
Vào mỗi buổi tối tại nhà văn hóa thôn Thanh Quang, xã Thanh Tân (Như Thanh) có rất đông người dân đến vui chơi giải trí, giao lưu văn nghệ. Bà Nguyễn Thị Hà, người dân trong thôn cho biết: "Tối nào tôi cũng cùng một số người dân trong thôn tập trung ra nhà văn hóa để giao lưu, tập luyện các tiết mục văn nghệ. Tham gia hoạt động này đã làm cho đời sống tinh thần được nâng lên. Đây cũng là dịp để người dân trong thôn giao lưu, trò chuyện, tăng cường tình đoàn kết, gắn bó. Thông qua các tiết mục văn nghệ, cũng góp phần gìn giữ, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, đồng thời động viên, cổ vũ người dân trong thôn chung sức XDNTM".
Không chỉ thôn Thanh Quang, mà tại 13/13 thôn trong xã Thanh Tân các hoạt động VNTT đều phát triển rộng khắp, sôi nổi thu hút đông đảo người dân tham gia. Bà Nguyễn Thị Nguyệt, công chức văn hóa - xã hội xã Thanh Tân cho biết: Để đáp ứng nhu cầu tập luyện VNTT của người dân, xã đã quan tâm bố trí quy hoạch quỹ đất, huy động các thôn cùng chung tay xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa đồng bộ từ xã đến thôn. Nhờ đó, đến nay cả 13/13 thôn đều đã xây dựng được nhà văn hóa thôn có khuôn viên rộng rãi và mua sắm đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo phục vụ cho các hoạt động cộng đồng. Trên địa bàn xã có tới 70% đồng bào dân tộc Thái sinh sống, chính vì vậy xã luôn chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động người dân thành lập các câu lạc bộ (CLB), đội văn nghệ gắn với việc bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào Thái. Hiện, xã đã thành lập được 1 CLB văn nghệ, 3 đội văn nghệ truyền thống dân tộc Thái. Mỗi CLB thu hút từ 30 - 40 thành viên tham gia hoạt động thường xuyên. Từ đó, không chỉ giúp nâng cao đời sống tinh thần của người dân mà còn góp phần vào giữ gìn và phát huy nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Thái như nhảy sạp, khua luống...
Ngoài ra, hoạt động thể dục - thể thao cũng được xã quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, xã đang duy trì hoạt động của nhiều CLB bóng chuyền hơi, bóng chuyền da, bóng đá. Hàng năm, xã đều quan tâm tổ chức nhiều giải thi đấu thể thao vào các dịp lễ, tết thu hút đông đảo người dân tham gia. Từ đó, góp phần rèn luyện sức khỏe cho người dân và tuyển chọn được các vận động viên xuất sắc để tham gia thi đấu tại các giải thể thao do huyện và tỉnh tổ chức.
Hoạt động VNTT có tầm quan trọng đặc biệt, chính vì vậy thời gian qua hầu hết các xã trên địa bàn huyện Như Thanh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh, lồng ghép trong các cuộc họp thôn, để vận động người dân tích cực tham gia.
Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Như Thanh Đinh Xuân Thắng cho biết: Để tăng cường các hoạt động VNTT của Nhân dân trên địa bàn, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, huyện đã quan tâm bố trí nguồn lực, quy hoạch quỹ đất để đầu tư xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa từ huyện đến cơ sở. Hiện nay, huyện đang xây dựng trung tâm văn hóa- thể thao phục vụ tập luyện và thi đấu, dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động vào cuối tháng 5/2025. Ngoài ra, 14/14 xã, thị trấn trong huyện đã xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao; 159/159 thôn, bản, khu phố đã đầu tư xây dựng nhà văn hóa - khu thể thao. Toàn huyện cũng đã xây dựng được 15 sân vận động, 118 sân chơi bãi tập, 4 sân cỏ nhân tạo bóng đá mini, 150 sân bóng chuyền da, 185 sân bóng chuyền hơi, 72 sân cầu lông, 28 bàn bóng bàn... đảm bảo đáp ứng yêu cầu hoạt động VNTT cho người dân trên địa bàn.
Nhờ hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng khang trang mà hoạt động văn nghệ ở huyện ngày càng phát triển rộng khắp, thu hút đủ mọi thành phần, lứa tuổi tham gia. Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 165 CLB, đội văn nghệ. Bên cạnh việc tập luyện, biểu diễn các tiết mục văn nghệ hiện đại, các CLB, đội văn nghệ còn chú trọng bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc thông qua các làn điệu dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc...
Hàng năm, huyện phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ cho những người làm văn hóa, văn nghệ tại các xã, thị trấn và hạt nhân văn nghệ ở các thôn, bản. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ nhân dịp lễ, tết, sự kiện của đất nước, địa phương, từ đó tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, sân chơi, giao lưu cho hoạt động văn nghệ quần chúng phát triển ngày càng rộng khắp.
Cùng với đó, để phong trào thể dục - thể thao phát triển, huyện đã thường xuyên phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động thu hút nhiều người tham gia. Đặc biệt, huyện luôn khuyến khích các đơn vị, địa phương tổ chức các giải thể thao có các môn thể thao truyền thống dân tộc và các trò chơi dân gian. Qua đó, giúp địa phương tuyển chọn vận động viên có năng khiếu vào đội tuyển thể thao nòng cốt tham gia giải cấp tỉnh.
Có thể khẳng định, phong trào VNTT trên địa bàn huyện Như Thanh ngày càng có sức lan tỏa, từ đó tạo sân chơi giải trí lành mạnh trong Nhân dân, góp phần hướng tới xây dựng môi trường xã hội văn hóa, văn minh.
Bài và ảnh: Nguyễn Đạt
{name} - {time}
-
2025-04-03 09:58:00
Phát huy giá trị để di tích Nhà tù Hỏa Lò trở thành điểm đến thu hút du khách
-
2025-04-03 09:56:00
Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương: Bản sắc văn hóa của người Việt Nam
-
2025-04-02 09:54:00
Độc đáo những sắc màu văn hóa các dân tộc Việt Nam trong tháng 4
Lối đi nào cho những bộ phim tiếp theo về Trịnh Công Sơn?
Gìn giữ nét truyền thống qua các trò chơi dân gian
Đặc sắc lễ hội Cầu Ngư của cư dân miền biển xứ Thanh
Cỗ máy tư duy vĩ đại - Chuyện về NVIDIA
Nữ chính "Khi cuộc đời cho bạn quả quýt” kiếm được bao nhiêu tiền cát-xê?
Tại sao được nói dối vào ngày Cá tháng Tư?
“Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” - phim về những con người đất thép thành đồng