(vhds.baothanhhoa.vn) - Một đỉnh cao mịt mờ mây phủ, đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến Son Bá Mười cách đây 5 năm. Ban ngày thì sương mù dày đặc, tầng tầng lớp lớp bao quanh núi đồi, ban đêm tối đen hoang lạnh vì không có điện, chăn trên đệm dưới mà vẫn rét như cắt da cắt thịt. Những ngọn núi hùng vĩ và hoang sơ. Những khu rừng xanh tươi bạt ngàn. Những nếp nhà sàn ẩn hiện trong sương mờ. Và nét độc đáo nhất của Son Bá Mười là hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở rạng rỡ trong những ngày xuân. Đào ở đây khá nhiều, người ta còn trồng để làm hàng rào trên nương rẫy hoặc ven đường đi.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Son Bá Mười - đỉnh cao mây ngàn

Một đỉnh cao mịt mờ mây phủ, đó là ấn tượng đầu tiên khi tôi đặt chân đến Son Bá Mười cách đây 5 năm. Ban ngày thì sương mù dày đặc, tầng tầng lớp lớp bao quanh núi đồi, ban đêm tối đen hoang lạnh vì không có điện, chăn trên đệm dưới mà vẫn rét như cắt da cắt thịt. Những ngọn núi hùng vĩ và hoang sơ. Những khu rừng xanh tươi bạt ngàn. Những nếp nhà sàn ẩn hiện trong sương mờ. Và nét độc đáo nhất của Son Bá Mười là hoa đào, hoa mơ, hoa mận nở rạng rỡ trong những ngày xuân. Đào ở đây khá nhiều, người ta còn trồng để làm hàng rào trên nương rẫy hoặc ven đường đi.

Son Bá Mười - đỉnh cao mây ngàn

Lần này trở lại đúng dịp tiết trời ấm, hoa đào bung nở, đêm dường như đỡ lạnh hơn bởi ánh điện tỏa sáng trong những ngôi nhà sàn. Và điều đặc biệt nhất mà tôi nhận thấy, là trong mắt những người trẻ ẩn chứa khát vọng cháy bỏng về sự đổi mới, phát triển quê hương.

Son, Bá, Mười (hay còn gọi là khu Cao Sơn), là tên 3 bản cao nhất của xã Lũng Cao, huyện Bá Thước, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 130km về phía Tây Bắc. Nơi đây có hệ sinh thái núi đá vôi thấp duy nhất tại miền Bắc Việt Nam với những cánh rừng nguyên sinh hàng ngàn năm tuổi. Ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, Son Bá Mười được bao bọc bởi các dãy núi non trùng điệp, thuộc vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Bà con dân tộc Thái Đen quần tụ lâu đời, tạo thành ba bản nằm trong những thung lũng nhỏ. Bản Son đông nhất là hơn 100 hộ dân, hai bản còn lại, mỗi bản khoảng 30-50 hộ, tổng cộng khoảng 1.000 nhân khẩu.

Sự hiểm trở của núi non khiến Cao Sơn gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Hành trình “thượng sơn” lên Son Bá Mười - chốn thâm sơn cùng cốc đẹp như tranh vẽ luôn là thử thách hấp dẫn dành cho ai có niềm đam mê khám phá.

Trước đây, từ trung tâm xã Lũng Cao để đến được Son Bá Mười, phải đi bộ, leo qua những đỉnh dốc gập ghềnh cao vút, đến cả ngựa còn khó đi. Muốn lên đây bằng xe máy, ô tô, phải vòng qua huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, vượt cổng trời Lũng Vân để sang. Người dân Son Bá Mười từng làm đơn lên Chính phủ xin được sáp nhập với tỉnh Hòa Bình, vì giao thông phía Thanh Hóa quá khó khăn, khiến việc phát triển kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn. Ngày hôm nay, Son Bá Mười đã gần hơn với trung tâm xã Lũng Cao, khi được Nhà nước quan tâm đầu tư con đường vượt đỉnh Eo Mào. Tuy phải băng qua những dốc núi cao, sương mù dày đặc nhưng con đường đã trở thành huyền thoại đối với người dân và du khách thập phương, bởi nó làm nên sự thay đổi vượt bậc cuộc sống dân sinh nơi đây.

Đỉnh Cao Sơn vẫn thường được ví như “Đà Lạt trong lòng xứ Thanh”, hay “Sa Pa thu nhỏ của Thanh Hóa”, địa chất lại có một phần giống cao nguyên đá ở Hà Giang. Vẻ đẹp Son Bá Mười tựa như nàng thiếu nữ e ấp trong sương khói Đà Lạt, nhưng cũng có nét mộc mạc của những sơn nữ vùng cao Tây Bắc. Nơi đây thuộc tiểu vùng khí hậu đặc biệt, nhiệt độ trung bình trong năm chỉ từ 18-22OC, đôi khi mùa đông có tuyết rơi, mùa hè nhiệt độ ban đêm cũng xuống rất thấp. Vào mùa sương, những thung lũng nhỏ biến thành biển mây bồng bềnh, đứng trên sườn đồi có thể chạm mây bay là là trước mặt và dưới chân, như ở chốn bồng lai tiên cảnh. Đất đai màu mỡ, tơi xốp, khi có mưa phùn chẳng cần phải cày cuốc, chỉ lấy xẻng hất nhẹ lên thành luống là có thể trồng rau. Khí hậu, thổ nhưỡng nơi này rất phù hợp để trồng rau vụ đông. Ngọn và quả su su nơi đây luộc lên ăn ngọt lừ, khác hẳn loại quả trồng ở miền xuôi.

Từ bản Son, vượt dốc Hùa Pu đến bản Mười, tôi ghé thăm những ngôi trường. Do ở xa trung tâm xã, nên khu vực này được đầu tư cụm Trường phổ thông cấp 1 - 2 Cao Sơn tại bản Mười. Hàng chục năm trước, người dân Cao Sơn phải cõng gạch cát, xi măng đi bộ vượt dốc gần chục cây số để xây nên ngôi trường này. Điểm trường mầm non trước là tranh tre nứa lá, sau được Câu lạc bộ Otofun và các nhà hảo tâm hỗ trợ xây kiên cố hơn. Năm 2021, Hội “Trái tim yêu” đã xây tặng nhà ăn bán trú, để các cháu được ở lại trường buổi trưa. Cô Hiệu trưởng Trường Mầm non Lũng Cao Hà Thị Hiền, cho biết: Từ khi được ăn bán trú, các con đều béo khỏe, nhanh nhẹn hơn, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng; bố mẹ không phải tất tả đón đưa nhiều lần, có nhiều thời gian lao động sản xuất.

Từ bản Mười, vượt cua đường Keo Nầm sẽ sang bản Bá, nơi tiếp giáp với huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Năm năm trước, chúng tôi đã được ông Ngân Văn Kim, Bí thư Chi bộ bản Bá, mời thưởng thức những quả ngọt đầu tiên ông trồng trên vườn đồi, và tặng cho cành đào đẹp nhất mang về thành phố chơi tết. Giờ đây, những trang trại ở bản Bá đã tươi tốt hơn, xum xuê hoa trái.

Cao Sơn còn được các nhà khoa học đánh giá là vùng đất giàu tiềm năng để trồng cây dược liệu. Tuy nhiên, nguồn nước sinh hoạt và sản xuất hoàn toàn phụ thuộc thiên nhiên. Muốn sản xuất bền vững phải tính toán làm hồ đập để đảm bảo nguồn nước chủ động.

Son Bá Mười có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nông nghiệp sạch, chăn nuôi, thế nhưng việc khai thác còn hạn chế. Trước đây, người dân sản xuất theo lối truyền thống, không quan tâm nhiều đến an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm thu hoạch không bán được ra ngoài nhiều. Yêu mến vùng đất này, anh Lê Thế Ngân, Chủ tịch HĐQT Công ty CP sữa Thanh Hóa đã quyết định hỗ trợ bà con xây dựng mô hình nông nghiệp, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11041-2:2017. Đến nay, bà con đã canh tác được gần 3ha rau màu theo hướng hữu cơ, dự kiến sẽ mở rộng lên tới 10ha. Công ty CP sữa Thanh Hóa sẽ hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm bằng việc xây dựng chuỗi cung ứng trực tiếp từ nơi sản xuất tới nơi tiêu thụ. Anh Lê Thế Ngân cũng chính là Chủ tịch Hội “Trái tim yêu”, đơn vị tài trợ xây nhà ăn bán trú cho điểm trường mầm non. Cùng với việc hỗ trợ bà con sản xuất, anh và Hội “Trái tim yêu” còn tổ chức nhiều hoạt động thiện nguyện như hỗ trợ gạo, nhu yếu phẩm cho một số hộ nghèo, hỗ trợ khẩu phần bữa trưa cho trẻ mầm non; giúp một số bạn trẻ đi học nghề để sau này trở về phục vụ quê hương...

Tại nhà anh Hà Văn Quê ở bản Son, chúng tôi được bốn bạn trẻ đang được hỗ trợ học nghề là Hường, Anh, Ngân, Mạnh tận tình chuẩn bị mâm cơm thật ngon để thết đãi. Anh Lê Thế Ngân nói, đây cũng là dịp để các cháu “thực tập” những gì học được. Sau này chính các cháu sẽ là những người trực tiếp quản lý, điều hành phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, góp phần làm giàu cho quê hương.

Dịp này lên Son Bá Mười, chúng tôi được chứng kiến cảnh bà con giúp nhau dựng nhà. Đã thành truyền thống, gia đình nào dựng nhà, cả bản sẽ góp vật liệu, công sức. Sáng sớm còn chưa rõ mặt người, bà con đã tề tựu đông đúc, những vì kèo nhanh chóng được dựng lên trong tiếng hò dô lấy đà vang cả núi rừng. Chỉ trong ít ngày, bản Son đã có tới 3 ngôi nhà mới được dựng lên, trong đó có 1 nhà thuộc diện đặc biệt khó khăn.

Dù 5 năm mới quay trở lại, nhưng điều làm tôi vô cùng cảm động là những người dân nơi đây vẫn nhớ và gọi đúng tên mình. Một lần nữa chia tay những con người chân chất và thân thiện ấy, chúng tôi xuống núi với một niềm tin mãnh liệt: Cao Sơn rồi sẽ bừng sáng trong một ngày không xa, miền mây ngàn sương phủ này sẽ sớm trở thành một điểm đến lý tưởng của du khách muôn phương.

Bài và ảnh: Mai Hương


Bài và ảnh: Mai Hương

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]