(vhds.baothanhhoa.vn) - Nằm dưới chân núi Mông Cù thuộc làng Đa Bút, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), di tích cấp tỉnh nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút có giá trị như một “bảo tàng” ngoài trời về nghệ thuật chạm khắc đá thế kỷ XVIII.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Nằm dưới chân núi Mông Cù thuộc làng Đa Bút, xã Minh Tân (Vĩnh Lộc), di tích cấp tỉnh nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút có giá trị như một “bảo tàng” ngoài trời về nghệ thuật chạm khắc đá thế kỷ XVIII.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Thời kỳ Trung hưng (còn gọi là thời Lê - Trịnh) kéo dài hơn 200 năm đã để lại nhiều dấu ấn về kiến trúc. Bên cạnh các công trình kiến trúc gỗ (đền, miếu…) thì nghệ thuật điêu khắc đá chiếm phần không nhỏ, chủ yếu là lăng mộ, đền đài. Tiêu biểu trong đó là nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút ở xứ Thanh. Nhóm tượng đá bao gồm khu vực rồng đá và tượng vũ sĩ. Trong đó, khu vực tượng vũ sĩ bao gồm hệ thống tượng võ quan đứng hai hàng và 2 tượng phỗng đá tư thế chầu đợi lệnh.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Theo người dân địa phương, nhóm tượng vũ sĩ nằm trong khu lăng mộ Thái phi Nguyễn Thị Ngọc Diệm (Diễm). Bà là vợ chúa Trịnh Doanh và mẹ chúa Trịnh Sâm. Trong quá khứ, bà từng được tôn xưng là bậc thánh Mẫu. Bởi vậy, khu lăng mộ còn được biết đến với tên gọi Lăng bà thánh Mẫu; miếu Bà. Sau khi qua đời ở Thăng Long bà được đưa về an táng ở vùng đất “quý hương”, nơi khởi phát của nhà Trịnh.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Di tích tọa lạc trên thế đất mà theo sách Đại Nam nhất thống chí: “Núi Mông Cù … mạch núi từ một dải núi ở huyện Thạch Thành kéo đến, nổi vọt lên ngọn núi cao, phía Đông có thể trông thấy biển cả; phía Tây có thể trông thấy miền thượng lưu của sông Mã; phía Bắc có thể trông thấy hai tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình; lên đỉnh trông xa thì thấy bốn bề bát ngát”.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Khu lăng mộ nằm trên thế đất tương đối bằng phẳng. Trải qua thời gian với những biến động lịch sử, đến nay còn hiện hữu hệ thống tượng vũ sĩ bài trí hai bên; ở mỗi bên tượng vũ sĩ còn có một tượng phỗng đá.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Giữa hai dãy tượng là miếu nhỏ đã được tôn tạo lại.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Nhóm tượng vũ sĩ được tạo tác với trang phục võ quan giáp trụ thời chúa Trịnh. Không kể đế vuông ở dưới, mỗi pho tượng cao khoảng 1,8m, đầu đội mũ tròn, phần trước mũ và hai bên mang tai chạm vân mây nổi nhẹ, gần đỉnh mũ gồ lên; nét chạm khắc khỏe khoắn làm nổi rõ khối mặt võ sĩ đường bệ, râu dài, có ria mép chạm nổi. Gương mặt trang nghiêm, trầm tư của võ quan đứng tuổi; thân tượng đứng thẳng, tay bồng gươm; áo giáp tượng được điêu khắc hai lớp, có mép viền lớn, vảy lục lăng; Quần giáp là những mảng rộng khỏe, có lá che phía trước, bên trong là triều phục thu gọn, bên dưới là giầy chiến kiểu hia đường bệ.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Mỗi pho tượng đá là một tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh, tạo tác công phu từ đá nguyên khối, xanh sẫm; trông từ bốn phía đều có vẻ đẹp khác nhau. Theo các nhà nghiên cứu, nhóm tượng điêu khắc đá Đa Bút không chỉ đẹp ở giá trị nghệ thuật mà còn chứa đựng thông tin về trang phục quân đội thời chúa Trịnh.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Bên cạnh tượng vũ sĩ, hai tượng phỗng đá cao khoảng 1,2m, tạo tác trong tư thế chầu đợi lệnh với hai chân “quặp” ra phía sau, hai tay khoanh trước ngực, tóc búi trái đào, mũi dô, mắt lồi, miệng rộng… các chi tiết chạm khắc được chau chuốt.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Bên cạnh các hiện vật điêu khắc đá, tại di tích còn có cây đại cổ thụ mà người dân địa phương tin rằng cây có tuổi đời hàng trăm năm.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Cùng với đó là cây si trắng mọc trong tư thế đặc biệt “ăn sâu vào miếu”. Ông Tống Hùng Nam, người trông coi di tích cho biết: “Lớn lên tôi đã thấy có cây ở đó. Nghe các cụ cao niên trong làng kể lại, cây được trồng từ khi có Miếu thờ”.

Đặc sắc khu tượng điêu khắc đá Đa Bút

Với giá trị cả về lịch sử, văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc, điêu khắc, lại tọa lạc ở nơi cảnh quan sơn thủy hữu tình, di tích tượng điêu khắc đá Đa Bút là điểm tham quan, chiêm bái của du khách khi về Biện Thượng - Đa Bút.

Khánh Lộc


Khánh Lộc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]