(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu “Chơi dao có ngày đứt tay” ý nói mạo hiểm, xem thường hiểm họa thì sẽ có ngày chuốc lấy tai vạ cho chính mình, thì “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, đơn giản chỉ có nghĩa: thường xuyên làm những việc mờ ám, lén lút (có khi không có gì xấu mà chỉ là không/chưa muốn cho người khác biết) thì cũng có lúc sẽ bị phát hiện.

Sự khác nhau giữa “Chơi dao” và “Đi đêm”

Nếu “Chơi dao có ngày đứt tay” ý nói mạo hiểm, xem thường hiểm họa thì sẽ có ngày chuốc lấy tai vạ cho chính mình, thì “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, đơn giản chỉ có nghĩa: thường xuyên làm những việc mờ ám, lén lút (có khi không có gì xấu mà chỉ là không/chưa muốn cho người khác biết) thì cũng có lúc sẽ bị phát hiện.

Sự khác nhau giữa Chơi dao và “Đi đêm”

Tục ngữ Việt Nam có câu “Chơi dao có ngày đứt tay”.

Sách Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam (Vũ Dung - Vũ Thuý Anh - Vũ Quang Hào), thu thập câu này nhưng không giải thích trực tiếp mà chuyển chú xem bản “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Mục “Đi đêm lắm có ngày gặp ma” giải thích: “[Chơi dao có ngày đứt tay; Hay chơi dao cũng có ngày đứt tay; Hay đi đêm cũng có lần gặp ma; Mười hang ếch cũng gặp một hang rắn] (ma: sự hiện hình của người chết, theo mê tín). Hay làm điều sai trái, vụng trộm, tất có ngày gặp nạn, gặp rủi”.

Trong một game show trên truyền hình, câu “Chơi dao có ngày đứt tay” cũng được chương trình này cho là đồng nghĩa với câu “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”.

Vậy thực hư thế nào?

Chúng tôi cho rằng câu “Chơi dao có ngày đứt tay” không đồng nghĩa với “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”. Xét nghĩa đen và nghĩa bóng cụ thể:

1-Chơi dao có ngày đứt tay

Dao là dụng cụ dùng để chặt đẽo, cắt gọt, phục vụ đắc lực cho công việc lao động hằng ngày của con người. Vậy, ai là người “chơi dao”? Thông thường trẻ con thích chơi dao, nghịch dao, dùng dao kéo để cắt gọt thứ này thứ kia mà chơi. Vì chưa hiểu hết được sự nguy hiểm của dao kéo, trong khi kỹ năng sử dụng dao lại chưa tốt, nên hậu quả là bị đứt tay.

“Chơi dao” không chỉ có ở trẻ con, mà còn có cả ở người lớn. Bởi hiểu rộng ra đó là sự chủ quan xem thường, sử dụng dao kéo hoặc nhiều dụng cụ vào công việc hoặc trò chơi khác một cách bất cẩn. Ví dụ, dùng dao kéo để biểu diễn (phóng dao, đùa nghịch,...); đi xe máy bốc đầu, đánh võng... Một vài lần có khi không sao.

Nhưng sự việc cứ lặp đi lặp lại thì kiểu gì cũng có lúc sơ sảy và bị “đứt tay”, nhận lấy thương tích.

Về nghĩa bóng, câu “Chơi dao có ngày đứt tay” ám chỉ những người có hành động việc làm mạo hiểm, coi thường hoặc không ý thức được sự nguy hiểm mà mình đang làm, thì sẽ có lúc chuốc lấy tai họa.

Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức) mục “chơi dao” giảng nghĩa đen là “Cầm dao gọt cắt đồ chơi: Đừng cho trẻ nít chơi dao” và giảng nghĩa bóng là “Mạo - hiểm, làm những việc có thể nguy - hại đến thân - danh: Chơi dao có ngày đứt tay”.

Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của) giảng “Chơi dao có ngày đứt tay” là “Không biết giữ mình, dể ngươi thì phải mắc” (“dể ngươi” đồng nghĩa với “khi dể” = “ngạo mạn xem thường”). Lời giảng nghĩa bóng của Đại Nam quấc âm tự vị được hiểu: Không biết cẩn thận giữ mình; ngạo mạn, xem thường mối nguy hiểm thì sẽ nhận lấy tai họa.

Tục ngữ “Chơi dao có ngày đứt tay” trong tiếng Việt đồng nghĩa với câu “Ngoạn hỏa tự phần - trong tiếng Hán (Chơi với lửa thì bị lửa đốt). Hán điển giảng “ngoạn hỏa - (chơi với lửa) hai nghĩa:

1- [play with fire]:

= [Trẻ con] đốt lửa hoặc chơi với vật gì đang cháy.

2- [risk or do people harm]:

= Tỉ dụ làm những việc mạo hiểm hoặc có hại”.

2- Đi đêm lắm có ngày gặp ma

“Đi đêm” là gì? Nghĩa đen là đi trong đêm tối. Ngày trước, ở nông thôn có nhiều người gan dạ, không sợ đêm tối, thường xuyên đi đêm (đi chơi, soi cá, bắt ếch, thả câu...) và tuyên bố không sợ ma và chưa bao giờ “gặp ma”. Tuy nhiên, công việc này cứ lặp đi lặp lại, ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, thì kiểu gì cũng có lúc gặp những chuyện bất ngờ, hiện tượng bất thường khó lí giải trong đêm tối, khiến phải một phen khiếp sợ (thường được gọi là “gặp ma”).

Về nghĩa bóng, “đi đêm” ở đây được hiểu là thực hiện những việc làm lén lút, mờ ám, không ai nhìn thấy.

Như vậy, hai câu tục ngữ khác nhau ở chỗ: “chơi dao” ám chỉ sự nghịch dại, chơi đùa, xem thường những thứ nguy hiểm; trong khi “đi đêm” lại là làm những việc mờ ám, lén lút không muốn cho ai biết.

Nếu “Chơi dao có ngày đứt tay” ý nói mạo hiểm, xem thường hiểm họa thì sẽ có ngày chuốc lấy tai vạ cho chính mình, thì “Đi đêm lắm có ngày gặp ma”, đơn giản chỉ có nghĩa: thường xuyên làm những việc mờ ám, lén lút (có khi không có gì xấu mà chỉ là không/chưa muốn cho người khác biết) thì cũng có lúc sẽ bị phát hiện.

Mẫn Nông (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]