(vhds.baothanhhoa.vn) - Không lâu đời như “Hà Nội 36 phố phường”, nhưng nhiều con phố ở TP Thanh Hóa đã và đang tạo nên nét đặc thù riêng, mà ở đó, nhắc tên phố là mọi người biết bán gì.

Sức hút từ những con phố đặc trưng

Không lâu đời như “Hà Nội 36 phố phường”, nhưng nhiều con phố ở TP Thanh Hóa đã và đang tạo nên nét đặc thù riêng, mà ở đó, nhắc tên phố là mọi người biết bán gì.

Sức hút từ những con phố đặc trưng

Đoạn đường gốm sứ tạo nên sự riêng biệt cho phố Trường Thi.

Nghe tên phố biết tên quán

Nói đến phố hàng hoa, mọi người sẽ liên tưởng ngay đến đường Triệu Quốc Đạt (phía giao với đường Lê Hoàn); ăn đồ nướng không đâu vui như ngồi trên dãy Đại lộ Lê Lợi (đoạn qua Công viên Hội An); mua đồ điện dân dụng không đâu đa dạng, phong phú bằng phố Hàng Đồng; đồ gốm, sứ không đâu nhiều mẫu mã, kiểu dáng như đường Trường Thi (đoạn rẽ vào Trường THPT Trường Thi); nhắc đến phố Lê Hoàn là biết ngay con phố kinh doanh, buôn bán sầm uất bậc nhất thành phố với những hãng thời trang tên tuổi, những cửa hàng vàng bạc nổi tiếng... Nghe tên phố, biết tên quán hàng là thế!

Con phố đồ nướng trên Đại lộ Lê Lợi (đoạn qua Công viên Hội An) chỉ dài hơn 1km nhưng có đến 10 cửa hàng, quán ăn chuyên về đồ nướng, lẩu. Con phố sôi động, nhộn nhịp vào khoảng từ 17h tối đến khoảng 22h hàng ngày. Những quán hàng này thường dùng ghế thấp, trẻ trung, nên được giới trẻ yêu thích. Anh Nguyễn Văn Cường (chủ quán nướng 71, 73) đã thuê mặt bằng tầng 1 của 2 nhà liền kề để mở quán. Nhìn thấy tiềm năng kinh doanh ở đây, anh Cường cho biết: “Ngày nay, khách hàng muốn ăn uống thường tìm đến những con phố có nhiều nhà hàng chuyên về món ăn mình thích. Giới trẻ cũng vậy, thích ngồi ăn các món nướng. Ở đây, nhiều hộ cùng kinh doanh một mặt hàng đã tạo ấn tượng mới lạ và sự cuốn hút riêng biệt. Dù chưa có ý định ăn uống nhưng thấy không khí đông vui, mùi thơm lan tỏa từ xa, nhiều bạn trẻ đã dừng lại tạt xe vào quán”. Quán đồ nướng của anh Cường doanh thu đạt hàng trăm triệu đồng mỗi năm, hiện tạo việc làm cho 6 lao động.

Đồng quan điểm kinh doanh với anh Nguyễn Văn Cường, chị Trịnh Thị Thanh Tâm, đã mượn mặt bằng của người thân ở đường Trường Thi để mở cửa hàng kinh doanh gốm sứ Tâm Tiến. Chị cho biết: “Trước đây tôi làm nghề tự do, nhưng khi tìm hiểu nhu cầu của khách hàng, tôi đã quyết định mượn mặt bằng của người bạn để kinh doanh. Qua 4 năm bán hàng, tôi nhận ra, gốm sứ vẫn là mặt hàng kinh doanh tốt. Điều thuận lợi là đoạn phố này có nhiều hộ cùng kinh doanh mặt hàng gốm sứ".

Đoạn đường “gốm sứ” tuy chỉ dài khoảng 300m nhưng có đến hơn 10 cửa hàng kinh doanh gốm sứ dọc hai bên. Ở đây có phong phú các mặt hàng từ bình dân đến cao cấp với nhiều chủng loại, mẫu mã, thương hiệu, từ hàng Trung Quốc, đến Bát Tràng, Minh Long... Theo nhiều hộ kinh doanh, việc cả đoạn phố cùng bán một mặt hàng sẽ tạo điều kiện để thu hút khách hàng và cũng tạo cơ hội cho khách hàng lựa chọn sản phẩm. Ở những con phố này, khách hàng có thể tham khảo giá cả ngay tại cửa hàng liền kề mà không tốn nhiều thời gian, chi phí đi lại. Đồng thời, tự thân các chủ cửa hàng muốn thu hút và giữ chân khách bắt buộc phải phục vụ tốt, và bán với giá cả hợp lý...

Góp phần phát triển du lịch

TP Thanh Hóa với nhiều điểm đến như Động Tiên Sơn, làng cổ Đông Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng, cầu Hàm Rồng,... đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong và ngoài tỉnh. Việc hình thành và phát triển những con phố đặc trưng không những tạo nét đẹp riêng, điểm nhấn thú vị trong lòng đô thị hiện đại, mà còn góp phần quan trọng trong việc liên kết và phát triển du lịch thành phố. Bởi tự thân những con phố đặc trưng cũng có thể trở thành điểm tham quan du lịch, phục vụ nhu cầu ẩm thực, mua sắm... của du khách. Bên cạnh đó, TP Thanh Hóa còn nằm ở vị trí là trung tâm của tỉnh, kết nối các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như: Sầm Sơn, Hải Tiến, Hải Hòa, Bến En... Do vậy, việc hình thành các tuyến phố đặc trưng không những góp phần thúc đẩy phát triển thương mại - dịch vụ, mà còn là nơi để khách du lịch tham quan và mua sắm.

Sức hút từ những con phố đặc trưng

Một góc phố hàng hoa đường Triệu Quốc Đạt.

Anh Nguyễn Văn Hùng, du khách đến từ Vĩnh Phúc, chia sẻ: “Đến với mỗi thành phố tôi không chỉ tham quan danh thắng hay di tích mà còn muốn khám phá những điều mới lạ ở đó. Tôi rất thích cảm giác được đi bộ trên những con phố đặc trưng, nhìn ngắm và mua sắm. Con phố cho tôi biết thành phố này khác với thành phố khác chỗ nào”.

Thực tế tiềm năng từ những con phố đặc trưng đối với phát triển thương mại, du lịch là không nhỏ. Tuy nhiên, những con phố này mới phát triển theo hướng tự phát và chưa tạo ra được sức hút mạnh mẽ, cần được quan tâm quy hoạch để phát triển lâu dài, tạo ra thương hiệu riêng biệt. Những hộ kinh doanh trên phố đặc trưng cũng cần phải thống nhất xây dựng bộ quy chế, tiêu chí về hoạt động giao thương, giờ giấc, giá cả, chất lượng hàng hóa, dịch vụ và thái độ phục vụ...

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Nguyễn Hữu Ngôn - 19:34 11/06/22

 Trả lời

Đã có phát hiện, cần viết sâu hơn nữa và cũng rất cần đưa ra những suy nghĩ đóng góp cho nhà quản lý đô thị ở hai mặt tích cực và tiêu cực

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]