(vhds.baothanhhoa.vn) - Thanh Hóa đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua. Việc chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng là điều cần thiết trong thời điểm này, nhất là ở người già và trẻ em, những đối tượng dễ bị tác động bởi thời tiết tiêu cực.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Cẩn trọng phòng bệnh mùa nắng nóng

Thanh Hóa đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua. Việc chủ động phòng bệnh mùa nắng nóng là điều cần thiết trong thời điểm này, nhất là ở người già và trẻ em, những đối tượng dễ bị tác động bởi thời tiết tiêu cực.

Những bệnh thường gặp

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Dũng - Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cho biết: Thời tiết nắng nóng kéo dài có thể gây ra nhiều nhóm bệnh. Đầu tiên là nhóm bệnh truyền nhiễm, như: Viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, tay chân miệng, thủy đậu, đối tượng mắc chính là trẻ em. Dưới tác động của tia UV gây ra nhiều bệnh lý về da như: sạm da, nám da, lão hóa da, thậm chí có thể gây ung thư da, trường hợp nắng gắt còn có thể gây nên bệnh bỏng nắng. Với những người lao động thường xuyên phải làm việc ngoài trời, thời gian tiếp xúc với nắng nóng nhiều rất dễ rơi vào tình trạng mất nước và điện giải, sốc nhiệt, biểu hiện của bệnh là huyết áp tụt, tim đập nhanh, có thể gây trụy tim mạch. Bên cạnh đó, thời tiết đang nắng nóng gặp mưa là điều kiện thuận lợi để muỗi sinh sôi, nảy nở và gây ra bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, các bệnh về đường tiêu hóa do ăn uống không đảm bảo vệ sinh.

Được biết, trong những ngày qua, số lượng bệnh nhân đến khám và điều trị nội trú tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh tăng mạnh. Hiện, có gần 1.700 bệnh nhân đang điều trị nội trú tại bệnh viện, tập trung chủ yếu là các khoa như: Lão khoa, Tiêu hóa, Thần kinh, Hô hấp.

Những địa phương có nguy cơ cao về dịch sốt xuất huyết thực hiện phun tiêu độc khử trùng.

Chủ động các biện pháp phòng bệnh

Để chủ động phòng, chống dịch bệnh mùa hè, Sở Y tế Thanh Hóa đã xây dựng kế hoạch, triển khai đến các cơ sở y tế, các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Đồng thời chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng các cấp chủ động giám sát để có biện pháp dự phòng tích cực, phối hợp công tác điều trị, khống chế không để lây lan thành dịch. Bên cạnh việc nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh Covid-19, việc tăng cường truyền thông bằng nhiều hình thức để người dân hình thành ý thức vệ sinh phòng, chống dịch bệnh mùa hè cũng được nâng cao, nhất là đối với trẻ em.

Hiện tại, các huyện, thị xã, thành phố, các đơn vị y tế trên địa bàn đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp hiệu quả để phòng chống dịch bệnh mùa hè. Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, kịp thời, phù hợp với diễn biến tình hình dịch của từng địa bàn để người dân quan tâm, tự giác, tích cực thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, trạm y tế xã, phường tổ chức các đợt tổng vệ sinh môi trường xung quanh nhà ở, khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm, tạo không gian sinh hoạt thoáng đãng. Hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe được chú trọng bằng việc đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng về phòng, chống dịch bệnh mùa hè và tổ chức nhiều đợt truyền thông lưu động tại các xã, phường trọng điểm.

Đối với những vùng có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết thì cán bộ y tế phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác giám sát tình hình dịch bệnh tại các cơ sở khám, chữa bệnh và cộng đồng, đặc biệt là các ổ dịch cũ, chủ động phát hiện sớm dịch bệnh, điều tra ca bệnh kịp thời, xử lý triệt để các ổ dịch mới, không để dịch bùng phát và lan rộng. Đồng thời, tổ chức truyền thông, hướng dẫn các biện pháp diệt loăng quăng, bọ gậy tại gia đình và cộng đồng để người dân chủ động thực hiện như súc rửa lu hàng ngày, dùng nắp, nylon đậy kín vật chứa nước, thả cá bảy màu ăn loăng quăng trong các dụng cụ chứa nước sử dụng hàng ngày.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Dũng, để tránh bị mắc những bệnh thường gặp mùa nắng nóng hoặc khi thời tiết thay đổi đột ngột, thì mọi người nhất là trẻ em nên đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh để tránh mắc phải các bệnh như: viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ, thủy đậu, cúm mùa. Đồng thời, thực hiện vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng khử khuẩn, vệ sinh môi trường sống và môi trường xung quanh sạch sẽ, không để muỗi sinh sôi. Thực hiện ăn chín uống sôi, không nên ăn những thức ăn chưa được nấu kỹ.

V.A


V.A

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]