(vhds.baothanhhoa.vn) - Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua Thanh Hóa đã chú trọng, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị. Đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản xứ Thanh, góp phần củng cố niềm tin người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp: Nâng cao giá trị nông sản

Thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua Thanh Hóa đã chú trọng, đẩy mạnh phát triển các sản phẩm chủ lực theo chuỗi giá trị. Đây được xem là bước đi phù hợp để nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản xứ Thanh, góp phần củng cố niềm tin người tiêu dùng trong bối cảnh hiện nay.

Thanh Hóa hiện có 249.122 ha đất sản xuất nông nghiệp; trong đó, diện tích sản xuất cây hàng năm là 206.683 ha, đất trồng cây lâu năm là 42.439 ha. Để nâng cao hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, những năm qua, ngành nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã tập trung thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững.

Sau 5 năm thực hiện tái cơ cấu, kèm theo những giải pháp để hướng tới một nền sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, hiện toàn tỉnh đã xác nhận và duy trì hiệu quả 30 chuỗi sản phẩm cung ứng thực phẩm an toàn theo Quyết định số 3075/QĐ-BNN-QLCL (ngày 20/7/2016) của Bộ NN&PTNT, với hơn 100 cơ sở tham gia chuỗi xây dựng, hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 23 nghìn tấn gạo, 12 nghìn tấn rau - củ - quả, 5.200 tấn thịt, 7 triệu quả trứng. Trong đó, sản phẩm được dán tem xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là 500 tấn gạo, 940 tấn rau - củ - quả, 1.500 tấn thịt, 3,6 triệu trứng gia cầm. Các địa chỉ kinh doanh được xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn được giám sát định kỳ và cấp tem xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Một số mô hình sản xuất thực hiện theo chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp đã và đang đi vào hoạt động hiệu quả như: Công ty CP GREAT FARM (xã Xuân Khánh, huyện Thọ Xuân), các hộ sản xuất rau (TP Thanh Hóa) và các hộ trồng lúa (tại xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) liên kết với Công ty TNHH Nông sản Tiến Sáu (xã Đông Thanh, huyện Đông Sơn) cung cấp rau các loại, gạo bắc thơm, gạo thái xuyên, dưa vàng cho Công ty CP Thực phẩm xanh HC (phường Tân Sơn, TP Thanh Hóa); Công ty TNHH Gia cầm HAPPY FARM (xã Yên Ninh, huyện Yên Định) thực hiện liên kết chuỗi sản xuất và cung ứng thịt gà với cơ sở giết mổ Trịnh Đình Long (xã Định Liên, huyện Yên Định); Công ty TNHH MTV Nông sản hữu cơ Như Thanh (xã Yên Thọ, huyện Như Thanh) liên kết trong việc sản xuất, cung ứng nấm rơm, mộc nhĩ, nấm linh chi với cửa hàng kinh doanh thực phẩm an toàn Nguyễn Thị Mỹ Phương (thị trấn Bến Sung, huyện Như Thanh);...

Lợn được nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm tại xã Thiệu Phú (Thiệu Hóa).

Cũng nhờ đó, diện tích nông nghiệp được liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh ngày càng được mở rộng. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2019, Thanh Hóa đã xây dựng 36.410 ha liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi giá trị, điển hình như: Sản xuất giống lúa thuần, giống lúa lai F1 tại các huyện Yên Định, Thiệu Hóa, Thọ Xuân, Hoằng Hóa, Quảng Xương...; mô hình sản xuất rau an toàn tập trung chuyên canh tại các huyện Thọ Xuân, Đông Sơn, Vĩnh Lộc...; mô hình sản xuất ngô ngọt, bí, đậu tương rau, cải chân vịt, hành lá tại các huyện Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, Yên Định...

Có thể nói, việc xác nhận và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người nông dân tiêu thụ sản phẩm, yên tâm sản xuất và điều quan trọng hơn là cung cấp ra thị trường nguồn sản phẩm an toàn thực sự, được giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng, góp phần củng cố niềm tin người tiêu dùng, mặt khác thúc đẩy sự hình thành và phát triển các chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng chất lượng nông sản trên thị trường.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc thực hiện phát triển chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp ở Thanh Hóa còn gặp không ít khó khăn như: Quy mô các chuỗi liên kết sản xuất còn nhỏ, số hộ tham gia ít, sản lượng cung cấp còn hạn chế và không đều, chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, việc nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi sản phẩm an toàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn do sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh còn manh mún, nhỏ lẻ, khó áp dụng các quy định của thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, ứng dụng công nghệ cao... Các hợp đồng tiêu thụ sản phẩm không có sự ràng buộc chặt chẽ giữa người sản xuất và kinh doanh, do vậy khó giữ được vùng nguyên liệu ổn định khi giá cả thị trường biến động...

Do đó, để thu hút sự đầu tư, đẩy mạnh mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, Thanh Hóa đã và đang đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các chính sách, cân đối, bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng sản xuất nông nghiệp để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo thế mạnh của từng vùng. Đồng thời có chiến lược quảng bá, giới thiệu ưu điểm của vùng, thương hiệu, chỉ dẫn địa lý của các sản phẩm nông nghiệp cho các nhà đầu tư thấy rõ tiềm năng, thế mạnh của địa phương để thu hút vốn đầu tư, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp hơn nữa trong thời gian tới.

Mặt khác, các cấp, ngành chức năng của tỉnh còn tăng cường phối hợp với các cơ quan nghiên cứu khoa học, hướng dẫn người dân đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, giúp các hộ xã viên ứng dụng kỹ thuật tiên tiến, góp phần nâng cao chất lượng và sản lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước trong việc giám sát ký kết hợp đồng giữa bên sản xuất và bên tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tránh việc hai bên phá vỡ hợp đồng và cam kết cung ứng, tiêu thụ trong sản xuất. Giám sát chặt chẽ chất lượng thị trường vật tư nông nghiệp và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

Hoài Anh


Hoài Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]