Sức vươn ở Piềng Tặt
Từng là bản biên giới khó khăn của xã Mường Chanh (Mường Lát), những năm qua với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền cũng như việc thay đổi về tư duy, nhận thức trong phát triển sản xuất, diện mạo NTM ở bản Piềng Tặt đang từng ngày đổi thay. Bà con cùng nhau đoàn kết, nỗ lực xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc.
Cán bộ Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4) giúp bà con bản Piềng Tặt, xã Mường Chanh thu hoạch lúa.
Có mặt tại bản Piềng Tặt trong những ngày cuối tháng 11, đi trên con đường bê tông, hai bên là những ngôi nhà xây dựng khang trang, kiên cố; trước hiên là những chiếc xe máy giá trị kề bên chiếc máy xay ngô, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi sự đổi thay của một vùng đất từng nghèo khó, thiếu thốn bậc nhất của xã Mường Chanh. Trước đây, Piềng Tặt có xuất phát điểm thấp, trình độ dân trí chưa đồng đều, kinh tế dựa vào trồng lúa, chăn nuôi, sản xuất manh mún. Đặc thù là bản biên giới nên tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội thiếu ổn định. Từ những nguyên nhân đó, mặc dù bản chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 2km nhưng đời sống bà con gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao.
Piềng Tặt hôm nay đã có sự đổi thay rõ rệt khi được Đảng, Nhà nước quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ, góp phần đổi thay diện mạo NTM nơi đây. Đặc biệt, sau khi cán đích Chương trình XDNTM năm 2021, bản có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hạ tầng cơ sở không ngừng được đầu tư, hoàn thiện. Các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, chính sách an sinh xã hội phát huy hiệu quả giúp dân bản từng bước cải thiện điều kiện sống, yên tâm bám bản, góp phần bảo vệ đường biên, mốc giới. Bản hiện có 83 hộ, chủ yếu là đồng bào Thái, từ chỗ thiếu ăn, thiếu mặc, đến nay bản chỉ còn 3 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo, người dân cơ bản tự túc được lương thực, có điều kiện mua sắm một số vật dụng như ti vi, tủ lạnh, máy xay xát...
Mô hình chăn nuôi kết hợp trồng trọt của gia đình anh Lộc Văn Áng (SN 1980, dân tộc Thái) ở bản Piềng Tặt đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Theo trưởng bản Lương Văn Yêu, đổi thay ở Piềng Tặt hôm nay có sự tham gia, hỗ trợ của các tổ chức chính trị - xã hội, đặc biệt là Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 5 (Quân khu 4). Hằng năm, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành quy định pháp luật, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đơn vị còn đồng hành với dân bản tham gia làm đường giao thông, khắc phục hậu quả do mưa lũ. Tích cực hỗ trợ cây, con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất như: cấp bò lai sinh sản, lợn đen sinh sản, xoài Thái... Từ đó, trong bản xuất hiện các mô hình gia trại chăn nuôi kết hợp trồng trọt quy mô lớn. Ngoài các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống, các hộ mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, mở rộng diện tích trồng thêm lúa nếp Cay Nọi, trồng bưởi Diễn, xoài, vải thiều, cam, nuôi bò đen, lợn đen... mang lại giá trị hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình có thu nhập, đời sống ổn định, từng bước thoát nghèo.
Trong những năm qua, nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, nhiều hộ dân đã phát triển sản xuất, cải thiện thu nhập. Từng có thời gian loay hoay tìm hướng đi trong phát triển kinh tế, năm 2021 từ nguồn vốn vay 70 triệu đồng, ông Lò Văn Bứng (SN 1969, dân tộc Thái) mạnh dạn cải tạo chuồng trại, tập trung nuôi trâu, bò sinh sản. Nhờ bản tính cần cù, tích cực tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, sau thời gian chăm sóc, đàn bò phát triển khỏe mạnh, không ngừng gia tăng số lượng theo từng năm. Thời gian tới, gia đình dự định tiếp tục vay thêm để đầu tư mở rộng khu chăn nuôi, tăng thêm thu nhập.
Nhà văn hóa bản Piềng Tặt.
Nhờ nguồn vốn vay 30 triệu đồng cũng như các chính sách đặc thù của Nhà nước, anh Lộc Văn Áng (SN 1980, dân tộc Thái) đã thành công với mô hình phát triển kinh tế theo hướng trang trại với quy mô 8 con bò, 16 con lợn đen và các loại cây trồng khác như: lúa nếp Cay Nọi, xoài, mít, sắn... Sau nhiều năm áp dụng khoa học - kỹ thuật trong sản xuất, đến nay cuộc sống gia đình cơ bản ổn định, kinh tế khá, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Ông Hà Văn Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Chanh, cho biết: Những năm qua, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh thông qua các chương trình, dự án, Piềng Tặt đã đổi thay nhiều. Với mong muốn giúp bà con duy trì, ổn định sinh kế, vươn lên thoát nghèo, ngoài các loại cây trồng truyền thống, trong năm 2024, chính quyền địa phương vận động 18 hộ tham gia Dự án trồng cây măng tre Bát Độ với diện tích 8,28ha; 7 hộ tham gia trồng cây cam Bù (cam Lào) trên tổng diện tích 2,31ha. Đồng thời, tuyên truyền người dân thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp; phối hợp với lực lượng chức năng hướng dẫn các hộ dân thực hiện tốt quy định của khu vực biên giới. Từ đó, hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc gây mất an ninh trật tự, tệ nạn xã hội, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người dân...
Bài và ảnh: Lê Viết
{name} - {time}
-
2025-04-02 07:00:00
Bản tin Tài chính 2/4: Giá vàng lập đỉnh rồi quay đầu, nhà đầu tư nên mua hay bán?
-
2025-04-02 06:30:00
Dự báo thời tiết 2/4: Không khí lạnh suy yếu dần, Bắc Bộ ấm lên
-
2024-12-09 07:00:00
Bản tin Tài chính 9/12: Giá vàng chốt tuần giảm mạnh, lỗ đậm
Dự báo thời tiết 9/12: Bắc bộ, Trung bộ vẫn chịu ảnh hưởng của không khí lạnh
Từ những hối hận muộn màng
Tín hiệu tích cực từ những mô hình “con nuôi mới, cây trồng mới” ở huyện vùng biên
Ði dọc miền biển quê Thanh (Bài 3): Bình minh nơi cửa biển
Chim hoang dã già nhất thế giới tìm được bạn tình mới, đẻ trứng ở tuổi 74
Bản tin Tài chính 8/12: Vàng và đồng bạc xanh phục hồi
Cuộc sống “3 không” ở Trạm bảo vệ rừng Vực Dựa
Ði dọc miền biển quê Thanh (bài 2): “Ðánh thức” vùng bãi ngang ven biển, xã đảo đặc biệt khó khăn
Bản tin Tài chính 7/12: Giá vàng giảm sâu, nhiều người mua vào