“Tâm lý dân tộc An Nam” - Một góc nhìn khác trong nỗ lực tìm hiểu về Việt Nam
Cuốn “Tâm lý dân tộc An Nam” (Công ty CP sách OMEGA Việt Nam liên kết NXB Hội Nhà văn, 2024) của Paul Giran đã được xuất bản lần đầu bằng tiếng Pháp vào năm 1904. Đây là kết quả sau hơn 3 năm thu thập và tích lũy quan sát ở Đông Dương của tác giả người Pháp này.
Vốn là công trình nghiên cứu khoa học phục vụ các chính khách thuộc địa, tuy nhiên, sau 120 năm, những kiến thức, nhận định của tác giả vẫn phần nào có giá trị tham khảo, dẫu rằng phần lớn nội dung cuốn sách được trình bày dưới góc nhìn cá nhân, của người cai trị. Quan trọng nhất là cuốn sách cho thế hệ hôm nay và mai sau thêm những góc nhìn để soi chiếu về chính mình trong khái niệm “tâm lý dân tộc An Nam” rất chung.
Ngay từ phần “Dẫn nhập”, Paul Giran đã chỉ rõ mục đích thực hiện cuốn sách này: “Để cai trị tốt một dân tộc, trước tiên phải học hỏi tìm hiểu, phải biết rõ, phải thấu đáo tâm hồn, thần minh của họ. Trong cuốn sách này, chúng tôi đề xuất một nghiên cứu về dân tộc An Nam; để khám phá những sức mạnh sâu kín của đời sống cộng đồng hoặc riêng tư; rút ra các nguyên tắc tối thượng chi phối việc thành lập các thiết chế xã hội hoặc chính trị; phân tích mọi ảnh hưởng mạnh mẽ đã định hình nên lịch sử và sự tiến hóa của nó”. Xuất phát từ mục đích này, tác giả chỉ ra hai nguyên nhân chính đã góp phần vào sự hình thành bản sắc dân tộc An Nam, đó là: chủng tộc và môi trường.
Với việc xác định rõ 2 đối tượng khảo sát chính (chủng tộc và môi trường), Paul Giran triển khai cuốn sách thành 2 phần, gói gọn trong gần 200 trang. Phần thứ nhất - Đặc điểm quốc gia được triển khai trên các khía cạnh: Chủng tộc (chương I), Môi trường (chương II), Tâm hồn người An Nam (chương III). Phần thứ hai - Tiến hóa của dân tộc An Nam gồm các chương: Tiến hóa lịch sử, Tiến hóa trí tuệ, Tiến hóa xã hội và tiến hóa chính trị.
Bằng những quan sát tỉ mỉ, kiến văn tốt, khả năng diễn đạt phong phú, giàu hình ảnh, Paul Giran cho thấy những quan điểm, đánh giá, góc nhìn bao quát về đặc điểm quốc gia, sự tiến hóa lịch sử, trí tuệ, xã hội và chính trị của người Việt xưa, dưới góc nhìn của người cai trị, trong cái danh nghĩa “khai hóa văn minh” của thực dân.
Ở đó, tác giả đi sâu vào những chi tiết tưởng chừng như rất thường tình trong đời sống xã hội nhưng mang tính đại diện, khái quát cao: “...Người An Nam lại có một sức đề kháng đáng kể. Dưới khí hậu nóng bức, anh ta miệt mài lao nhọc và làm bằng chứng cho phẩm chất bền bỉ tuyệt vời. Có thể ở cả ngày ngoài ruộng, cúi mặt lấy lúa, lội bùn lên đến đầu gối, tiếp xúc với nền đất ẩm nóng hừng hực bốc lên và phả khủng khiếp vào người; hay cũng tương tự vậy ở trên thuyền tam bản, đầy nắng gập người chèo thuyền hàng giờ liền”.
Tính cách dân tộc là kết quả đồng thời của 2 nguyên nhân: Thể chất sinh lý của dân tộc đó và sự thích ứng của họ với các môi trường khác nhau. Để rồi, từ những kiến giải ấy, Paul Giran có đủ “chất liệu” phác thảo một cách rõ nét những quy luật phát sinh tính cách người An Nam, trong đó đi sâu vào xem xét 3 tính năng tinh thần chính: Cảm xúc, ý chí, trí tuệ.
Khi tiếp cận các nội dung trong cuốn sách, có thể nhiều người sẽ ngỡ ngàng, sẽ rơi vào trạng thái “sốc phản vệ” trước những nhận định thẳng thắn, có phần mang ý kiến cá nhân, chủ quan của người viết.
Paul Giran đưa ra nhận định về ý chí của người An Nam: “Người An Nam ôn hòa và điềm tĩnh, có nghĩa là họ hiếm khi thể hiện sự thiếu kiên nhẫn và cũng không để bản thân nổi giận hoặc hung dữ bất chợt. Họ không đủ mạnh mẽ để bộc lộ như vậy”.
Người An Nam sống nhiều với trí tưởng tượng. Paul Giran chỉ ra những hạn chế của điều đó: “Sự thừa thãi của trí tưởng tượng này - vượt ra ngoài phạm vi của cuộc sống đời thường - lại không đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật và suy tưởng tư biện. Sự phong phú bề ngoài này chứa đựng một sự nghèo nàn trí tuệ thực sự, một điểm yếu không thể chối cãi của những tính năng tiêu biểu, những nguyên nhân trực tiếp làm mất đi thuộc tính sáng tạo của trí tưởng tượng”.
Chế độ thuộc địa đã khép lại, nhưng dấu ấn về một giai đoạn lịch sử ấy vẫn hiện hữu trên đất nước ta qua các công trình, tư liệu, hiện vật và cả nhân chứng đã sống đời với biết bao hồi ức, kỷ niệm...
Trong đó, hệ thống các sách, báo, công trình nghiên cứu, học thuật về các vấn đề liên quan đến dân tộc học, nhân học, văn hóa, xã hội học... nhằm phục vụ cho công cuộc thực dân của nước Pháp trên đất An Nam có ý nghĩa, giá trị đặc biệt, là một “lối đi riêng” trên hành trình ngược dòng lịch sử, tìm về quá khứ, cung cấp góc nhìn đa chiều trong nỗ lực hiểu Việt Nam.
“Tâm lý dân tộc An Nam” là cuốn sách “khá cô đọng, lồng trong đó nhiều kiến thức lịch sử, nhân chủng, tiến hóa, văn hóa, tín ngưỡng"... Trước những nhận định mang tính chủ quan, ảnh hưởng từ tâm lý “mẫu quốc”, bạn đọc hôm nay đủ kiến thức, bản lĩnh để nhận diện, đưa ra ý kiến phản biện và thẳng thắn đối diện, “soi” để sửa, phấn đấu hoàn thiện mình hơn mỗi ngày.
Hoàng Linh
{name} - {time}
-
2024-12-04 15:11:00
Nhà văn Quỳnh Dao qua đời
-
2024-12-04 14:10:00
Việt Nam có cơ hội quảng bá thương hiệu du lịch nông thôn ra với thế giới
-
2024-12-03 11:50:00
Chuyển hóa cơn giận, gắn kết yêu thương
Băn khoăn từ các liên hoan, cuộc thi sân khấu truyền thống
Festival Hoa Đà Lạt 2024 khơi nguồn cảm xúc từ không gian nghệ thuật khác biệt
Phát hiện hệ thống kênh đào 4.000 năm tuổi của tổ tiên người Maya cổ đại
Một số từ ghép thường bị nhận lầm là từ láy
Phòng vé 2024 đạt doanh số kỷ lục, phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19
“Ánh sao người lính” tôn vinh sức mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam
Hoa hậu H’Hen Niê được vinh danh “Cá nhân vì cộng đồng” năm 2024
Tiết lộ bí mật đằng sau trang phục của G-Dragon tại MAMA 2024
Hãy kết bạn với chính tâm hồn mình