(vhds.baothanhhoa.vn) - ...Thông điệp của cuốn sách: “Khám phá đứa trẻ bên trong bạn” của tác giả tâm lí học người Đức Stefanie Stahl nhằm hướng dẫn mọi người thái độ mới, hành vi mới để xây dựng cuộc đời hạnh phúc với các mối quan hệ lành mạnh...

Hãy kết bạn với chính tâm hồn mình

...Thông điệp của cuốn sách: “Khám phá đứa trẻ bên trong bạn” của tác giả tâm lí học người Đức Stefanie Stahl nhằm hướng dẫn mọi người thái độ mới, hành vi mới để xây dựng cuộc đời hạnh phúc với các mối quan hệ lành mạnh...

Hãy kết bạn với chính tâm hồn mình

Ai cũng cần một mái nhà để được bảo vệ và chở che. Trong mỗi con người luôn có một “đứa trẻ tinh thần” ẩn sâu bên trong luôn khát khao một đời được an toàn, sưởi ấm. Khoa học đã chứng minh, nguồn vô thức ấy luôn có sức mạnh lớn lao có thể tác động chiếm tới 90% trải nghiệm và hành động của mỗi người. Vấn đề quan trọng là chúng ta mở lòng, kết bạn với đứa trẻ tinh thần ấy như thế nào? Và làm thế nào để kết bạn với chính tâm hồn mình, chữa những vết sẹo cũng như tái tạo nguồn sức mạnh vô bờ bến từ nó. Thông điệp của cuốn sách: “Khám phá đứa trẻ bên trong bạn” của tác giả tâm lí học người Đức Stefanie Stahl nhằm hướng dẫn mọi người thái độ mới, hành vi mới để xây dựng cuộc đời hạnh phúc với các mối quan hệ lành mạnh.

Nhìn từ góc độ nghiên cứu, tác giả đã chia ra 3 nhóm phiên bản của bản thân mỗi người: đứa trẻ nội tâm hạnh phúc (đứa trẻ ánh sáng), đứa trẻ nội tâm tổn thương (đứa trẻ bóng tối) và người lớn nội tâm. Với vai trò là nhà trị liệu tâm lí, tác giả đã phát triển hệ thống giải quyết vấn đề dựa trên phép ẩn dụ về đứa trẻ ánh sáng và đứa trẻ bóng tối. Cách chúng ta cảm nhận và những cảm xúc chúng ta có khả năng nhận thức đều phụ thuộc vào tính cách bẩm sinh và trải nghiệm thời thơ ấu.

Đứa trẻ bóng tối ôm giữ các tín niệm tiêu cực và cả những cảm xúc nặng trĩu của nỗi buồn, sợ hãi, sự vô dụng hoặc giận dữ kèm theo. Mặt khác, đứa trẻ ánh sáng là hiện thân của những tác động, cảm xúc tích cực. Nó mô phỏng hoàn hảo đứa trẻ hạnh phúc thông qua trạng thái tự tại, thích phiêu lưu, hiếu kì, tự do, tràn đầy sức sống.

Cuốn sách với mong muốn tìm ra nhiều cách hữu hiệu để khuyến khích đứa trẻ ánh sáng, đồng thời xoa dịu vỗ về đứa trẻ bóng tối để giúp nó thư giãn, cho nó biết nó đã được nhìn nhận và tạo cơ hội để sưởi ấm và tái tạo. Đó luôn là một hành trình dài và bền bỉ, là cách học chuyển đổi có ý thức sang phiên bản người lớn rộng lượng để cư xử chừng mực, yêu thương và đầy tích cực trong mọi mối quan hệ.

Chuyên gia tâm lí học người Đức đã thẳng thắn nhận định: Không có một mối quan hệ bố mẹ con cái nào tốt đẹp tuyệt đối hay tệ hại toàn toàn. Vấn đề còn lại là sự nhận diện, hiểu biết khoa học và dần trưởng thành trong ứng xử thì chúng ta hoàn toàn có thể kết bạn với nội tâm và chữa lành những đứa trẻ bóng tối.

Cũng theo chuyên gia, con người có 4 nhu cầu tâm lí cơ bản: nhu cầu kết nối, nhu cầu tự chủ và kiểm soát, nhu cầu hài lòng hoặc tránh bất mãn; nhu cầu về sự công nhận và lòng tự tôn được củng cố.

Trên hành trình ấy, có một điều rất thú vị mà tác giả đã chỉ ra, chúng ta sẽ đôi khi cảm thấy những ưu phiền đến từ bố mẹ mình; nhưng thấu hiểu đến tận cùng thì chúng ta sẽ có một tình cảm rất đáng giá đó là: Tràn ngập sự biết ơn, thấu hiểu. Bởi lẽ chúng ta hoàn toàn có thể yêu thương trân trọng bố mẹ vì chính con người họ, nhưng không có nghĩa là họ phải hoàn hảo không tì vết. Giống như mọi minh chứng về tình yêu trên đời, nếu chỉ yêu đối phương vì họ hoàn hảo thì đó không phải là tình yêu thực sự.

Khi bản thân trưởng thành của bạn đã hiểu rõ bạn là ngôi sao sáng và không đổ lỗi cho hành vi của bố mẹ nữa. Việc tiếp theo cần phải làm đó là giải thích điều đó thật cặn kẽ cho đứa trẻ trong bóng tối để nó hiểu được điều đó. Do vậy, sẽ thật khôn ngoan nếu nhìn ra thế giới ngoài kia bằng con mắt đơn thuần và quan sát mọi thứ chỉ để quan sát, ngừng nhìn nhận bản thân bằng con mắt của người khác.

Có một câu hỏi tôi đã không ngừng suy nghĩ khi đọc những dòng đầu tiên của cuốn sách. Khi đã nhận diện ra đứa bé bóng tối trong chính mình, vậy làm thế nào để kiểm soát và cân bằng trạng thái ấy để nó không chiếm hữu và lôi dắt tâm trí của chúng ta? Câu hỏi ấy đã có lời đáp, khi chính tác giả nói rằng: Đó là thiết lập siêu thái độ. Nghĩa là chấp nhận sự thật đứa trẻ bóng tối chỉ là hình phóng chiếu nguyên bản trọn vẹn và tuyệt đối từ ấu thơ. Tiếp tục theo dõi bản thân, chỉ cần hành động bắt và thả, hay nói đúng hơn: Cần nhận trách nhiệm của bản thân và cảm xúc bản thân; thứ hai là thả lỏng để đừng lùi sâu vào bên trong lớp vỏ u tối đó.

“Không bao giờ là quá muộn để có một tuổi thơ yên bình” - một nhà thơ Đức đã nói vậy. Không có điều gì là hoàn hảo và cũng đừng trông chờ vào những điều hoàn hảo. Mọi việc ắt đều có tính lí do. Sách của chuyên gia tâm lí học người Đức Stefanie Stahl thêm một lần nữa củng cố luận điểm đáng giá trên hành trình tìm về bản ngã và xoa dịu nội tâm: Khi bạn biết nhận diện, mở lòng và có trách nhiệm với bản thân, bạn hoàn toàn biến những khoảng tối từng u ám trong nội tâm trở thành vùng sáng rực rỡ tràn đầy năng lượng tích cực. Nếu hiện tại bạn chưa thể thực hành được, xin hãy nhớ, dũng cảm tiến về phía trước, ấy luôn là mặt trời của niềm tin và hy vọng - nơi các mối quan hệ xã hội được thực hành tích cực, nơi con người hành xử nhân ái và bao dung và nơi các “đứa trẻ ánh sáng” được lộ diện và kết nối như cách bạn kết nối với chính tâm hồn của mình!

Nguyễn Hường (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]