(vhds.baothanhhoa.vn) - Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng các phương án ứng phó của mỗi hộ dân, mỗi cơ sở... chính là những giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trước yêu cầu mới hiện nay.

Tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh

Sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, tinh thần cảnh giác, sẵn sàng các phương án ứng phó của mỗi hộ dân, mỗi cơ sở... chính là những giải pháp nhằm tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trước yêu cầu mới hiện nay.

Tăng cường công tác PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanhDiễn tập công tác PCCC và CNCH đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh tại phường Lam Sơn.

Phường Lam Sơn từng được đánh giá là địa bàn “nóng” về công tác PCCC, phòng chống cháy nổ của TP Thanh Hóa. Đây là phường trung tâm có mật độ cao nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh nhiều loại hàng hóa từ quần áo, giày dép, thời trang; hàng tạp hóa, hàng điện tử, điện dân dụng; đồ trang trí, đồ gỗ, nội thất; kinh doanh nhà hàng, quán ăn, nước giải khát; sản xuất, buôn bán bánh kẹo, chế biến thực phẩm; đồ chơi các loại... với tổng số hơn 360 hộ, cơ sở. Phần lớn trong số đó là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và các mặt hàng đều thuộc diện có nguy cơ cháy nổ cao, có thể gây thiệt hại về người và của nếu xảy ra hỏa hoạn. Hơn nữa, hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng ngày luôn ở cường độ cao với khối lượng hàng hóa lớn được buôn bán.

Từ đầu năm 2024 đến nay, phường Lam Sơn luôn xác định rõ, công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Trên cơ sở kế thừa và phát huy những kết quả đạt được trong công tác PCCC những năm trước, đến nay, phường Lam Sơn là một trong những đơn vị dẫn đầu của TP Thanh Hóa trong công tác bảo đảm an toàn PCCC trên địa bàn, đặc biệt là đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phường đã xây dựng và duy trì hoạt động hiệu quả 89 mô hình PCCC, trong đó có 65 tổ liên gia an toàn về PCCC và 24 điểm chữa cháy công cộng. Các mô hình đều có sự tham gia trực tiếp của người dân, trong đó có đại diện các hộ thuộc nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Trước yêu cầu của tình hình mới, phường đã tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ các nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, đồng thời tiến hành lập, theo dõi hồ sơ quản lý, về PCCC đạt tỷ lệ 100%. Đây là cơ sở quan trọng để phường tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác PCCC trên địa bàn với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà” kiểm tra, hướng dẫn người dân quản lý, sử dụng điện an toàn, góp phần hạn chế cháy, nổ do điện gây ra; trang bị các thiết bị PCCC ngay tại chỗ, tham gia các đợt tập huấn kỹ năng PCCC đối với các hộ gia đình nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất và các tổ liên gia an toàn về PCCC. Nhờ đó, đến hết tháng 7/2024, toàn phường đã có trên 93% hộ dân trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy xách tay. Từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn phường chỉ xảy ra 1 vụ cháy quy mô nhỏ, không gây thiệt hại về người, thiệt hại về tài sản không nghiêm trọng.

Trên địa bàn các phường trung tâm TP Thanh Hóa như Lam Sơn, Ba Đình, Điện Biên, Trường Thi, Đông Thọ, Đông Hương, Tân Sơn, Phú Sơn, Đông Vệ, Ngọc Trạo, số lượng các hộ có nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh là khá cao với bình quân 300 hộ trở lên. Đây đều là những nơi có nguy cơ xảy ra cháy nổ cao nếu không có các biện pháp phòng ngừa hiệu quả và phương án tổ chức chữa cháy. UBND TP Thanh Hóa đã giao trách nhiệm cho người đứng đầu là chủ tịch UBND cấp phường, xã trên địa bàn tăng cường triển khai các giải pháp PCCC tại các cơ sở, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý hoạt động, đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở chưa đảm bảo điều kiện an toàn PCCC theo quy định của pháp luật. Nếu để để xảy ra các vụ cháy, nổ gây hậu quả nghiêm trọng do thiếu lãnh đạo, chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra, giám sát hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm trong phạm vi quản lý của mình đối với công tác PCCC và CNCH, người đứng đầu sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn toàn. TP Thanh Hóa đã thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn quản lý.

Theo lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH (Công an tỉnh Thanh Hóa), cách làm và các giải pháp cấp bách mà TP Thanh Hóa đã và đang thực hiện có hiệu quả có thể xem là điểm cho công tác PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh hiện nay. Các địa phương như TP Sầm Sơn, thị xã Bỉm Sơn, thị xã Nghi Sơn cũng là những địa bàn “nóng” rất cần có sự vào cuộc trách nhiệm, nghiêm túc trong công tác PCCC và CNCH nói chung và đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Các địa phương khác trong tỉnh tiếp tục phát huy có hiệu quả công tác PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn gắn với nâng cao hiệu quả mô hình tổ liên gia an toàn về PCCC và điểm chữa cháy công cộng, nhất là khu vực có mật độ nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh cao tại các khu trung tâm. Việc trang bị các kiến thức, kỹ năng PCCC thông qua việc tổ chức các đợt tập huấn cần được tổ chức nhiều hơn, công tác kiểm tra, giám sát cần được thực hiện nghiêm túc, đúng luật.

Trong năm 2023 và đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn tại nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh gây thiệt hại cả về người và của, điển hình nhất là vụ cháy thương tâm vào ngày 29/1/2024 tại gia đình ông Lê Ngọc T. (làm nghề sửa xe máy) ở thôn 4, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lộc, khiến 3 người tử vong. Trước đó, vào tháng 4/2023, một vụ hỏa hoạn xảy ra tại số nhà 08, đường Nguyễn Văn Huyên (phường Ba Đình, TP Thanh Hóa) đã cướp đi sinh mạng 2 bé gái. gần đây nhất là vụ cháy xảy ra ngày 16/8 tại cơ sở kinh doanh mặt hàng chăn, ga, gối, đệm thuộc thôn Thạch Trung, xã Quảng Trạch (huyện Quảng Xương) khiến 1 người tử vong. Các vụ hỏa hoạn nói trên đều xảy ra tại nhà ở kết hợp với kinh doanh. Bởi vậy, công tác PCCC đối với nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới hiện nay là rất cấp thiết và quan trọng, không chỉ đòi hỏi trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự phối hợp với lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH, mà còn là ý thức, tinh thần cảnh giác cao nhất của mỗi gia đình, mỗi cơ sở và trên hết là mỗi người dân.

Bài và ảnh: Mạnh Cường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]