(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời tiết nắng ấm, độ ẩm cao... là những nguyên nhân khiến cho trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng, cúm... Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số trẻ nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm tăng đột biến trong tuần qua.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tăng đột biến số ca mắc bệnh truyền nhiễm ở trẻ

Thời tiết nắng ấm, độ ẩm cao... là những nguyên nhân khiến cho trẻ mắc các bệnh truyền nhiễm như thủy đậu, tay chân miệng, cúm... Ghi nhận tại Bệnh viện Nhi Thanh Hóa, số trẻ nhập viện do mắc các bệnh truyền nhiễm tăng đột biến trong tuần qua.

Trong số 60 bệnh nhi đang điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa thì có tới 2/3 bệnh nhi mắc bệnh truyền nhiễm về thủy đậu, tay chân miệng, cảm cúm... Đáng chú ý có gia đình nhiều người cùng mắc bệnh và nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh đã biến chứng sang viêm phổi, viêm màng não, nhiễm trùng máu...

Bác sỹ Trịnh Văn Lực - Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi cho biết: “Từ cuối tháng 2/2018, số bệnh nhi nhập viện vì các bệnh truyền nhiễm tăng cao. Trung bình mỗi ngày có khoảng 10 - 15 trẻ nhập viện điều trị nội trú. Ngoài nguyên nhân thời tiết thì việc các bậc phụ huynh chưa tiêm phòng đầy đủ cho trẻ, một số trẻ chưa đến tuổi tiêm phòng nhưng đã mắc bệnh... khiến bệnh truyền nhiễm ở trẻ gia tăng”.

Bác sỹ Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi điều trị tích cực cho các bé mắc bệnh.

Gia đình anh Nguyễn Đình Bình (Hoằng Tiến, Hoằng Hóa) hiện có 2 con đang điều trị bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Nhi cho biết “Thấy con trai có biểu hiện sốt, người mọc nốt nước, ban đầu gia đình chưa nghĩ cháu bị thủy đậu. Hôm sau người em gái có biểu hiện tương tự, trong khi đó cơn sốt của cháu trai thì không dứt. Thấy các cháu ngày càng mệt, nốt nước mọc nhiều hơn, đỏ tấy, diễn biến bệnh không tốt nên gia đình đã đưa thẳng lên Bệnh viện Nhi. Đến nay, sau 5 ngày điều trị các bé đã hết sốt, các nốt thủy đậu đang khỏi dần”.

Chị Phạm Thị Trúc (Thọ Diên, Thọ Xuân) mệt mỏi vì thời gian dài chăm con ở Bệnh viện Nhi khi con chị mới hơn 1 tuổi đã mắc thủy đậu. Con bị phát bệnh chị không mang cháu lên viện ngay mà để ở nhà điều trị bằng thuốc nam. Sau 3 ngày thấy bệnh tình không đỡ, cháu bé lại quấy khóc nhiều hơn, có hiện tượng ho khò khè thì gia đình mới quyết định cho lên viện. Sau mấy ngày điều trị tích cực bé đã khỏi, các nốt đã khô và đang liền sẹo."

Theo bác sỹ Trịnh Văn Lực, khi trẻ bị mắc bệnh truyền nhiễm, các bậc phụ huynh nên đến cơ sở y tế để khám và tư vấn, tuyệt đối không dùng các loại nước lá để tắm rửa cho trẻ. Bởi lúc đó da trẻ rất dễ bị nhiễm trùng, nhất là với những trẻ ít tháng tuổi, sức đề kháng đang yếu thì bệnh dễ chuyển nặng, biến chứng nguy hiểm.

Năm nay các bệnh thủy đậu, tay chân miệng, bệnh về đường hô hấp vào mùa sớm hơn mọi năm (các năm bệnh thường xuất hiện nhiều từ cuối tháng 3 đến tháng 5), do thời tiết nồm ẩm kéo dài là điều kiện để vi khuẩn sinh sôi và phát triển. Theo các chuyên gia y tế biện pháp phòng bệnh hiệu quả nhất là việc giữ gìn vệ sinh sạch sẽ cho các em, rèn luyện thói quen rửa tay bằng xà phòng, thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng cho các bé để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thực hiện nếp sống văn minh, khoa học tránh các hủ tục như kiêng khem không đúng khoa học, tắm rửa bằng nước lá... Đặc biệt, đối với những bệnh đã có vacxin thì phụ huynh nên chích ngừa cho con đầy đủ, đúng độ tuổi. Trong đó, bệnh tay chân miệng có nhiều typ khác nhau, vì vậy phụ huynh không nên chủ quan vì nghĩ con mình đã bị thì không thể tái mắc bệnh.

Vân Anh


Vân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]