(vhds.baothanhhoa.vn) - Đi qua nhiều thăng trầm, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) đã và đang dần khẳng định giá trị sản phẩm truyền thống làng nghề.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thăm làng nhiễu Hồng Đô

Đi qua nhiều thăng trầm, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô xã Thiệu Đô (Thiệu Hóa) đã và đang dần khẳng định giá trị sản phẩm truyền thống làng nghề.

Để phát triển bền vững, lâu dài và giữ vững được thương hiệu là cả một vấn đề khó với những làng nghề truyền thống, nhưng may mắn, nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu ở xã Thiệu Đô vẫn tỏa sáng ở các thị trường trong và ngoài nước. Người làng nghề vẫn hừng hực niềm đam mê yêu nghề và quyết giữ bằng được nghề của cha ông để lại.

Tơ Hồng Đô từ lâu đã nức tiếng là loại tơ bền, mềm, đẹp. Vậy nên, về xã Thiệu Đô là nhớ đến một làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu với sức sống mãnh liệt cùng thời gian. Đã có khoảng thời gian, nghề tưởng như đã bị mai một, người làng nghề cảm thấy chới với với chính sản phẩm do mình làm ra khi đầu ra sản phẩm không ổn định. Nhưng cũng thật mừng khi huyện Thiệu Hóa đã quyết tâm khôi phục nghề bằng nhiều cách để đến hôm nay vẫn còn giữ được tiếng vang, thương hiệu làng nghề.

Hiện toàn xã Thiệu Đô có 300 hộ nuôi tằm, 40 hộ ươm tơ và 1 doanh nghiệp chế biến dâu tằm tơ. Cũng nhờ có làng nghề mà đời sống kinh tế của nhân dân được nâng cao, có những hộ cho thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ tơ tằm Thanh Đức còn tạo công ăn việc làm cho 30 lao động với thu nhập từ 3-6 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, dù đã khôi phục được lại nghề nhưng cũng không thể không tránh khỏi những khó khăn đó là khó về nguyên liệu kén, thiếu lớp lao động trẻ để tiếp tục giữ nghề… Ông Hoàng Viết Đức - Giám đốc Công ty Tơ tằm Thanh Đức cho biết: “Một tháng doanh nghiệp tiêu thụ khoảng 9 tấn kén và đang phấn đấu lên 20 tấn nhưng tiếc là hiện chúng tôi đang khủng hoảng về nguyên liệu này”. Sự khủng hoảng như ông Đức nói, bởi trước đây, người làng nghề vẫn mua kén ở các huyện Thọ Xuân, Yên Định nhưng do nghề trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập không cao nên người nông dân cũng không còn mặn mà và chuyển sang mô hình trồng các cây giống khác cho năng suất cao hơn.

Nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt nhiễu làm nên nét đặc trưng của xã Thiệu Đô. (Ảnh: Xuân Tứ)

Vào giai đoạn 2013 - 2016, UBND huyện Thiệu Hóa đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ nghề trồng dâu, nuôi tằm ở Thiệu Đô. Cụ thể, hỗ trợ 15 triệu đồng/ha cho các tổ chức, hộ gia đình tham gia nghề trồng dâu, nuôi tằm. Trong đó, hỗ trợ 5 triệu đồng cho việc mua giống mới để thay thế giống cũ và 10 triệu đồng cho việc đào phá gốc dâu cũ đã kém năng suất, hiệu quả. Tiếp đó, UBND xã Thiệu Đô cũng xây dựng dự án “Khôi phục và phát triển làng nghề giai đoạn 2010-2016”. Theo đó, giai đoạn 1 (năm 2014), hỗ trợ các hộ 50 triệu đồng mua hạt dâu giống; giai đoạn 2 (năm 2015) hỗ trợ 200 hộp giống tằm; giai đoạn 3 (năm 2016) hỗ trợ 15 máy móc phục vụ việc dệt nhiễu. Tuy nhiên, số hộ trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn xã Thiệu Đô đến lúc này vẫn còn khá khiêm tốn, đây cũng chính là 1 trong những nguyên nhân kìm hãm sự phát triển sản phẩm của làng nghề.

Hơn nữa, để hiểu cho đúng cụm từ ươm tơ, dệt nhiễu thì ở xã Thiệu Đô bây giờ chỉ còn 1 hộ dệt nhiễu. Một con số quá nhỏ bé và nhìn lại con số này thì quả là hụt hẫng. Có phải chăng, nghề dệt nhiễu ở đây đang mất dần đi mà chỉ còn nghề nuôi tằm - ươm tơ? Ngay cả khi tác giả bài viết có đề cập đến 2 từ “dệt nhiễu” thì đến Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Đô cũng phải sửng sốt: “Nghề dệt nhiễu còn đâu, chỉ còn có 1 hộ làm thôi!”.

Được biết, dự án xây dựng khu làng nghề ươm tơ, dệt nhiễu Hồng Đô đến nay cơ bản đã xong. UBND xã Thiệu Đô cùng với nhà thầu đã nghiệm thu sơ bộ các hạng mục, lập hồ sơ để báo cáo với UBND tỉnh Thanh Hóa và Sở Xây dựng kiểm tra, đưa vào sử dụng. Đây sẽ là một điều kiện thuận lợi cho các hộ làng nghề tiếp tục cho ra đời những sản phẩm có giá trị cũng như giảm thiểu tác hại việc ô nhiễm môi trường. Một cơ chế, chính sách để thu hút người làng nghề ra khu làng nghề và sự quan tâm để phát triển hơn nữa việc trồng dâu, nuôi tằm vẫn là những mong muốn hết sức cần thiết của những người đang từng ngày thổi hồn vào trong từng sản phẩm truyền thống trên đất Thiệu Đô…

Hoàng Việt Anh


Hoàng Việt Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]