Thấm từng trang sách “Búp sen xanh”
Suốt những năm tháng thời đi học và cho đến bây giờ, có những cuốn sách đã đi vào tâm trí của tôi mãi không bao giờ quên được. Trong đó có tác phẩm “Búp sen xanh” của nhà văn Sơn Tùng.
Tác phẩm “Búp sen xanh” phiên bản chào mừng 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 2020) của Nhà xuất bản Kim Đồng. Ảnh: QĐND
Thấm thoát đã hơn 40 năm qua, tôi vẫn lưu giữ cẩn thận “Búp sen xanh” trên giá sách gia đình, các thế hệ trong gia đình đều đọc và yêu thích.
Nhà văn Sơn Tùng không phải là một tác giả chuyên viết cho thiếu nhi, nhưng chỉ với một cuốn này, tác giả đã “xây dựng” hình tượng Bác Hồ từ khi được sinh ra đến khi rời bến nhà Rồng đi tìm đường cứu nước, đã để lại dấu ấn cho biết bao tâm hồn.
Và điều đặc biệt là, cuốn sách không chỉ được các em nhỏ đón nhận, mà cả người lớn, những người ở tầng lớp khác nhau từ người dân bình thường đến những trí thức, nhà khoa học, những nhà cách mạng có tên tuổi đều nhiệt liệt hoan nghênh.
“Búp sen xanh” kể về thời thơ ấu và một phần tuổi trẻ của cậu bé Nguyễn Sinh Cung ở làng quê Nghệ An, rồi kinh đô Huế - nơi đã nuôi dưỡng ý chí, tâm hồn và nhân cách của một nhà hoạt động cách mạng vĩ đại.
Tác phẩm văn học thấm đẫm giá trị lịch sử, chứa đựng nhiều cứ liệu lịch sử chân xác về sự hình thành nhân cách và tư tưởng Hồ Chí Minh, đã làm nên tên tuổi nhà văn Sơn Tùng. Cuốn sách được tái bản rất nhiều lần và dịch ra nhiều ngôn ngữ khác, để lại ấn tượng sâu sắc trong ký ức nhiều thế hệ bạn đọc.
Với “Búp sen xanh”, thông qua những câu chuyện trong cuộc đời thời thơ ấu của Bác để nhà văn “khái quát” sự hình thành nhân cách, các yếu tố hun đúc nên một con người cả đời đau đáu vì dân, vì nước... của vị lãnh tụ vô vàn kính yêu.
Với tôi, ấn tượng đầu tiên khi đọc “Búp sen xanh” là lời đề từ ngắn gọn của nhà văn Sơn Tùng: “Các bậc thiên tài không có sẵn, chính truyền thống gia đình, quê hương là khởi thủy tạo nên những tính cách đầu tiên của mỗi con người đi vào đời”, đó là bài học nhẹ nhàng mà vô cùng sâu sắc.
Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ quyết liệt, tác giả Sơn Tùng là phóng viên chiến trường ở Quân khu 4 và Đông Nam Bộ, đến năm 1971 ông bị thương nặng được đưa ra miền Bắc chữa trị. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng ông đã vượt lên chính mình, cho ra đời nhiều tác phẩm văn học và thành công hơn hết với đề tài Bác Hồ, mà đỉnh cao là “Búp sen xanh”.
Thai nghén cho tác phẩm này từ năm 1948, và hoàn thành vào năm 1980, chừng ấy cũng đã thấy được chữ “tâm” của nhà văn Sơn Tùng đối với Bác Hồ kính yêu.
Đọc tác phẩm, càng hiểu thêm về làng quê xứ Nghệ những năm đầu thể kỷ XX, nơi ấy là làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù quê ngoại của Bác với những câu ví dăm, dân ca. Theo bước chân của Bác, người đọc lại biết đến kinh thành Huế cổ kính, dòng sông Hương lững lờ, với đình Dương Nổ, trường Pháp - Việt Đông Ba, trường Quốc học hay Bến Nhà Rồng.
Những phong tục tập quán, lời ăn tiếng nói... mỗi một vùng đất Bác đi qua cũng được tác giả thể hiện một cách tự nhiên, chân thật.
Với “Búp sen xanh”, người đọc nhận ra chân giá trị sâu sắc của đạo đức, nhân phẩm. Trong cuộc đời mỗi con người, giai đoạn từ tuổi niên thiếu đến khi trưởng thành rất quan trọng bởi đây là giai đoạn hình thành nhân cách, tâm hồn của mỗi con người. Nhà văn chỉ đề cập từ thời niên thiếu đến ngày Bác ra đi tìm đường nước, tưởng chỉ dành cho bạn đọc nhỏ tuổi nhiều hơn, song tác phẩm lại có sức hút kỳ lạ với độc giả mọi lứa tuổi. Mọi tình cảm dành cho Bác có lẽ từ sự kính trọng một nhân cách, một tài năng ngay khi Bác còn nhỏ.
Tuổi thơ của Bác trải qua những “đoạn trường” khổ ải, thiếu thốn trăm bề, nhưng đã vươn lên, vượt qua khó khăn thiếu thốn, mãi là bài học về tình thương, nhân cách, nghị lực sống.
Nhà văn M.Gorky từng nói: “Sách mở rộng trước mắt tôi những chân trời mới”. Điều đó thấm thía vô cùng với những ai đã đọc “Búp sen xanh”. Ở đó, sẽ thấy một tấm gương sáng ngời về nhân cách, tâm hồn Bác như những câu thơ của nhà thơ Tố Hữu đã ngơi ca “Ôi lòng Bác vậy cứ thương ta/ Thương cuộc đời chung thương cỏ hoa/ Chỉ biết quên mình cho hết thảy/ Như dòng sông chảy năng phù sa” (Theo chân Bác).
Chắc chắn, mỗi người đọc đều lặng thầm tưởng nhớ Bác trong tâm tưởng, và cám ơn tác giả - nhà văn Sơn Tùng đã lan tỏa trên từng trang sách những giá trị sâu sắc về một vùng đất, một gia đình nền nếp truyền thống khoa bảng, yêu nước cách mạng. Đó cũng là sự lý giải “thấy cây là thấy cả rừng, thấy quả là thấy cả nhân”, thấy sự vĩ đại lẫn nét đời thường gần gũi của Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Mãi mãi sáng ngời tấm gương đẹp và cao cả về trí tuệ, tâm hồn “Búp sen xanh” - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu...
Hồ Thu (CTV)
{name} - {time}
-
2025-05-18 10:17:00
Tháng Năm nhớ Bác
-
2025-05-17 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Hoa nở trong tối
-
2025-05-13 10:38:00
Trao tặng 100 cuốn truyện ký “Người vào tâm bão” cho Công an tỉnh Thanh Hóa