(vhds.baothanhhoa.vn) - Nhắc đến tiết Thanh Minh, có lẽ người Việt Nam ít ai không biết đến câu Kiều: “Thanh Minh trong tiết tháng ba/ Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh”. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu chính xác về thanh minh, đạp thanh, và tảo mộ, kể cả các nhà biên soạn từ điển.

“Thanh Minh”, “Đạp Thanh”, và “Tảo mộ”

Nhắc đến tiết Thanh Minh, có lẽ người Việt Nam ít ai không biết đến câu Kiều: “Thanh Minh trong tiết tháng ba/ Lễ là Tảo mộ, hội là Đạp thanh”. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu chính xác về thanh minh, đạp thanh, và tảo mộ, kể cả các nhà biên soạn từ điển.

“Thanh Minh”, “Đạp Thanh”, và “Tảo mộ”

1-Tiết Thanh Minh là gì?

Nếu căn cứ vào từ điển tiếng Việt, thì chúng ta thấy cách giảng không thống nhất, thậm chí có nhiều cuốn giảng sai:

- Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Bản có chú chữ Hán cho những từ Hán Việt - Trung tâm Từ điển học Vietlex), giảng: “thanh minh • d. tên gọi một trong hai mươi bốn ngày tiết trong năm theo lịch cổ truyền của Trung Quốc, ứng với ngày 4, 5 hoặc 6 tháng tư dương lịch [thường vào khoảng tháng hai, tháng ba âm lịch], đây là dịp tiết trời trong sáng nên có tục đi thăm viếng, sửa sang mồ mả. “Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.” (Truyện Kiều).

“Tục đi thăm viếng” mà Từ điển Hoàng Phê nói đến ở đây có lẽ là hội Đạp Thanh, và cách giảng này là gắn với tiết Thanh Minh bên Trung Quốc, bởi người Việt không có phong tục này.

- Việt Nam tự điển (Hội Khai trí Tiến đức) giảng: “thanh-minh • Tiết mùa xuân, khí trời mát-mẻ trong-trẻo, người ta đi tảo-mộ”. Theo từ điển này, thì tiết Thanh Minh chỉ có tục đi tảo mộ. Cách giảng này chỉ được xem là đúng, khi gắn với thực tế phong tục tập quán của Việt Nam.

Tuy nhiên, dù gắn với phong tục Trung Quốc, nhưng Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức), và Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân) lại vẫn cho rằng, Thanh Minh là tên “lễ quét mộ (giẫy mả)” của người Trung Hoa; là một tiết mà “người Trung Quốc đi tảo mộ”.

Các cách giảng này dĩ nhiên là thiếu chính xác. Vì xét phong tục Trung Quốc, tiết Thanh Minh không chỉ có “đi tảo mộ”, hay “lễ quét mộ” (thực ra phải gọi là tục quét mộ mới đúng - HTC), mà còn có cả “hội Đạp Thanh”. Theo đây, Hán ngữ đại từ điển đã giảng rõ ràng như sau: “thanh minh: tên một tiết khí; vào khoảng mùng 4, mùng 5, hoặc mùng 6 dương lịch. Dịp tiết Thanh Minh, nước ta (tức Trung Quốc - HTC) có hội Đạp Thanh và tập tục tảo mộ”.

2- Đạp Thanh có phải chính là đi tảo mộ?

Nhiều cuốn từ điển tiếng Việt giảng nghĩa một cách thiếu chính xác, khi cho rằng đạp thanh là “đi tảo mộ trên cánh đồng cỏ xanh”, “đi tảo mộ trong tiết Thanh Minh”. Cụ thể:

- Từ điển từ và ngữ Việt Nam (GS. Nguyễn Lân) giảng: “đạp thanh • Nói trong mùa xuân, nhân tiết thanh minh, người ta đi tảo mộ trên cánh đồng cỏ xanh: Thanh minh trong tiết tháng ba, Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh (Kiều)”.

- Việt Nam tự điển (Lê Văn Đức): “đạp thanh • đt. Tảo mộ (đi trên cỏ xanh để tới mộ): Lễ là tảo-mộ, hội là đạp-thanh (K)”.

- Từ điển tiếng Việt (Văn Tân chủ biên): “đạp thanh • d. Đi tảo mộ trong tiết thanh minh. Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh (K)”.

Giải thích như vậy là biến việc đi chơi thành viếng mộ, hoặc biến hai việc, hai hoạt động làm một. Trong khi, hai câu thơ của Nguyễn Du phải được hiểu: tháng ba, trong tiết Thanh Minh có lễ và hội; về lễ, có “tảo mộ”; về “hội”, có “đạp thanh”.

Từ điển truyện Kiều (Đào Duy Anh) đã giải thích về “tảo mộ” và “đạp thanh” như sau:

1.“tảo mộ: Dẫy mả. Ví dụ Lễ là Tảo mộ, hội là đạp thanh”.

2.“đạp thanh: xéo trên cỏ xanh. Hội đạp thanh tức là hội chơi xuân, người ta ra đồng chơi xuân, dẫm trên cỏ xanh. Ví dụ Lễ là tảo mộ hội là đạp thanh”.

Các tài liệu và từ điển của người Trung Quốc cũng cho chúng ta biết, “đạp thanh” hoàn toàn không phải chính là “tảo mộ”:

- Từ nguyên (Trung Hoa Dân Quốc - Thương vụ Ấn thư quán ấn hành): “Ngày mùng tám tháng Giêng, nam nữ cùng đi chơi xuân gọi là Đạp Thanh; Ngày mùng hai tháng hai, là tiết Đạp Thanh; Ngày mùng ba tháng ba Đạp Thanh, đi giày dép, nay gọi ngày đi chơi tiết Thanh Minh là Đạp Thanh”.

- Từ hải (Trung Hoa Thư cục ấn hành) dẫn Tô Triệt thi tự: “Ngày mùng tám tháng giêng, nam nữ cùng đi chơi xuân gọi là Đạp Thanh”. Từ điển này cũng dẫn Tuế Hoa kí lệ phả: “Ngày mùng hai tháng hai là tiết Đạp Thanh. Xưa kia, tục Đạp Thanh không giống nhau, có khi diễn ra trong tháng giêng, tháng hai hoặc tháng ba. Nay tiết Thanh Minh đi dã ngoại gọi là Đạp Thanh”.

Do hội Đạp Thanh diễn ra vào đúng dịp tiết Thanh Minh, nên với người Trung Quốc, tiết Thanh Minh còn được gọi là tiết Đạp Thanh. Hán điển giảng: “đạp thanh: ngày xuân cùng đi dã ngoại.Thời xưa, tập tục Đạp Thanh không giống nhau, mà có sự khác biệt về thời gian diễn ra. Về sau, đa số lấy mốc thời gian trước và sau tiết Thanh Minh làm hội Đạp Thanh, nên tiết Thanh Minh còn gọi là tiết Đạp Thanh”.

Vì đạp thanh và tảo mộ trong tiết Thanh Minh là hai việc khác nhau, nên Hán ngữ đại từ điển giảng đạp thanh là “tập tục đi chơi vùng ngoại thành vào dịp trước và sau tiết Thanh Minh.”; trong khi giảng tảo mộ với hai nghĩa là: “1. chuẩn bị quét dọn sạch sẽ khu táng địa; 2. cúng và quét dọn mộ phần”.

Ý nghĩa của tảo mộ (dọn dẹp, tu bổ mộ phần), hoàn toàn khác với đạp thanh (đi chơi Xuân), nên Hán ngữ đại từ điển dẫn ngữ liệu: “tiết Thanh Minh đi tảo mộ, tuy không đốt tiền giấy, nhưng có thể giúp con cháu làm quen với việc cung kính lễ bái, mặc niệm tiền nhân”.

Như vậy, chúng ta có thể đi đến kết luận:

- Với người Trung Quốc, tiết Thanh Minh thường diễn ra hai hoạt động: hội Đạp Thanh (đi chơi Xuân), và tục tảo mộ (tu sửa, dọn dẹp, cúng tế ở mộ phần). Trong khi với người Việt Nam, tiết Thanh Minh không có hội Đạp Thanh, chỉ có tục tảo mộ.

- Với người Trung Quốc, tiết Thanh Minh còn được gọi là tiết Đạp Thanh. Trong khi với người Việt, chưa bao giờ tiết Thanh Minh được hiểu theo cách này.

-Thanh Minh là tên một trong 24 tiết khí trong năm; còn Đạp Thanh là tên hội chơi Xuân, chứ không phải tên gọi khác của tục tảo mộ. Việc một số cuốn từ điển tiếng Việt cho “đạp thanh” cái nghĩa “trong mùa xuân, nhân tiết thanh minh, người ta đi tảo mộ trên cánh đồng cỏ xanh”, “tảo mộ (đi trên cỏ xanh để tới mộ”, hay “đi tảo mộ trong tiết thanh minh”..., thì dù với người Việt Nam hay người Trung Quốc, những cách giảng này đều hoàn toàn sai.

Hoàng Tuấn Công



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]