(vhds.baothanhhoa.vn) - Ở tuổi 65, ông Phạm Ngọc Thành, ở đường Hoàng Văn Thụ, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa), vẫn nhớ như in niềm tự hào và xúc động khi lần đầu tiên được đứng trong Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic năm 1980 tại Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ, nay là Cộng hòa Liên bang Nga).

Gặp vận động viên Thanh Hóa đầu tiên tham dự Olympic thế giới

Ở tuổi 65, ông Phạm Ngọc Thành, ở đường Hoàng Văn Thụ, phường Ngọc Trạo (TP Thanh Hóa), vẫn nhớ như in niềm tự hào và xúc động khi lần đầu tiên được đứng trong Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự Olympic năm 1980 tại Mát-xcơ-va (Liên Xô cũ, nay là Cộng hòa Liên bang Nga).

Gặp vận động viên Thanh Hóa đầu tiên tham dự Olympic thế giới

Là một vận động viên (VĐV) phong trào, đến với môn bơi lội hoàn toàn từ đam mê, nhưng Phạm Ngọc Thành đã nỗ lực để trở thành tài năng xuất chúng của bơi lội Việt Nam thời bấy giờ khi giành hơn 100 huy chương trong sự nghiệp (trong đó có 28 HCV), phá nhiều kỷ lục quốc gia. Ông là VĐV đầu tiên của Thanh Hóa tham dự Olympic thế giới ở đường đua xanh.

Sinh ra và lớn lên ở làng Trường Yên, xã Cẩm Vân (Cẩm Thủy), một vùng quê bên bờ sông Mã, nên Phạm Ngọc Thành biết bơi từ rất sớm. Nhà có tới 9 anh em, thì cả 9 người đều giỏi lặn ngụp trên sông. Ông nhớ: “Mỗi khi làng bên sông có hội, cả 9 anh em rủ nhau bơi qua sông đi xem, anh lớn kèm em nhỏ”. Vậy nên với ông, sông nước đã trở thành bạn. Và mỗi lần được xuống nước, ông thấy tự tin đến sảng khoái. Vì thế, khi tham gia các giải bơi vượt sông truyền thống quốc gia hàng năm, Phạm Ngọc Thành đều được giải cao. Tại giải bơi vượt sông truyền thống toàn miền Bắc năm 1974, ông giành HCB khi mới 16 tuổi. Đến năm 18 tuổi, trong giải vượt sông truyền thống Bạch Đằng toàn quốc, tại Huế (năm 1976), ông là VĐV duy nhất của Thanh Hóa đạt HCB. Lúc đó ông vẫn là một VĐV ở làng, khi có giải mới được gọi tham gia.

Niềm đam mê cùng với tài năng sẵn có và sự nỗ lực không ngừng đã giúp Phạm Ngọc Thành có nhiều thành tích. Những tấm huy chương càng củng cố thêm sự quyết tâm trên con đường theo đuổi sự nghiệp bơi lội, vì thế năm 1979, ông bỏ làm công nhân xây dựng để trở thành VĐV chuyên nghiệp của tỉnh. Và từ đó, ông xác định con đường làm VĐV là “nghiệp” của mình, và để đứng trên bục cao nhất thì cần phải khổ luyện. Ông kể: “Thời đó, cơ sở vật chất dành cho VĐV tập luyện còn nghèo nàn, thiếu thốn, nhưng ngày nào chúng tôi cũng phải xuống nước. Chúng tôi hiểu rằng một ngày không tập luyện là nhiều ngày bị thụt lùi". Những ngày tháng khổ luyện ấy đã cho Phạm Ngọc Thành 28 lần được đứng trên bục vinh quang cao nhất ở các giải đấu, 5 lần phá kỷ lục quốc gia ở cự ly: 1.500m bơi hỗn hợp (năm 1979) với thành tích 19 phút 32 giây; 100m bơi ngửa, năm 1980 ở giải Vô địch quốc gia; 200m bơi ngửa giải Vô địch quốc gia năm 1982; và tại giải Vô địch quốc gia năm 1985, ông phá kỷ lục 2 cự ly 200m hỗn hợp với thành tích 2 phút 26 giây và 400m hỗn hợp với 5 phút 10 giây.

Gặp vận động viên Thanh Hóa đầu tiên tham dự Olympic thế giới

Những chiếc Cup trong sự nghiệp bơi lội của ông Phạm Ngọc Thành.

Đến nay ông vẫn nhớ về thời điểm năm 1979 sau khi phá kỷ lục quốc gia, lúc ông vinh dự trở thành VĐV đội tuyển quốc gia tham dự Olympic thế giới lần thứ 22 tại Mát-xcơ-va, Liên bang Nga. Kể lại giây phút đó, ông Thành vẫn còn vẹn nguyên những xúc cảm: "Tôi nhớ từng gương mặt của 11 thành viên đội tuyển bơi, nhớ từng nội dung thi đấu và cả thành tích họ đạt được, nhớ khoảng thời gian tập luyện ở Mát-xcơ-va, nhớ buổi lần đầu được gặp “thần tượng” bơi lội là VĐV xuất sắc nhất thế giới lúc đó và nhớ nhất là khoảng khắc cùng đồng đội giơ cao lá cờ Việt Nam bước vào khai mạc thế vận hội. Chúng tôi dự thi với quyết tâm cao nhất, dẫu biết rằng thành tích của mình so với VĐV quốc tế vẫn còn kém nhưng chúng tôi đã nỗ lực hết sức mình”.

Năm đó, ông Thành dự thi ở 2 nội dung 1.500m và 400m bơi tự do nam. Tuy không giành được huy chương nhưng lúc đó, ông đã là huyền thoại của thể thao Thanh Hóa.

Năm 1994, Phạm Ngọc Thành chuyển sang công tác huấn luyện với vai trò Trưởng bộ môn Thể thao dưới nước của Thanh Hóa. 20 năm sau, học trò của ông là Nguyễn Thị Hương vinh dự là VĐV tiếp theo tham gia Olympic Sydney (Australia) năm 2000.

Là gia đình truyền thống về thể thao, em ruột ông là Phạm Văn Hoan cũng có nhiều năm liền là VĐV đội tuyển bơi quốc gia. Con trai ông là anh Phạm Tuấn Anh cũng trở thành VĐV chuyên nghiệp với nhiều thành tích xuất sắc, hiện là Trưởng bộ môn Lặn của thể thao Thanh Hóa. Trong SEA Games 31 vừa qua, học trò của anh là VĐV Cao Thị Duyên đã giành 2 HCV ở môn Lặn ở các nội dung 100m chân vịt đôi và tiếp sức 4x100 bifin.

Theo ông Thành, điều quan trọng nhất để VĐV nói chung và VĐV môn bơi lội nói riêng duy trì thành tích được là dựa vào thể lực và tư tưởng. Ông nói: "Thể lực tốt đồng nghĩa với việc thực hiện các bài thi ở trạng thái tốt nhất, ít sai sót nhất và cho kết quả cao nhất. Song song với đó, VĐV phải là người kiên định về tư tưởng. Bởi trong thể thao, những tấm HCV là khát vọng, giành được nó VĐV phải khổ luyện, nỗ lực cùng với quyết tâm cao. Đồng thời, có tư tưởng vững vàng sẽ giúp VĐV tránh xa những cám dỗ để không sa ngã”.

Bài và ảnh: Phan Vân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]