(vhds.baothanhhoa.vn) - Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina ở châu Âu vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt: súng vẫn nổ, đạn vẫn rơi, hàng ngày vẫn có những số liệu thống kê về thiệt hại vật chất cũng như con người... Điều này có nghĩa, vẫn đang có không ít VĐV bị đối xử!

Cần sự công bằng với tất cả vận động viên!

Cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina ở châu Âu vẫn chưa cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt: súng vẫn nổ, đạn vẫn rơi, hàng ngày vẫn có những số liệu thống kê về thiệt hại vật chất cũng như con người... Điều này có nghĩa, vẫn đang có không ít VĐV bị đối xử!

Lâu nay, chúng ta vẫn nghe nói về những tôn chỉ cao đẹp, như “Thể thao đoàn kết, trung thực, cao thượng”, nhất là “Thể thao phi chính trị”... Song trên thực tế, “Thể thao phi chính trị” đến đâu thì cuộc khủng hoảng Nga - Ukraina đã cho mọi người lời giải đáp.

Thật vậy! Hơn 2 tháng trước, chỉ ít ngày sau khi quân đội Nga tiến hành “chiến dịch quân sự đặc biệt” trên lãnh thổ Ukraina, rất nhiều lệnh cấm vận, bao vây, phong tỏa của Mỹ - phương Tây cũng như các tổ chức quốc tế đã được đưa ra đối với nước Nga và công dân Nga: cấm vận về kinh tế, chính trị, quân sự... trong đó phi lý hơn là những lệnh cấm vận về thể thao! Chẳng hạn, đội tuyển bóng đá quốc gia Nga đang thi đấu play-off để tranh vé vớt đến vòng chung kết World Cup 2022 được tổ chức vào mùa đông năm nay tại Qatar thì ban đầu bị Liên đoàn Bóng đá Thế giới (FIFA) cấm thi đấu dưới quốc kỳ, quốc ca Nga... sau đó bị đình chỉ tư cách thi đấu luôn. Cùng cảnh, đội tuyển bóng đá nữ của nước này cũng bị loại khỏi EURO 2022, CLB Spartak Moskva phải tạm biệt Europa League, nhường suất đi tiếp cho CLB Leipzig (Đức)... Trong khi đó, theo quy định của FIFA đều cấm tất cả các hình thức phân biệt đối xử và tránh bất cứ sự can thiệp về chính trị. Chưa hết, hàng trăm VĐV khác mang quốc tịch Nga và Belarus đang chuẩn bị lên đường tham dự Thế vận hội mùa đông dành cho người khuyết tật tại Trung Quốc, phút chót cũng phải ngồi nhà.

Rõ ràng, dù muốn hay không, cái gọi là “Thể thao phi chính trị” đã được hiểu và thực hiện không nhất quán, tùy từng thời điểm, tùy từng đối tượng nếu không muốn nói là đã có những quyết định mang tính chính trị trong tôn chỉ phi chính trị ở thể thao. Chẳng thế mà ngay sau lệnh cấm của FIFA với bóng đá Nga, các cổ động viên CLB bóng đá Red Star Belgrad (Serbia) đã có những băng rôn khẩu hiệu cỡ lớn nhắc đến những cuộc xung đột quân sự, chiến tranh trên phạm vi toàn cầu liên quan đến chính quyền Mỹ, quân đội Mỹ, như chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh trên bán đảo Đông Dương; rồi Somali, Kosovo, Iraq, Libi, Syria... mà các đội tuyển thể thao Mỹ chẳng hề hấn gì!

Một cầu thủ vốn có tiếng điềm đạm như đội trưởng Artem Dzyuba của đội tuyển bóng đá Nga đã viết trên mạng xã hội Instagram rằng: “Tôi không muốn bình luận về các sự kiện ở Ukraine cho đến giây phút cuối cùng. Tôi không muốn, không phải vì tôi sợ, mà bởi vì tôi không phải là một chuyên gia trong lĩnh vực chính trị, tôi không bao giờ tham gia vào nó và tôi sẽ không bao giờ làm vậy, nhưng với tư cách là một con người, tôi có quan điểm của riêng mình. Và tôi sẽ nói lên điều đó bởi vì nhiều bên đã thúc đẩy.

Chiến tranh thật kinh hoàng. Tôi bị sốc bởi sự hung hãn và căm thù của con người. Tôi chống lại sự phân biệt đối xử dựa trên quốc tịch. Tôi không xấu hổ khi là người Nga. Tôi tự hào là người Nga.

Tôi chống lại tiêu chuẩn kép. Tại sao một số người được phép làm mọi thứ, nhưng chúng tôi bị đổ lỗi cho mọi thứ? Tại sao mọi người luôn nói rằng thể thao là phi chính trị, nhưng ngay cơ hội đầu tiên, khi nó liên quan đến Nga, nguyên tắc này hoàn toàn bị lãng quên?".

Mới đây, tại giải quần vợt danh giá mang tên Wimbledon đã xảy ra chuyện tương tự khi Ban tổ chức giải đấu lâu đời (từ năm 1877) và có uy tín nhất trên thế giới này cấm cửa các VĐV mang quốc tịch Nga cũng như Belarus. Cần phải nói thêm là ở giải đấu này, các VĐV tham gia với tư cách cá nhân chứ không đại diện cho bất kỳ đội tuyển nào. Và từ lệnh cấm ấy, người hâm mộ quần vợt toàn cầu sẽ không được chứng kiến tài nghệ của tay vợt số 2 thế giới người Nga Daniil Medveded;...

Không phải ngẫu nhiên, tay vợt nam số 1 thế giới hiện nay là Djokovic người Serbia đã phản ứng rất gay gắt, gọi lệnh cấm này của Ban tổ chức là điên rồ: “Tôi sẽ luôn lên án chiến tranh, tôi sẽ không bao giờ ủng hộ chiến tranh vì bản thân tôi là đứa con sinh ra từ chiến tranh. Ở Serbia, tất cả chúng ta đều biết những gì đã xảy ra vào năm 1999. Thế nên, tôi phản đối quyết định của Wimbledon, tôi nghĩ đó là điều điên rồ. Khi chính trị can thiệp vào thể thao, kết quả sẽ không có gì tốt đẹp”.

Đáng mừng là lần này tay vợt người Serbia không đơn độc. Bởi khác với các cơ quan quyền lực của bóng đá châu Âu và thế giới, Hiệp hội Quần vợt chuyên nghiệp nam cho rằng quyết định là "không công bằng và có khả năng tạo ra một tiền lệ có hại cho quần vợt”. Hiệp hội Quần vợt chuyên nghiệp nữ cũng chung tiếng nói. Hai tổ chức này đã cho phép các tay vợt Nga và Belarus tiếp tục thi đấu với tư cách trung lập tại tất cả các giải đấu khác.

Xin hãy công bằng với các VĐV bởi họ là những người chơi thể thao thuần túy và họ không hề có tiếng nói hay có vai trò gì trong quyết định của các nhà chính trị!

THANH HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]