(vhds.baothanhhoa.vn) - Tại các giải thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, nghi thức chào cờ, hát quốc ca tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn song luôn đọng lại những cảm xúc thiêng liêng, xúc động và tự hào.

Niềm tự hào và nghĩa vụ thiêng liêng

Tại các giải thể thao nói chung và bóng đá nói riêng, nghi thức chào cờ, hát quốc ca tuy chỉ diễn ra trong thời gian ngắn song luôn đọng lại những cảm xúc thiêng liêng, xúc động và tự hào.

Niềm tự hào và nghĩa vụ thiêng liêng

Ảnh minh họa.

World Cup 1998 có một giải thưởng thú vị được trao, đó là người hát quốc ca hay nhất. Danh hiệu đó thuộc về thủ lĩnh của đội tuyển Chile, Ivan Zamorano.

Hình ảnh Zamorano với gương mặt đầy biểu cảm, bàn tay áp lên ngực trái, hát to và dõng dạc đến át cả tiếng nhạc ở kỳ World Cup trên đất Pháp đã trở thành biểu tượng cho tinh thần chiến đấu và lối chơi rực lửa của các cầu thủ đến từ “đất nước hình trái ớt”.

World Cup 2010, giây phút tiền đạo đội tuyển Triều Tiên Jong Tae Se khóc nức nở như đứa trẻ trong lễ chào cờ trở thành một trong những hình ảnh cảm động và đáng nhớ nhất. Hình ảnh đó lan tỏa niềm tự hào dân tộc, tình yêu Tổ quốc mãnh liệt và dạt dào trong huyết quản.

Trận khai mạc World Cup 2014 ở “Vương quốc bóng đá” thu hút hơn 1 tỷ người xem truyền hình. Và, ấn tượng lớn nhất đọng lại chính là màn hát quốc ca vang dội của cầu thủ và hàng vạn khán giả chủ nhà Brazil có mặt trên khán đài. Ngay cả khi tiếng nhạc đã ngừng, họ vẫn say sưa hát, tay vẫn không rời ngực trái.

Đẹp biết bao khi mỗi lần các đội tuyển bóng đá Việt Nam xung trận, trong khi các tuyển thủ áp chặt tay trái lên lá cờ đỏ sao vàng in trên ngực trái, thì trên khắp khán đài, âm điệu trầm hùng mà mãnh liệt của “Tiến quân ca” lại dội lên từ lồng ngực của hàng ngàn, hàng vạn người.

Đó là lúc bóng đá vượt qua ranh giới của một môn thể thao để dõng dạc cất lên tuyên ngôn về tình yêu Tổ quốc thiêng liêng, về ý chí và khát vọng của dân tộc.

Tháng 9-2020, Hội đồng Đội Trung ương tổ chức cuộc thi Video clip thiếu nhi các dân tộc hát Quốc ca tại các địa chỉ đỏ “Em yêu Tổ quốc Việt Nam”.

Cuộc thi nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng từ các cấp bộ đoàn, hội đồng đội các tỉnh, thành phố trong cả nước và triển khai đến cấp cơ sở, nhất là ở các trường học.

Đến ngày 9-3 (trước trao giải 6 ngày), cùng với thanh niên, thiếu nhi cả nước, Thanh Hóa có 11 video clip dự thi đến từ các trường học cấp tiểu học và THCS. Các clip được dàn dựng mộc mạc, song chất chứa tình cảm, tâm huyết và trách nhiệm của từng đoàn viên, đội viên. Quốc ca cất lên trên Chiến khu Ngọc Trạo, bên Thành Nhà Hồ, lướt bay trên dòng sông Mã trĩu nặng phù sa của lịch sử, văn hóa ngàn năm; quốc ca làm sống dậy hào khí Lam Sơn trên từng tàng cây, tượng đá Lam Kinh; quốc ca khi vấn vít cùng mây ngàn, khi dạt dào cùng sóng biển quê hương, khi thênh thang trên đại lộ... Các em cất lên lời ca mộc mạc để phổ thêm cho quốc ca sự hồn nhiên, trong trẻo mà tha thiết; các em hát cho cả quá khứ, hiện tại và tương lai.

Nghe các em hát, để lắng lòng mình trong những xúc cảm thủa học sinh. Cái thời tiếng nhạc phát ra còn rè, khi lục cục như gà mổ, lúc rít lên như còi báo động. Thế nhưng cả sân trường say mê hát, đua nhau cất cao giọng. Để rồi, điệp khúc của quốc ca rót cả vào giấc ngủ, lâng lâng như ngày đầu tiên trở thành đội viên - được khoác trên vai chiếc khăn quàng đỏ...

Bây giờ đã là một đảng viên, cán bộ, được tham dự nhiều những sự kiện có tổ chức nghi thức chào cờ. Vẫn có luồng điện chạy dọc sống lưng mỗi lần tiếng nhạc của “Tiến quân ca” vang lên. Thế nhưng, cũng như những người bên cạnh, lời “Tiến quân ca” nén lại trong lồng ngực.

Các cấp bộ đoàn trong tỉnh từng yêu cầu đoàn viên, thanh niên phải hát quốc ca trong các sự kiện có nghi thức chào cờ. Thế nhưng, dù có sự chuẩn bị từ trước, song quốc ca vẫn cất lên một cách rời rạc và có phần... gượng gạo, có chăng chỉ mạnh mẽ giọng hát từ những người được phân công cầm micro. Nhiều cơ sở đoàn, trong đó có cả các cơ sở đoàn thuộc khối Đảng - Đoàn thể - Nội chính cũng... “quên” dần yêu cầu này.

Có một thực tế là, hát quốc ca - nghi thức thiêng liêng của mỗi quốc gia, dân tộc đã và đang được thực hành một cách thiếu chuẩn mực ở không ít cơ quan, đơn vị. Những bản ghi âm để phát lại đã làm thay cho nghĩa vụ và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và mỗi công dân trong việc thực hiện nghi thức hát quốc ca. Chưa kể, đó còn là việc “hát nhép” hoặc “thều thào” quốc ca. Thậm chí, không ít học sinh không thuộc quốc ca, cán bộ hát sai lời, sai nhạc.

Niềm tự hào đồng thời là trách nhiệm và nghĩa vụ thiêng liêng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, có lẽ trước hết phải từ việc hát quốc ca bằng cả bầu nhiệt huyết.

Năm 2019, Website cracked.com (trang tin của Mỹ chuyên thực hiện những thống kê thú vị về lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, xã hội,... trên thế giới với hàng triệu lượt độc giả mỗi ngày) đưa tin, sau khi lấy ý kiến của người đọc, quốc ca Việt Nam - bài “Tiến quân ca” của nhạc sĩ Văn Cao, đã xếp thứ nhất trong số các bài quốc ca hào hùng nhất thế giới. Cụ thể, độc giả đã bình chọn 6 bài quốc ca hào hùng nhất:

  1. Tiến quân ca (Việt Nam)

  2. La Marseillaise (Pháp)

  3. Independence March (Thổ Nhĩ Kỳ)

  4. Himnusz (Hungary)

  5. Il Canto degli Italiani (Ý)

  6. Qasaman (Algeria)

Nguyên Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]