(vhds.baothanhhoa.vn) - Mới đây, đội bóng Hà Nội FC đã khiến cả làng cầu quốc nội sửng sốt khi bổ nhiệm một chuyên gia nước ngoài là ông Kim Tae-ho (người Hàn Quốc) vào ghế “Phân tích thi đấu”, một vị trí vô cùng lạ lẫm ở giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V.League). Theo sự phân công và kỳ vọng, ông Kim Tae-ho sẽ giúp huấn luyện viên (HLV) trưởng Park Choong-kyun nghiên cứu kỹ đối thủ để có sự lựa chọn đúng đắn nhất về nhân sự, đấu pháp.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vị trí của những nhà khoa học trong đội bóng

Mới đây, đội bóng Hà Nội FC đã khiến cả làng cầu quốc nội sửng sốt khi bổ nhiệm một chuyên gia nước ngoài là ông Kim Tae-ho (người Hàn Quốc) vào ghế “Phân tích thi đấu”, một vị trí vô cùng lạ lẫm ở giải bóng đá chuyên nghiệp vô địch quốc gia (V.League). Theo sự phân công và kỳ vọng, ông Kim Tae-ho sẽ giúp huấn luyện viên (HLV) trưởng Park Choong-kyun nghiên cứu kỹ đối thủ để có sự lựa chọn đúng đắn nhất về nhân sự, đấu pháp.

Cần phải nói ngay rằng, vị trí “Phân tích thi đấu” nghe tên còn chưa quen ở V.League nhưng không hề xa lạ đối với các nền bóng đá hàng đầu châu lục như Hàn Quốc, Nhật Bản. Chẳng thế mà ngày còn hành nghề ở dải đất hình chữ S, cựu HLV trưởng đội tuyển quốc gia Toshiya Miura (Nhật Bản) từng chỉ ra điểm yếu “chết người” của bóng đá Việt Nam là thường xuyên “mù thông tin” về đối thủ, đặc biệt là những đội bóng mà chúng ta chưa từng đưa vào “bộ nhớ” như Afghanistan, Kyrgyzstan... “Điều quan trọng và cơ bản nhất là phải biết điểm mạnh của đối phương để đưa ra chiến thuật hợp lý từ những phân tích đó. Nhưng các bạn không có quy trình này. Trước bất kỳ đối thủ nào, đội tuyển Việt Nam cũng nhập cuộc với duy nhất một chiến thuật và thường xuyên thất bại”, HLV Miura nhấn mạnh.

Đáng nói hơn, vị trí chuyên trách mang dáng dấp của những khoa học gia này từng hiện diện ở sân chơi quốc nội gần hai thập niên trước. Trong số các trợ lý của HLV Calisto tại Tiger Cup 2002 (giải đấu tiền thân của AFF Suzuki Cup ngày nay), ông thầy người Bồ Đào Nha đã lựa chọn và giao hẳn cho vị cố vấn người Đức Rainer việc chuyên... quay phim, ghi hình đối phương, đặc biệt chú trọng vào chiến thuật, sở trường của những cầu thủ thuộc hàng “sao số”.

Nói cách khác, việc xuất hiện một chuyên gia phân tích đối thủ là điều vô cùng cần thiết trong thời buổi nhiều nơi, nhiều nước đã khoa học hóa việc đào tạo, huấn luyện thể thao. Sẽ chẳng có gì ngạc nhiên nếu một mai, các CLB bóng đá chuyên nghiệp ở ta, nhất là đội tuyển quốc gia sẽ học hỏi và đi theo con đường mà Hà Nội FC đã lựa chọn: Bổ sung, dành vị trí xứng đáng trong ban huấn luyện cho người “Phân tích trận đấu”.

Tuy nhiên, cũng cần phải nói thêm là nếu so sánh mô hình, cơ cấu tổ chức các CLB, đội tuyển bóng đá ở ta với các nền bóng đá hàng đầu châu lục thì chúng ta vẫn trong tình trạng vừa thừa, vừa thiếu. Tức là thiếu những vị trí vô cùng cần thiết trong khi lại thừa các cá nhân, ban bệ chẳng giống ai mà người ta hay lấy lý do “đặc thù”, “cơ chế”... để biện minh.

Cách đây đúng 10 năm, chúng ta từng chứng kiến sự xuất hiện, tồn tại của “Ban chống xuống hạng” ở đội bóng đất Cảng. Ban này được thành lập sau vòng 22 V.League 2011 cùng nguy cơ xuống hạng rõ hơn bao giờ hết của đội chủ sân Lạch Tray. Trong tình thế hiểm nghèo đó, người ta đã gấp rút thành lập “Ban chống xuống hạng” với kinh phí hoạt động lên tới 10 tỷ đồng (cao gấp hơn 3 lần phần thưởng dành cho đội đạt chức vô địch). Chẳng biết cách thức vận hành của ban này ra sao nhưng ở các trận đấu áp chót, CLB Hải Phòng đã thoát hiểm ngoạn mục khi có 2 chiến thắng liên tiếp. Điều đáng nói là, ở cả 2 trận đấu này, các ông “vua sân cỏ” đều bị nhận định: Họ “có vấn đề” về tư tưởng.

Ở một diễn biến khác, trước thời điểm Đoàn Thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 29 (năm 2017), Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn được “chọn mặt gửi vàng” làm người “đứng mũi chịu sào”. Ấy thế nhưng, có tới 10 phó trưởng đoàn giúp việc cho vị trưởng đoàn này. Một con số vô cùng ấn tượng về sự hùng hậu.

Thông tin có 10 phó trưởng đoàn xuất hiện trên truyền thông ngay lập tức gây bức xúc dư luận. Người hâm mộ không thể đồng tình với thực trạng “nhìn đâu cũng thấy lãnh đạo” của đoàn thể thao nước nhà. Cực chẳng đã, bản danh sách tai tiếng kia buộc phải “cơ cấu lại” với chỉ 2 phó trưởng đoàn- 8 người được “hạ cấp” xuống thành... cán bộ.

Thực tế trên cho thấy, khi bổ nhiệm một (vài) cá nhân cùng những “chiếc ghế”, người ta phải chứng minh được sự hợp lý, cần thiết, đặc biệt là tính hiệu quả. Đó mới là mấu chốt của vấn đề!

THANH HÀ



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]