Thêm lựa chọn cho du khách khi đến Hoằng Hóa
Nằm trên địa bàn xã Hoằng Phụ (Hoằng Hóa), nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia đã, đang là điểm đến hấp dẫn du khách. Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trải nghiệm thực tế nghề làm mắm truyền thống, nơi đây còn mang đến những không gian xanh, đáp ứng nhu cầu check-in, mua sắm thú vị.
Du khách hào hứng khi được trực tiếp tham quan, tìm hiểu quy trình sản xuất tại nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia.
Cách Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến gần 3km, nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia được đưa vào khai thác, phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm từ đầu tháng 6/2024. Các sản phẩm về mắm, nước mắm thương hiệu “Lê Gia” đã không còn xa lạ với người tiêu dùng trong cả nước, song với việc đưa vào khai thác điểm đến trải nghiệm nghề truyền thống này chắc hẳn sẽ tạo nên sự tò mò với đông đảo du khách. Điểm đến sở hữu không gian xanh mát, với nhiều phân khu gồm: khu vực sản xuất, trưng bày sản phẩm, không gian xanh, nghề truyền thống, vui chơi cho trẻ em, check-in... Và điểm nhấn tạo nên sức hút của nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia chính là những thùng gỗ ủ mắm khổng lồ, cùng với những thông tin thực tế, thú vị về nghề mắm truyền thống được trang trí ở các phân khu một cách bắt mắt, hấp dẫn.
Cho đến nay, nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia là mô hình du lịch trải nghiệm nghề truyền thống khép kín đầu tiên tại Thanh Hóa, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu tham quan - trải nghiệm - mua sắm - vui chơi, giải trí. Tương tự như các nhà thùng mắm nổi tiếng tại Phú Quốc, du khách khi đến đây sẽ được trực tiếp trải nghiệm, tìm hiểu quy trình và bí quyết của những nghệ nhân làm mắm để cho ra những “giọt mật của biển” - nước mắm màu hổ phách, sóng sánh, đậm đà nhỉ ra từ những thùng gỗ khổng lồ. Sau đó, du khách di chuyển đến khu vực tìm hiểu và thưởng thức những sản phẩm mắm truyền thống trứ danh như: mắm tép, mắm tôm, mắm nêm, mắm kho quẹt, mắm ruốc... Đặc biệt, để du khách cảm nhận rõ hơn vị thơm ngon, đậm đà của các sản phẩm mắm truyền thống, tại đây còn phục vụ các món “quà quê” ăn kèm với mắm như: sung, khế, ổi, cóc, bánh tráng... hoàn toàn miễn phí.
Ngoài ra, du khách khi đến đây còn có cơ hội tham gia trò chơi “Đố vui - có thưởng” về nghề truyền thống; được các nghệ nhân làng nghề chia sẻ các công thức pha nước mắm phù hợp với từng loại món ăn; trải nghiệm đánh bắt hải sản tại cánh đồng nuôi trồng thủy sản Lê Gia... Thông qua các sản phẩm và những trải nghiệm du lịch, nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia mong muốn mang tới cho du khách một hình ảnh du lịch Thanh Hóa trù phú, an lành và văn minh.
Du khách Vũ Ngọc Khánh Vy (Hà Nội) cho biết: “Chúng tôi rất ấn tượng với các hoạt động trải nghiệm tại nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia. Rất nhiều thành viên trong đoàn đã biết đến và sử dụng các sản phẩm mắm truyền thống Lê Gia, song đây là lần đầu tiên chúng tôi được trực tiếp tham quan quy trình sản xuất, tìm hiểu về nghề truyền thống của người dân địa phương. Ở đây ngoài các không gian tìm hiểu nghề làm mắm truyền thống còn có khu vui chơi cho trẻ em sạch đẹp, thoáng mát. Và ấn tượng hơn cả đó là sự đón tiếp nồng hậu, chân thành, chuyên nghiệp tại điểm đến”.
Được biết, thời gian tới, nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia sẽ phát triển thêm một số không gian trải nghiệm văn hóa, ẩm thực đặc sản phục vụ du khách. Cùng với đó, đẩy mạnh quảng bá, kết nối với các doanh nghiệp lữ hành trong việc khảo sát, đánh giá chất lượng sản phẩm và tư vấn hoàn thiện điểm đến. Qua đó bắt kịp xu hướng phát triển du lịch trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Ông Lê Anh, Giám đốc điều hành Nhà thùng mắm truyền thống Lê Gia nhấn mạnh: “Mong muốn lớn nhất của Lê Gia khi xây dựng điểm đến này đó là giữ gìn văn hóa bản địa bằng cách làm du lịch trải nghiệm chân thành và tử tế. Chính vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng để đây không chỉ là nhà máy sản xuất thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường khó tính bậc nhất, mà còn là nơi cung cấp những trải nghiệm thú vị, thông tin bổ ích về nghề truyền thống và những vẻ đẹp đậm chất làng quê Bắc bộ. Qua đó góp phần nhỏ bé, cộng hưởng cùng cộng đồng xung quanh phát triển du lịch xứ Thanh mang đậm bản sắc, chuyên nghiệp, văn minh”.
Bài và ảnh: Hoài Anh
{name} - {time}
-
2024-11-11 09:39:00
Huyện Cẩm Thủy có thêm 7 sản phẩm OCOP 3 sao
-
2024-11-08 14:47:00
Giữ nghề truyền thống mắm tép Yên Dương
-
2024-07-31 10:04:00
Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm dưa vàng
Hội thảo: “An ninh – an toàn thực phẩm hướng đến du lịch xanh bền vững, chuyển hướng từ nhận thức đến hành động”
Xây dựng giá trị thương hiệu sản phẩm để nâng cao vị thế trên thị trường
Doanh nhân xứ Thanh trong dòng chảy hội nhập: Nâng tầm sản vật truyền thống của cha ông
Xây dựng thương hiệu để gạo nếp xứ Thanh vươn xa
Phát triển giống lúa nếp đặc sản ở khu vực đồng bằng, miền núi thấp
Măng khô Nang Non - thức quà ngon của đại ngàn Quan Sơn
Dẻo thơm gạo nếp vùng biên
Quà tặng góp phần định vị thương hiệu du lịch xứ Thanh
Phát huy tài nguyên bản địa phát triển sản phẩm