Theo chồng “gieo chữ” nơi vùng cao
Vì lý do công việc, những người vợ đã theo chồng ngược lên huyện biên giới Mường Lát, và ít ai ngờ trong hành trình bất đắc dĩ ấy, họ đã trở thành giáo viên nơi vùng đất khó, “gieo” hy vọng cho các em nhỏ vùng cao.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền, giáo viên Trường Mầm non Trung Lý.
Thành cô giáo sau chuyến ngược biên thăm chồng
Chiều muộn, trong không gian yên bình của núi rừng biên giới, tôi gặp vợ chồng thầy Cầm Bá Can, giáo viên Trường Tiểu học Trung Lý 2 và cô Nguyễn Thị Thanh Hiền, giáo viên Trường Mầm non Trung Lý, xã Trung Lý. Sau một ngày dài lên lớp, hai vợ chồng lại trở về căn phòng nhỏ do nhà trường bố trí. Chỉ tay về phía chiếc giường được đặt ở góc phòng, ánh mắt cô Hiền đượm chút ưu tư: “Cơ sở vật chất ở đây khá đầy đủ, nhưng vẫn mong có một căn phòng riêng là nhà công vụ cho các thầy cô "cắm bản.”
Kể về hành trình hai vợ chồng gắn bó với giáo dục vùng biên, cô Hiền cho biết: Tháng 11/2013, khi thầy Can được tuyển dụng viên chức ngành giáo dục huyện Mường Lát, phân công giảng dạy tại Trường Tiểu học Tây Tiến, xã Mường Lý - nơi có điều kiện sinh hoạt khó khăn, đường sá vất vả. Trong một chuyến lên thăm chồng, thấy được sự vất vả, cô đã quyết định ở lại cùng thầy. Cô muốn đồng hành chia sẻ gian truân với anh.
Nhớ lại những ngày đầu sống ở vùng biên, cô Hiền chia sẻ: “Tôi đã bỡ ngỡ trước điều kiện khí hậu khắc nghiệt, văn hóa khác biệt của người dân nơi đây. Phải mất một thời gian dài, tôi mới dần thích nghi với cuộc sống. Khi đã quen, tôi mở một quầy tạp hóa nhỏ, trồng luống rau xanh, nuôi thêm vài con gà”...
Với thầy Can, trong một lần thấy vợ vui đùa với lũ trẻ trong bản, nhận thấy niềm đam mê trẻ thơ, thầy đã động viên vợ thi vào ngành sư phạm mầm non. Thuận ý chồng, năm 2014 cô Hiền nộp hồ sơ dự thi rồi trúng tuyển.
“Lúc ấy cũng chỉ thuận ý chồng chứ cũng không nghĩ mình thi đậu, trở thành giáo viên như bây giờ”, cô Hiền nói.
Cô Nguyễn Thị Thanh Hiền cùng các học sinh Trường Mầm non Trung Lý.
Sau khi tốt nghiệp năm 2018, cô nộp đơn và được nhận làm giáo viên hợp đồng tại điểm trường bản Lìn, Trường Mầm non Trung Lý. Để hai vợ chồng được gần nhau, thầy Can cũng làm đơn xin thuyên chuyển về dạy tại điểm trường bản Lìn, Trường Tiểu học Trung Lý 2 và được chấp thuận.
Bằng tất cả cố gắng, vượt qua bao khó khăn, thử thách, tháng 1/2023 cô Hiền chính thức được tuyển dụng viên chức ngành giáo dục huyện Mường Lát. Đây như một sự đền đáp xứng đáng cho lòng kiên trì và tâm huyết của hai vợ chồng giáo viên trẻ gắn bó nơi vùng biên đầy gian khó.
Người cứu hơn 200 học sinh khỏi sạt lở đất
Từ một người phụ nữ theo chồng ngược biên, chị Bùi Thị Châm (quê huyện Cẩm Thủy) đã trở thành giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý, xã Trung Lý. Người phụ nữ có nước da trắng, dáng mảnh khảnh, nụ cười duyên ấy khiến bao người cảm phục khi mới đây đã kịp thời giải cứu hơn 200 học sinh khỏi vụ sạt lở đất kinh hoàng.
Nhớ về giây phút sạt lở xảy ra, cô vẫn chưa thôi cảm giác rùng mình: “Hôm ấy (22/9) là lịch trực bán trú của tôi. Sau khi cùng các thầy, cô trong trường kiểm tra khu ký túc xá, thấy mọi thứ đều ổn, tôi về nhà nấu cơm. Đến 12h25 cùng ngày, ở Trung Lý mưa rất to. Dù đang ăn cơm cùng gia đình nhưng lòng bất an, lo cho học sinh ở ký túc xá, tôi quyết định bỏ bữa cơm, cầm ô đi lên trường xem xét tình hình. Đến cổng trường, tôi thấy cổng đã bị sạt lở. Nhìn lên trên quả đồi sau ký túc xá, đất đang sạt xuống từng mảng, tôi hoảng hốt chạy vào khu ký túc xá hô hoán cho học sinh chạy”.
Sau khi cô Châm gọi được hơn 200 học sinh đang ngủ trưa trong khu ký túc xá chạy đến vùng an toàn thì khoảng 10 phút sau, hàng trăm mét khối đất đá từ quả đồi phía sau đổ ập vào khu ký túc xá làm 3 phòng bị phá nát.
Cô Bùi Thị Châm nhận giấy khen của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện.
Kể về lý do gắn bó với huyện vùng biên, cô Châm cho biết: Năm 2013 cô tốt nghiệp chuyên ngành địa lý, Đại học Vinh. Ở quê nhà Cẩm Thủy cô làm việc ở công ty gần nhà. Năm 2021, chồng cô được điều động lên huyện Mường Lát công tác, cô theo chồng lên đây sinh sống. Cùng năm ấy, cô xin dạy hợp đồng tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Trung Lý.
Những ngày đầu đặt chân đến nơi này, cô sốc và khóc nhiều vì sự thiếu thốn, khó khăn chồng chất. Nhưng rồi, từng ngày làm việc và tiếp xúc với học trò nơi đây, cô dần yêu mảnh đất vùng biên này, bởi sự chân thật, tình cảm của người dân. “Nhìn con em đồng bào Mông vượt qua bao hủ tục, khó khăn để tìm đến cái chữ như thôi thúc tôi phải gắn bó hơn nữa”, cô bộc bạch.
Dù là giáo viên hợp đồng với mức lương ít ỏi, cô vẫn miệt mài “gieo” tri thức, thắp sáng ước mơ cho các em vùng cao Mường Lát. Trong gian khó nơi núi rừng biên giới, cô Châm đã gieo chữ, gieo cả niềm tin về một tương lai tươi sáng hơn cho những đứa trẻ nơi đây.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát Nguyễn Thị Thúy cho biết: Ngành giáo dục luôn tạo điều kiện cho những cặp thầy cô là vợ chồng được công tác giảng dạy gần nhau. Cô Hiền, cô Châm là hai trong nhiều trường hợp những người phụ nữ trở thành người “gieo chữ” theo cách ít ai nghĩ tới. Các cô không chỉ vượt qua khó khăn, cùng chồng “thắp” ánh sáng tri thức giữa đại ngàn Mường Lát, mà còn là minh chứng cho vẻ đẹp, đức hy sinh của người phụ nữ Việt Nam.
Bài và ảnh: Đình Giang
{name} - {time}
-
2024-11-21 16:29:00
Giải mã bí ẩn về vùng "tam giác tử thần” trên gương mặt mỗi người
-
2024-11-21 15:39:00
Nét đẹp nghề cói trên vùng đất Nga Sơn
-
2024-11-04 07:00:00
Bản tin Tài chính 4/11: Sau tuần chốt lỗ đậm, giá vàng liệu có biến động?
Thời tiết ngày 4/11: Thanh Hóa đón không khí lạnh tăng cường
“Hồn làng” trong bức tranh nông thôn mới
Hương lúa quê nhà
Hội thi “Thủ lĩnh tài năng" và Liên hoan các mô hình sáng tạo trong truyền thông
Đổi thay ở bản biên giới Xắng Hằng
Bản tin Tài chính 3/11: Giá vàng tuần tới được dự báo như thế nào?
Dự báo thời tiết ngày 3/11: Thanh Hóa sáng sớm có sương mù, ngày nắng
Lượm lặt chuyện ở Bệnh viện Ung bướu
Nhọc nhằn nghề chài lưới trên dòng Mã giang