(vhds.baothanhhoa.vn) - Điều mà Thi Thanh đã làm được trong 5 năm qua là đã tổ chức nhiều chương trình đậm chất văn hóa. Thi Thanh tao đàn - sân chơi văn học tự nguyện, tao nhã và thi vị.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thi Thanh tao đàn - ‘5 năm mới bấy nhiêu ngày...’

Điều mà Thi Thanh đã làm được trong 5 năm qua là đã tổ chức nhiều chương trình đậm chất văn hóa. Thi Thanh tao đàn - sân chơi văn học tự nguyện, tao nhã và thi vị.

Thi Thanh giục hồn thơ

Nhà thơ Mai Linh, con trai trưởng của nhà thơ Mai Ngọc Thanh thuở còn hưởng dương, luôn đau đáu nỗi niềm về quê cha đất tổ. Hễ cứ có chút thời gian rỗi là anh về quê, tắm mình trong rơm rạ đồng chiều, hít hà hương cỏ mật và cũng để tận hưởng hương vị quê của rau má, nem chua hay của cơm hến canh cà. Rồi tấu lên những bài thơ đồng vọng say hồn người. Một lần, nhà thơ Văn Đắc nhã ý mời dự ra mắt CLB Người yêu thơ xứ Thanh, anh chậm rãi nói: - Tên chi nghe mà dài lê thê vậy! và anh chợt thốt ra: - Phải đặt là Thi Thanh. Thi là thơ, Thanh là Thanh Hóa, thanh còn là trong là tiếng. Thanh Hóa thơ - Thơ Thanh Hóa. Đặt thế chất hình tượng nghe mới có âm nhạc, mới có hồn.

Ý kiến của anh nhanh chóng được mọi người tán thưởng. Ban Chủ nhiệm đồng ý mang tên mới. Sau này nhà thơ Văn Đắc có nói về sự đa nghĩa, đa tầng của Thi Thanh. Anh nói về lương duyên về tương phùng Thi Thanh với thú chơi tao nhà của văn sĩ, giai nhân xưa được nói tới trong Truyện Kiều: phép bói bằng Thi Thanh, loài cỏ thơm gọi là bói Cỏ thi. Sau này để rõ hơn tính tổ chức Thi Thanh còn gọi là Hội Thi Thanh và tên mới gần đây nhất là Thi Thanh tao đàn. Một cách học người xưa từ thời Lê của vua Lê Thánh Tông khi đức vua lập ra Hội Tao đàn và giữ vai trò Nguyên súy. Tên đặt ra đơn thuần chỉ để gọi, để định danh việc làm, rồi mai đây biết đâu có tên khác, nhưng điều muốn nói là tên Thi Thanh đã vang lên và vang xa, có chỗ đứng trong lòng người yêu thơ xứ Thanh và bạn đọc xa gần.

“5 năm mới bấy nhiêu ngày”

Thành lập tháng 5/2012 từ ý tưởng của nhà thơ Văn Đắc và sự cộng hưởng của nhà thơ Trần Tất Tiến, Trương Vạn Thành, Hoàng Quốc Cảnh, Lê Vạn Quỳnh, Câu lạc bộ Người yêu thơ xứ Thanh ra đời, nhà thơ Văn Đắc - Hội viênHội Nhà văn Việt Nam được tiến cử làm chủ nhiệm, các nhà thơ Trần Tất Tiến và Trương Vạn Thành là Phó chủ nhiệm. Đến nay Thi Thanh tao đàn đã tương đối ổn định, số hội viên đông hơn, đa dạng hơn và đã mở rộng ra nhiều huyện, trở thành sân chơi trí tuệ mà tao nhã, quy tụ được lực lượng sáng tác và những người nặng lòng đam mê thi ca, hé mở mùa quả ngọt trái sai. Thi Thanh đã ra được 11 số với hình thức đẹp và chất lượng có vóc dáng đáng kể. Nhiều tác giả tham gia Thi Thanh đã giữ được niềm yêu say, lớp trẻ như cháy lên niềm đam mê sáng tạo thi ca, để mạnh dạn công bố thêm nhiều tác phẩm. Thi Thanh thực sự đã tạo nên môi trường kích thích sáng tạo văn chương, tiếp thêm lửa sáng tạo và sinh khí mới cho chính họ.

Nhà thơ Trương Vạn Thành (đứng giữa) - Phó Chủ tịch Thi Thanh tại lễ ra mắt tác phẩm “Gió thổi ngang chiều”.

Nhà thơ Trương Vạn Thành cho biết: “Từ buổi ban đầu mới có vài hội viên có thơ đăng trên báo tạp chí chuyên ngành văn học, sau 5 năm đã có đến 2/3 số hội viên có bài được đăng trên các tờ báo Trung ương và địa phương. Nhiều chân dung và tác phẩm của Thi Thanh được giới thiệu trên Đài Phát thanh và Truyền hình Thanh Hóa. Nhiều hội viên xuất bản tập thơ, tập truyện. Có tác giả trong vòng 5 năm xuất bản tới 4 đầu sách. Đã có thêm 4 hội viên của Thi Thanh được kết nạp là hội viên Hội VHNT Thanh Hóa”.

Điều mà Thi Thanh đã làm được trong 5 năm qua là đã tổ chức nhiều chương trình đậm chất văn hóa. Thi Thanh tao đàn - sân chơi văn học tự nguyện, tao nhã và thi vị. Đội ngũ sáng tác này, từ đây được nâng cao hơn về tính tư tưởng, hiểu biết thành thạo kỹ năng nghề nghiệp, cách lập tứ, chuốt câu, hiệp vần, cho đến sự bứt phá sáng tạo, cách tân thơ. Một số hội viên tâm huyết có ý thức dấn thân cho văn học và hé lộ nhiều triển vọng. Thi Thanh đã tổ chức nhiều chuyến đi thực tế ở các huyện đưa nhà thơ và thơ về với cuộc sống thường ngày, góp mặt ngân lên giai điệu ngày thường. Thi Thanh cũng đã tập trung giới thiệu đậm đặc các vùng văn học xứ Thanh như: vùng đất Quảng Chính huyện Quảng Xương - một xã có tới 5 hội viện Hội Nhà văn Việt Nam là: Hồ Dzếnh, Đái Đức Tuấn, Mai Ngọc Thanh, Mai Linh, Trần Hiệp, vùng đất Nga Sơn với tên tuổi Hữu Loan, Lã Hoan, Nguyễn Xuân Thanh… Thi Thanh đã tổ chức được nhiều buổi nói chuyện thơ, đọc thơ, tọa đàm thơ, nhiều cuộc chuyện trò trao đổi luận đàm văn chương. Có hai buổi gặp gỡ gây ấn tượng là buổi gặp gỡ nhà thơ Nguyễn Duy và nhà thơ Hữu Thỉnh. Nhiều cuộc ra mắt sách của Thi Thanh đều thu hút đông người tham gia. Nhất là buổi ra mắt tập thơ: Thơ viết trong đêm tình yêu của nhà thơ Trương Vạn Thành đã để lại dấu ấn sâu đậm từ hình thức quy cách tổ chức đến chất lượng thể hiện, thực sự công phu và giàu tính nghệ thuật.

Với đủ thế hệ, nhất là có một thế hệ trẻ đang sung sức, được cổ vũ thường xuyên của lớp đàn anh trong tổ chức, lại thêm Ban Chủ nhiệm Thi Thanh giàu kinh nghiệm và năng động, linh hoạt luôn đưa thơ vận hành trong dòng chảy đời sống văn học xứ Thanh nên hẳn Thi Thanh sẽ có hướng đi sáng đẹp.

Nguyễn Hữu Ngôn


Nguyễn Hữu Ngôn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]