(vhds.baothanhhoa.vn) - Vất vả quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người nông dân chỉ mong có được những mùa vàng bội thu. Nhưng khi được mùa, họ luôn trong tâm trạng mừng, lo đan xen: Liệu được mùa, được giá hay được mùa lại mất giá?

Buồn vui được mùa

Vất vả quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, người nông dân chỉ mong có được những mùa vàng bội thu. Nhưng khi được mùa, họ luôn trong tâm trạng mừng, lo đan xen: Liệu được mùa, được giá hay được mùa lại mất giá?

Buồn vui được mùa

Nông dân thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) chăm sóc rau màu. Ảnh: Lê Hòa

Đến xã Hoằng Lưu (Hoằng Hóa), chúng tôi như được hòa vào niềm vui được mùa, được giá của những người nông dân nơi đây. Chị Lường Thị Hoa, thôn Phượng Ngô 1, phấn khởi cho biết: Vụ đông xuân này, gia đình chị trồng 2 sào khoai tây, sau 3 tháng thu hoạch, cho sản lượng trên 4 tấn, bán cho doanh nghiệp tại ruộng, thu về khoảng 35 triệu đồng. Cầm số tiền lớn, chị phấn khởi lắm. Bởi vì, chưa có năm nào, khoai tây lại được mùa, được giá như năm nay.

Không riêng gì chị Hoa, hàng ngàn hộ dân ở xã Hoằng Lưu tham gia trồng khoai tây đều có chung tâm trạng vui mừng, phấn khởi khi vụ đông xuân năm nay, năng suất khoai đạt kỷ lục, được công ty thu mua tại ruộng với giá cao. Ông Lê Ngọc Hạnh, Chủ tịch UBND xã Hoằng Lưu, cho biết: Vụ đông xuân năm nay, Hoằng Lưu hợp đồng với Công ty Xuân Minh (đóng trên địa bàn xã) trồng, bao tiêu sản phẩm cho 21 ha khoai tây, giống Actrect, tập trung ở 4 thôn: Phượng Ngô 1, Phượng Ngô 2; Nghĩa Lập và Phượng Khê. Sau 3 tháng, khoai cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt 1,6 – 1,7 tấn/sào. Cá biệt, có hộ gia đình ông bà Lê Văn Hải - Lường Thị Hoa, thôn Phượng Ngô 1, đạt năng suất kỷ lục, trên 2,1 tấn/sào, được Công ty Xuân Minh mua tại ruộng với các mức 8.500 đồng/kg (loại 1), 6.000 đồng/kg (loại 2). Với giá bán như trên, 1 sào khoai tây, bà con thu về từ 11 - 12 triệu đồng/sào. Ngoài khoai tây, các loại cây màu khác như cà rốt, bí đỏ, bí xanh và bắp cải cũng được doanh nghiệp hợp đồng, bao tiêu sản phẩm. Chính vì có sự liên kết giữa doanh nghiệp, chính quyền và người dân nên mặc dù bắp cải năm nay giá xuống thấp nhưng công ty thu mua cho người dân với giá 2,5 nghìn đồng/cái, tránh được tình trạng phải nhổ bỏ như một số địa phương khác.

Nếu như người dân xã Hoằng Lưu mừng vì khoai tây được mùa, được giá và được công ty thu mua, trả tiền ngay tại ruộng, người dân xã Hoằng Hợp lại lo rau được mùa nhưng không bán được. Ông Nguyễn Văn Hạnh, thôn Quý Thọ (Hoằng Hợp) vừa phá bỏ 2 sào rau cách đây ít ngày, cho biết: “Vụ đông xuân này, gia đình tôi trồng 1 sào bắp cải, 1 sào su hào. Năm nay thời tiết thuận lợi, cây rau phát triển tốt, lại không bị sâu bệnh. Tưởng rằng giá bán như mọi năm, gia đình sẽ có nguồn thu từ 6 - 8 triệu đồng, nào ngờ giá rau xuống thấp quá, lại không bán được, nên lỗ 2 triệu đồng. Hơn 60 năm gắn bó với nghề nông, tôi thấy chưa có năm nào, giá bán các loại rau sau tết lại rẻ và ít người mua như năm nay. Giá bán tại chợ, 1 củ su hào (nặng trên 1 kg) được 500 đồng; 1 cái bắp cải (2,5 kg) giá 1 nghìn đồng và ngồi cả buổi chỉ bán được 20 nghìn đồng nên tôi quyết định nhổ bỏ. Nhổ 2 sào rau bỏ đi, tôi rất xót xa, nhưng nếu không nhổ bỏ, sẽ ảnh hưởng đến lịch gieo trồng rau màu vụ xuân hè”. Ngoài gia đình ông Hạnh, còn hàng chục hộ gia đình khác trong thôn Quý Thọ cũng phải ngậm ngùi nhổ bỏ rau màu vì không bán được.

Về tình trạng này, Chủ tịch UBND xã Hoằng Hợp, ông Tào Văn Quang, cho biết: Rau được mùa, rớt giá là chuyện bình thường đối với xã Hoằng Hợp - địa phương chuyên màu của huyện Hoằng Hóa với diện tích 70 ha. Tuy nhiên, số hộ phải nhổ bỏ rau, diện tích không nhiều và tập trung chủ yếu ở thôn Quý Thọ. Giá rau xuống thấp, chỉ xảy ra trong một thời gian ngắn, nay giá đang tăng dần trở lại. Hiện 1 cây bắp cải đang được thương lái mua 1,5 - 2 nghìn đồng (tăng 500 – 1.000 đồng so với 10 ngày trước đó). Vì vậy, để tránh xảy ra như tình trạng vừa qua, xã đã khuyến cáo bà con trồng rải vụ, không trồng tập trung một vụ, 1 sản phẩm, và đã có một số hộ dân nhạy bén áp dụng nên tránh được tình trạng giá rau xuống thấp khi được mùa. Tuy nhiên, cái khó nhất của Hoằng Hợp hiện nay đó là chưa tìm và liên kết được doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm ổn định, lâu dài cho bà con.

Thị trấn Thiệu Hóa là vùng chuyên màu lớn của huyện Thiệu Hóa với diện tích 68 ha rau màu các loại trong vụ đông xuân. Trong đó vùng rau quanh năm có 16,5 ha trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, 3 ha trồng trong nhà màng, nhà lưới. Bà Vũ Thị Hiền, Tiểu khu 6, thị trấn Thiệu Hóa, cho biết: Gia đình bà có 7 sào rau màu các loại trồng theo tiêu chuẩn VietGAP với các loại bắp cải, su hào, cà chua, dưa baby... Năm nay, thời tiết thuận lợi, rau màu phát triển tốt hy vọng sẽ có khoản thu nhập khá từ 7 sào rau, nhưng đến kỳ thu hoạch, bà không thấy thương lái về ruộng mua rau như mọi khi. Lo rau bị ế, bà rốt ráo đến nhiều nơi tìm, liên hệ các điểm bán lẻ, rồi đem rau đến nhập cho họ với giá thấp hơn 2- 3 lần so với các lứa rau trước. Giá rau xuống thấp nên trừ chi phí giống, phân bón, công chăm sóc 7 sào rau trong suốt hơn 2 tháng bà không có lãi. Qua vụ rau này, bà Hiền mong muốn có doanh nghiệp đứng ra làm đầu mối tiêu thụ sản phẩm cho bà con.

Gần đây tình trạng rau màu được mùa, rớt giá dịp sau Tết Nguyên đán Tân Sửu còn xảy ra ở nhiều vùng chuyên canh màu trên địa bàn tỉnh như: Hậu Lộc, Thọ Xuân, Quảng Xương, Yên Định... Để tránh tình trạng này, ông Trịnh Văn Chất, Trưởng phòng Trồng trọt (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cùng đại diện lãnh đạo 2 phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thiệu Hóa và Hoằng Hóa đều chung quan điểm: Ngoài vai trò của người dân trong việc tuân thủ lịch sản xuất gieo trồng, điều quan trọng và mấu chốt để giải quyết bài toán “được mùa, mất giá” đó là phải có sự liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Để làm được điều đó, chính quyền các xã cần quy hoạch thành vùng sản xuất, tuân thủ khuyến cáo trồng rải vụ, tránh tình trạng sản xuất ồ ạt, không theo định hướng chung của huyện, của tỉnh. Bên cạnh đó, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao vào gieo trồng. Đồng thời, tích cực tìm kiếm, kêu gọi liên kết giữa các hộ với các hộ; giữa các hộ với hợp tác xã và giữa các hộ với doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm. Nếu người dân, chính quyền địa phương làm tốt được điều đó, chuyện nông dân được mùa sẽ là niềm vui chứ không phải là nỗi buồn “được mùa, rớt giá” như lâu nay.

Minh Xuyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]