(vhds.baothanhhoa.vn) - Trong chuyến đi cùng với 13 cựu chiến binh Đoàn tàu không số tỉnh Thanh Hóa do Trung tá Vũ Trung Tính làm Trưởng đoàn thăm lại đồng đội vào những ngày đầu tháng 4-2022 này, chúng tôi càng hiểu rằng những năm tháng chiến đấu là niềm tự hào với những người lính. Không chỉ chiến đấu quả cảm nơi chiến trường, họ còn là những cựu chiến binh tuổi cao gương sáng.

Cuộc hội ngộ của những người lính

Trong chuyến đi cùng với 13 cựu chiến binh Đoàn tàu không số tỉnh Thanh Hóa do Trung tá Vũ Trung Tính làm Trưởng đoàn thăm lại đồng đội vào những ngày đầu tháng 4-2022 này, chúng tôi càng hiểu rằng những năm tháng chiến đấu là niềm tự hào với những người lính. Không chỉ chiến đấu quả cảm nơi chiến trường, họ còn là những cựu chiến binh tuổi cao gương sáng.

Cuộc hội ngộ của những người lính

Trung tá Vũ Trung Tính (người ngồi giữa) cùng các đồng đội xem lại những kỷ niệm.

Tin liên quan:
  • Cuộc hội ngộ của những người lính
    Dấu ấn một đoàn tàu và hành trình mở đường trên biển

    61 năm trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ bước vào giai đoạn ác liệt, con đường chi viện trên bộ chưa thể đáp ứng nhu cầu phục vụ chiến trường miền Nam, những chuyến tàu bí mật vượt sóng biển Đông, qua sự ngăn chặn, kiểm soát ngặt nghèo của quân thù, đã tiếp tế vũ khí, khí tài, lực lượng cho đồng bào, chiến sĩ miền Nam. Trên Đoàn tàu không số ấy có không ít người con xứ Thanh đã tham gia, chiến đấu và hy sinh.

Nguyên tắc đầu tiên đối với Đoàn tàu không số là tuyệt đối bí mật. Chính vì thế, đến năm 2001 kỷ niệm 40 năm thành lập Đoàn tàu không số tại Lữ đoàn 125, giới truyền thông mới biết rõ về thành tích những con tàu bí ẩn này, về những chiến sĩ gan góc, can trường trên những con tàu, các bến bãi không số. Và phải đến năm 2008, Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển chính thức ra mắt, có tổ chức và hoạt động bài bản. Người đóng vai trò kết nối các thành viên của Đoàn tàu không số vào ban liên lạc là ông Phan Thắng (hay còn gọi là Nguyễn Phúc Vĩnh Mẫn). Suốt chặng đường từ Thanh Hóa vào Thừa Thiên Huế, các thành viên trong đoàn nhắc nhiều đến ông - người được coi là “điều lạ kỳ” ở Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125, bởi ông là hoàng thân triều Nguyễn, lại được giao nhiệm vụ quan trọng ở đơn vị đặc biệt tối mật: Trưởng ban Tuyên huấn Đoàn tàu không số. Có thể nói, trong thành công của những chuyến tàu không số đều có sự góp sức của ông Trưởng ban Tuyên huấn. Ông nổi tiếng với trí nhớ tốt và tài nói chuyện hấp dẫn. Dù đã ở vào tuổi 91, sức khỏe đã kém, tim đặt 3 stent, nhưng khi gặp lại các đồng đội năm xưa của mình, ông vẫn nói: “Quên gì thì quên, Đoàn tàu không số thì không”. Bởi thế mà hàng ngày ông đọc báo và cắt những tin tức, bài vở về đồng chí, của hội, làm thành những cuốn album dày, rồi giở ra đọc lại, ngắm nghía và mỉm cười...

Đến thôn Yên Cư, xã Quang Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi dừng lại thăm Đại tá Nguyễn Hữu Tuần (SN 1932), Trưởng Ban Tác chiến và huấn luyện của Đoàn tàu không số. 29 tuổi, ông được giao nhiệm vụ quyết định sự thành, bại của những chuyến vận chuyển vũ khí vào chi viện cho chiến trường miền Nam. Cụ thể là lên kế hoạch từ khâu hành trình, giao hàng đến tác chiến, chiến đấu cho những cuộc hành trình của Đoàn tàu không số.

Với giọng nói khỏe khoắn, ánh mắt sáng, Đại tá Nguyễn Hữu Tuần kể với chúng tôi về những chuyến đi của Đoàn tàu không số đến 19 bến ở 9 tỉnh của Việt Nam. “Để mỗi chuyến tàu xuất bến phải lo đủ thứ, nhưng quan trọng nhất là lo về con người. Đó phải là những chiến sĩ tuyệt đối trung thành, sẵn sàng chấp nhận hy sinh, bên cạnh đó là phải có kinh nghiệm đi biển, đặc biệt phải thông thuộc địa hình. Vì vậy thuyền trưởng của những con tàu không số phần lớn là những người con kiên cường của miền Nam tập kết ra Bắc”.

Năm 1988 trở về quê hương, ông Nguyễn Hữu Tuần được đồng đội tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã hai nhiệm kỳ, sau đó là Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã. Dù tuổi đã cao nhưng ông tiếp tục cống hiến sức mình, giáo dục thế hệ trẻ viết tiếp trang sử truyền thống của cha ông.

Với trách nhiệm của một người nắm giữ nhiều thông tin, tư liệu về lịch sử, Đại tá Nguyễn Hữu Tuần đã gắng sức hoàn thành cuốn hồi ký “Hành trình người lính đến tàu không số” và tự bỏ gần 3 tháng lương để in ấn, coi đó như lời tri ân đồng đội, đồng chí đã ngã xuống vì độc lập của Tổ quốc. Gần đây nhất ông cũng vừa in tập “Nguyễn Hữu Tuần, thơ và đời” vừa để vui với tuổi 90 của mình cũng để nhắc ông không quên những người đồng đội cũ.

Trung tá Vũ Trung Tính (phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn) - người trực tiếp tham gia 18 chuyến đi trên 3 con tàu của Đoàn 125 là 42, 154 và 525 trong 7 năm từ tháng 4-1964 đến tháng 4-1971. Trong đó có 17 chuyến chở vũ khí đạn dược từ miền Bắc vào chiến trường miền Nam; 1 chuyến trinh sát dài ngày, từ Vịnh Bắc Bộ đến Đông Nam Vịnh Thái Lan. Ông vẫn còn nhớ rõ: “Chuyến đi tái mở đường sau sự kiện Vũng Rô, tàu 42 được sơn màu ngọc bích cải trang thành một tàu đánh cá. Tàu được đi theo phương pháp thiên văn là dựa vào mặt trăng, mặt trời và các vì sao để xác định kinh vĩ độ. Vị trí tàu đòi hỏi trình độ của người hàng hải, người cán bộ thuyền phải giỏi cả về nghề nghiệp chuyên môn, lẫn hàng hải thiên văn, có quyết tâm cao và sẵn sàng hy sinh vì nhiệm vụ. Bị tàu địch áp sát, máy bay trinh sát hoạt động liên tục, tàu 42 đã thường xuyên chuyển hướng qua 5 nước”.

Sau khi ở tàu không số, ông Vũ Trung Tính chuyển lên bờ công tác rồi được cử đi học tại Liên Xô (cũ), sau đó về công tác tại Bộ Tham mưu Quân chủng Hải quân, tham gia chiến dịch rà phá thủy lôi, làm chuyên gia ở Campuchia, rồi về Cục Quân lực, Bộ Quốc phòng.

Năm 1991, ông về nghỉ hưu tại quê nhà với quân hàm trung tá. Ông có 16 năm làm Trưởng Ban liên lạc Hải quân huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn), 17 năm là Chủ tịch Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tỉnh Thanh Hóa. Những tháng năm hào hùng không chỉ là nhiệt huyết một thời tuổi trẻ, mà còn là niềm tự hào để ông luôn nỗ lực sống và cống hiến. Không chỉ có chiến công, Trung tá Vũ Trung Tính còn được đồng đội, anh em bạn bè nể phục về lối sống và phong cách người lính. Ông tiếp tục là chỗ dựa cho những con tàu của gia đình, anh em, làng xóm ra khơi bám biển khai thác thủy sản và tham gia gìn giữ biển, đảo quê hương. Tuy tuổi đã cao, nhưng ông vẫn cùng vợ phát triển kinh doanh mặt hàng lưới, làm công tác “hậu cần” cho nghề biển của quê hương. Ông tâm sự: “Nhìn vợ chồng tôi lọ mọ với cửa hàng bán lưới vó và các dụng cụ đi biển, nhiều người nói tôi cả đời vất vả rồi, giờ nghỉ ngơi thôi. Nhưng quan điểm của tôi, Nhà nước khuyến khích xây dựng xã hội học tập, tôi nghĩ cần thiết phải xây dựng xã hội làm việc. Chúng tôi phải là tấm gương cho con cháu mình và các thế hệ tiếp theo”.

Mỗi năm cứ gần kề ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, Trung tá Vũ Trung Tính thường nhìn lại những kỷ vật, những bức ảnh từ cách đây vài chục năm. Làm Trưởng đoàn cựu chiến binh Đoàn tàu không số tỉnh Thanh Hóa thăm lại đồng đội, Trung tá Vũ Trung Tính rưng rưng nói: “Hơn 60 năm đã trôi qua, nhiều đồng đội mãi mãi nằm lại nơi biển cả. Sự hy sinh của cán bộ, chiến sĩ tàu Không số khác biệt nhưng mất mát, đau thương thì cũng như bao sự hy sinh khác. Thế nên chúng tôi - những người may mắn còn sống chỉ biết tìm kiếm gia đình, thân nhân đồng đội để động viên, chia sẻ, giúp họ vơi bớt nỗi đau. Vài ba năm, Hội Truyền thống đường Hồ Chí Minh trên biển Việt Nam tỉnh Thanh Hóa lại tổ chức thăm lại đồng đội, thắp nén hương thơm cho những người đã hy sinh. Chúng tôi, những người còn sống rất nhớ đồng đội”.

Gặp lại nhau, những người lính già bỗng trẻ lại. Họ ôm nhau, tay bắt mặt mừng sau bao năm xa cách mỗi người mỗi quê và vật lộn với cuộc sống đời thường còn gian khó.

Kiều Huyền



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]