(vhds.baothanhhoa.vn) - Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai mạnh mẽ, lan tỏa Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động đến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Qua đó, chương trình đã khơi dậy sức sáng tạo, sự nhiệt huyết cống hiến trong lao động của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.

Khơi dậy sức sáng tạo của người lao động

Thời gian qua, các cấp công đoàn trên địa bàn tỉnh đã triển khai mạnh mẽ, lan tỏa Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phát động đến đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ). Qua đó, chương trình đã khơi dậy sức sáng tạo, sự nhiệt huyết cống hiến trong lao động của cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ.

Khơi dậy sức sáng tạo của người lao động

Sáng kiến “Máy ép đầu hộp khung bàn ghế” của anh Lê Ngọc Thanh áp dụng có hiệu quả tại Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức.

Ngay khi Chương trình “75 nghìn sáng kiến vượt khó, phát triển” phát động, anh Lê Ngọc Thanh, công nhân tổ cơ điện, Công ty CP Thiết bị giáo dục Hồng Đức đã xung kích tham gia nhiệt huyết. Từ thực tế công việc, anh Lê Ngọc Thanh đã đưa ra sáng kiến “Máy ép đầu hộp khung bàn ghế”.

Anh Thanh cho biết: Trong sản suất thiết bị trường học, có nhiều chi tiết phải lắp ghép với nhau bằng bu lông, các chi tiết lắp ghép thường phải đóng vào đầu hộp khung bàn ghế rồi hàn chết lại để bắt bu lông ghép các chi tiết lại với nhau. Nhược điểm là các mặt phẳng không đồng đều, dẫn đến khó lắp ráp và độ chính xác không cao, các xỉ hàn thường bám vào ren chi tiết, hay xảy ra lỗi trong các mối hàn và không đạt yêu cầu về thẩm mỹ, chất lượng sản phẩm, công nhân phải mài nhiều, sửa chữa nhiều.

Từ thực tế trên, anh Thanh nghiên cứu tạo khuôn ép đầu hộp khung bàn ghế và chế tạo một chiếc máy bao gồm các chi tiết: có động cơ, mô tơ điện, cơ cấu nén khí và dùng máy ép thủy lực ép đầu khung bàn ghế. Các chi tiết khi ép đảm bảo bền đẹp, sạch sẽ, đáp ứng được yêu cầu. Sáng kiến này dễ áp dụng, chỉ cần hướng dẫn trong vài phút, công nhân trong xưởng ai cũng có thể làm được và có thể áp dụng rộng rãi với các loại sản phẩm tương tự tại công ty và trên toàn quốc. “Máy ép đầu hộp khung bàn ghế” không những tiết kiệm được que hàn, thời gian, nguyên vật liệu, không có bụi hàn văng ra ngoài mà còn tạo ra sản phẩm bền đẹp, năng suất lao động tăng gấp 4 lần. Sáng kiến đã áp dụng có hiệu quả và làm lợi cho đơn vị 130 triệu đồng .

Khơi dậy sức sáng tạo của người lao động

Anh Nguyễn Văn Truyền với sáng kiến “Thiết kế, chế tạo mô hình dạy học ứng dụng PLC - HMI - biến tần trong điều khiển điện công nghiệp”.

Để góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghề của nhà trường, anh Nguyễn Văn Truyền, Trưởng khoa điện Trường cao đẳng nghề Thanh Hóa đã nghiên cứu thành công sáng kiến: “Thiết kế, chế tạo mô hình dạy học ứng dụng PLC - HMI - biến tần trong điều khiển điện công nghiệp”.

Đối với đào tạo nghề điện công nghiệp, hiện nay trên thị trường cũng đã cung cấp nhiều loại mô đun, thiết bị phục vụ giảng dạy, thực hành nghề nhưng đa phần chỉ được đóng gói cho một module đào tạo nhất định. Vì thế làm tăng cơ học về số thiết bị cho nhóm module nghề liên quan và liên thông kiến thức; gây áp lực cho đơn vị về diện tích lắp đặt, số lượng và không gian bố trí phòng học; gây khó khăn trong quá trình vận hành giảng dạy, chuẩn bị vật tư thiết bị và vị trí thực hành dẫn đến chất lượng không đạt được như mong muốn.

Xuất phát từ những lý do trên, anh Nguyễn Văn Truyền đã nghiên cứu, xây dựng thành công mô hình “Thiết kế, chế tạo mô hình dạy học ứng dụng PLC - HMI - biến tần trong điều khiển điện công nghiệp”. Theo đó, mô hình được xây dựng tương đồng với các hệ thống tự động hóa trong các dây chuyền sản xuất, đặc biệt có thể điều khiển, giám sát tại chỗ, qua màn hình HMI, qua máy tính; linh hoạt cho quá trình vận hành điều khiển, sinh viên dể tiếp cận. Mô hình còn có thể phục vụ cho mục đích nghiên cứu, tìm hiểu chi tiết hơn về mạng truyền thông công nghiệp PLC- HMI- Biến tần, mô hình thể hiện được tính hệ thống của 1 hệ thống điện hoàn chỉnh nhằm đào tạo trong quy mô lớn….

Anh Truyền cho biết: Mô hình hoàn thành và được giảng dạy tại trường Cao đằng nghề Công nghiệp Thanh Hóa đã giúp các em học sinh, sinh viên có thêm kiến thức điều khiển, giám sát hệ thống điện thực tế để rèn luyện kỹ năng nghề, đặc biệt là kỹ năng đấu lắp, lập trình điều khiển, thiết kế giao diện trên HMI và sử dụng mạng truyền thông công nghiệp Modbus, PLC - HMI - Biến tần. Mô hình có thể được áp dụng trong xưởng thực hành để giảng dạy các module Đo lường điện, Lắp đặt điện, Lập trình PLC cơ bản, PLC nâng cao, kỹ thuật cảm biến, điều khiển khí nén, Mạng truyền thông công nghiệp... Các module trên mô hình được thiết kế có khả năng sử dụng cho nhiều bài tập khác nhau, cho phép sinh viên sử dụng dễ dàng và hiệu quả trong quá trình học tập và phát triển được kỹ năng nghề, tiếp cận các mô hình giống thực tế của nghề điện công nghiệp. Bên cạnh đó, mô hình còn có thể phục vụ cho mục đích nghiên cứu, tìm hiểu chi tiết hơn về mạng truyền thông công nghiệp Modbus, thiết kế giao diện trên HMI, lập trình cho PLC họ S7-200; có thể phát triển mở rộng cho các hệ thống khác nhau như điều khiển tốc độ động cơ, điều khiển cẩu trục, thang máy, thang nâng, các băng tải, gia công các chi tiết sản xuất trong công nghiệp… Giá trị làm lợi của sáng kiến là 200 triệu đồng.

Khơi dậy sức sáng tạo của người lao động

Công nhân Công ty TNHH Winners Vina (huyện Nga Sơn) tích cực thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo.

Thực hiện chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các công đoàn ngành, công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp, LĐLĐ huyện thị xã, thành phố, các công đoàn cơ sở triển khai các hoạt động hưởng ứng, đề ra mục tiêu cụ thể trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế của cơ quan đơn vị, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, tăng cường thông tin, tuyên truyền để vận động đoàn viên tham gia thông qua nhóm zalo, facebook tiếp nhận, tổng hợp sáng kiến, phối hợp với bộ phận chuyên môn đánh giá, thẩm định và hỗ trợ đoàn viên cập nhật vào phần mềm. Qua đó, chương trình đã thu hút được sự hưởng ứng tích cực của đoàn viên, CNVCLĐ trong các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp và đã có nhiều sáng kiến có hiệu quả thiết thực, có tính ứng dụng cao góp phần tăng doanh thu, uy tín cho doanh nghiệp, mang lại hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng cơ quan, đơn vị. Kết quả, tỉnh Thanh Hoá đã có hơn 30.257 sáng kiến tham dự chương trình, đứng thứ hai toàn quốc. Những ý tưởng sáng tạo đều xuất phát từ nỗ lực chinh phục khó khăn trong sản xuất của người lao động. Các nội dung sáng kiến đa dạng trên mọi lĩnh vực ngành, nghề. Nhiều sáng kiến trong lĩnh vực sản xuất có giá trị làm lợi cao, tạo ra sản phẩm mới; sáng kiến trong lĩnh vực an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường; cải cách hành chính, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, quản lý, điều hành; sáng kiến vì cộng đồng trong các lĩnh vực y tế, giáo dục…

Khơi dậy sức sáng tạo của người lao động

Anh Lê Nhật Công, Quản đốc xưởng cơ khí - sửa chữa, Chi nhánh sản xuất nước thành phố, Công ty CP Cấp nước Thanh Hóa vận hành thử nghiệm tổ bơm sau khi chuyển đổi công nghệ sử dụng Basitup sang phớt cơ khí làm kín tổng bơm.

Đồng chí Võ Mạnh Sơn, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết: Với sự triển khai đồng bộ, vào cuộc trách nhiệm của công đoàn các cấp, Chương trình “75 nghìn sáng kiến, vượt khó, phát triển” đã có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động. Chương trình đã khơi dậy và phát huy tính sáng tạo của đoàn viên, CNVCLĐ, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thể hiện sự đồng hành của tổ chức công đoàn, trách nhiệm và sự gắn bó của đoàn viên, người lao động với người sử dụng lao động, sự phát triển của doanh nghiệp.

Thanh Huê


Thanh Huê

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]