(vhds.baothanhhoa.vn) - Câu chuyện về trụ trì chùa Thích Đàm Xuân, Thích Đàm Duyên cùng các chú tiểu ở chùa Mật Đa, làng Nam Ngạn xưa (nay là phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) và nhân dân trong làng không quản thân mình cứu được rất nhiều bộ đội, dân quân du kích và thanh niên xung phong... góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng, Nam Ngạn (3 - 4/4/1965) cứ cuốn hút tôi mãi để không chỉ một lần đến thăm.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Ký ức khói lửa từ chùa Mật Đa

Câu chuyện về trụ trì chùa Thích Đàm Xuân, Thích Đàm Duyên cùng các chú tiểu ở chùa Mật Đa, làng Nam Ngạn xưa (nay là phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa) và nhân dân trong làng không quản thân mình cứu được rất nhiều bộ đội, dân quân du kích và thanh niên xung phong... góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng, Nam Ngạn (3 - 4/4/1965) cứ cuốn hút tôi mãi để không chỉ một lần đến thăm.

Sau nén hương thơm kính cẩn trước Tam Bảo, chúng tôi được trụ trì chùa Thích Đàm Chung dẫn đi tham quan ngôi chùa, nghe kể về lịch sử của chùa gắn với tên chùa Mật Đa. Được biết, được xây dựng từ thời hậu Lê, chùa Mật Đa có nghĩa là rừng cây hình chữ bảo tháp, có hoa thơm quả ngọt của đất phật, nhiều phúc đức nên từ xa xưa chùa đã thu hút rất đông khách thập phương về chiêm bái thể nguyện tâm linh, cầu phúc, làm việc thiện giúp đời... Có phải bởi sự linh thiêng của ngôi chùa mà trong suốt thời kỳ chiến tranh, chùa vẫn đứng sừng sững trong khung cảnh trần thùi lụi của bom đạn?

Chùa Mật Đa đã được trùng tu, tôn tạo.

Không chỉ được biết đến là ngôi chùa đẹp linh thiêng trong tâm nguyện của nhân dân địa phương và du khách thập phương, nơi đây còn được biết đến là một di tích lịch sử, có công trong cuộc kháng chiến chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, góp phần làm nên chiến thắng Hàm Rồng - Nam Ngạn (ngày 3-4/4/1965). Chùa đã được xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia năm 1998.

Cụ Thích Đàm Chung nhớ lại: Trong đạn bom ác liệt, trên trời máy bay gầm rú, mặt đất bom nổ ầm ầm và trong cuộc chiến đó đã có rất nhiều người bị thương. Khi đó trụ trì chùa - cụ Thích Đàm Xuân là nhà sư tiến bộ nên đã mở rộng cửa thiền, dang vòng tay nhân ái đón nhận nhiều bộ đội, dân quân du kích và thanh niên xung phong về cứu chữa. Nơi đây trở thành địa điểm cứu chữa thương binh quan trọng của trận địa bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Sư trụ trì Thích Đàm Chung (bên trái) kể về lịch sử của chùa.

Bà Vũ Thị Hanh, xóm Toàn, làng Nam Ngạn, nay là khối 2, phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa kể: "Khi đó tôi đang học ở Trường Võ Thị Sáu. Cũng như rất nhiều người con ở làng Nam Ngạn, những ngày không đi học tôi đến chùa, hăng hái hái rau, nấu cơm và một số công việc khác giúp dân quân, bộ đội. Khi ấy tôi thấy sư cụ Đàm Xuân, Đàm Duyên và mọi người ở đây luôn bận rộn để sơ cứu cho những người bị thương đưa về đây"...

Dù đã viên tịch, nhưng những việc làm đầy ý nghĩa nhân văn của trụ trì Thích Đàm Xuân, Thích Đàm Duyên đã để lại tiếng thơm cho đời và các thế hệ mai sau. Trụ trì chùa Mật Đa Thích Đàm Chung bồi hồi nhớ lại: "Ngay sau khi hòa bình lập lại, người Mỹ có sang đây và hỏi cụ: Thưa bà, tại sao là nhà sư mà cũng đi tham gia kháng chiến? Sư trụ trì đáp: Thưa ông, chúng tôi không tham gia xâm chiếm nước ông, nhưng tại sao các ông lại làm vậy với đất nước tôi, mà giặc đến nhà thì đàn bà cũng phải đánh"...

Chính vì quan điểm vậy mà ngay từ những ngày mùng 3, mùng 4 rồi cho những năm chiến tranh ác liệt về sau, chùa Mật Đa là chỉ huy sở, làm nơi tập kết lương thực, thực phẩm, đạn dược, nơi cấp cứu và nuôi dưỡng ban đầu cho bộ đội, dân quân bị thương. Trụ trì Thích Đàm Xuân cùng với Thích Đàm Duyên, nhân dân trong làng không quản ngại gian khổ, dành trọn tình thương và lòng nhiệt tình chăm sóc mọi người. Thậm chí cụ đã dỡ nhà làm hầm cho bộ đội, dân quân trú ẩn, đồng thời cho phép dân quân làng Nam Ngạn dỡ cánh cửa chùa làm băng ca cứu thương, đưa thương binh của các trận địa vào chùa điều trị.

Ngày ấy, cụ còn bảo mọi người ra ngoài vườn chùa hái quả dừa để bộ đội giải khát, lá dừa để ngụy trang. Từ sư trụ trì đến các chú tiểu trong chùa đều tất bật, căng mình băng bó, vận chuyển thương binh, xé cả màn để băng bó vết thương, cứu chữa được rất nhiều bộ đội, dân quân du kích và thanh niên xung phong.

Những việc làm đó đã được cố nhà thơ Huy Cận đã từng viết tặng sư trụ trì Thích Đàm Xuân vào năm 1965 như sau: “Cởi áo cà sa, ký lên Tam bảo/Xông pha chiến trường, giết giặc lập công”.

53 năm đã trôi qua và để làm nên chiến thắng lẫy lừng, bảo vệ cầu Hàm Rồng an toàn, làm nức lòng quân dân cả nước thì có một phần đóng góp to lớn của những người như sư trụ trì Thích Đàm Xuân, Thích Đàm Duyên, các chú tiểu trong chùa Mật Đa và con em làng Nam Ngạn. Những việc làm đó đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận.

Chùa Mật Đa hôm nay là một địa chỉ sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân TP Thanh Hóa và khách thập phương. Cùng với việc tham gia xây dựng nhà tình nghĩa và nhiều xã hội từ thiện khác, như: Ủng hộ người nghèo, thương binh liệt sỹ... nhà chùa cũng đã và đang cưu mang nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền. Các sư trụ trì hôm nay đều là những người sống tốt đời đẹp đạo, được nhân dân trong vùng tin tưởng yêu mến, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ngôi chùa có lịch sử hàng trăm năm.

Trung Hiếu


Trung Hiếu

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]