(vhds.baothanhhoa.vn) - Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức... Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sau 5 năm thực hiện nghị quyết, tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ không ngừng nâng cao về chất đem lại những kết quả bước đầu quan trọng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nhìn lại công tác tổ chức bộ máy - cán bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã xác định: Tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức... Bằng sự chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sau 5 năm thực hiện nghị quyết, tổ chức bộ máy từ tỉnh đến cơ sở được sắp xếp theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, đội ngũ cán bộ không ngừng nâng cao về chất đem lại những kết quả bước đầu quan trọng.

Việc sắp xếp tinh gọn bộ máy góp phần cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính. (Ảnh: Đ.Đ)

Từ sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy

Nhận thức rõ việc tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là yêu cầu, đòi hỏi tất yếu khách quan của công tác xây dựng Đảng hiện nay, thời gian qua, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết 18, 19 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nhiều giải pháp đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đi vào chiều sâu. Từ đó đạt được những kết quả quan trọng, góp phần làm cho tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Để khắc phục dần tình trạng tổ chức bộ máy cồng kềnh, chồng chéo, hoạt động kém hiệu lực hiệu quả, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo xây dựng phương án rà soát, sắp xếp lại các phòng và tương đương trực thuộc các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc Tỉnh ủy. Theo đó, giảm từ 32 đầu mối còn 25 đầu mối. Việc rà soát, sắp xếp các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập của các phòng chuyên môn thuộc các sở, cơ quan ngang sở theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh đã được thực hiện nghiêm túc. Qua rà soát, sắp xếp đã giảm 11 phòng và 3 Chi cục.

Trên cơ sở rà soát, đánh giá hiệu quả hoạt động của các trường đại học, cao đẳng, UBND tỉnh đã xây dựng đề án, báo cáo và được Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH quyết định giải thể Trường Cao đẳng Thể dục, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, giảm 1 đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND tỉnh. Thực hiện việc giải thể, sáp nhập các trường THPT, đã giảm 11 trường trực thuộc Sở GD&ĐT. Thực hiện việc sắp xếp các trường mầm non, tiểu học, THCS, toàn tỉnh đã giảm 94 trường mầm non, tiểu học và THCS thuộc các huyện, thị xã, thành phố. Sắp xếp, hợp nhất 5 đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh để thành lập Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh Thanh Hóa, giảm 4 đơn vị sự nghiệp. Thực hiện việc sáp nhập trung tâm dân số - kế hoạch hóa gia đình vào trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố, đã giảm được 27 đầu mối sự nghiệp trực thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Trên cơ sở sáp nhập, hợp nhất văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh, cấp huyện để thành lập văn phòng đăng ký đất đai, trực thuộc Sở TN&MT, giảm 23 đơn vị sự nghiệp công lập cấp huyện. Trên cơ sở rà soát, đánh giá hoạt động và nhu cầu trong thực hiện nghiên cứu, cung cấp dịch vụ về lĩnh vực nông nghiệp, UBND tỉnh đã trình và được Thủ tướng Chính phủ quyết định tổ chức, sắp xếp lại 7 đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Thanh Hóa, Sở KH&CN Thanh Hóa để thành lập Viện Nông nghiệp Thanh Hóa, theo đó giảm 6 đơn vị sự nghiệp. UBND tỉnh đã quyết định sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức, bộ máy của Sở NN&PTNT. Theo đó, thực hiện sáp nhập các ban quản lý rừng phòng hộ theo địa bàn quản lý, đã giảm 4 đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, thực hiện hợp nhất, sáp nhập trạm thú y, trạm khuyến nông và trạm bảo vệ thực vật thành trung tâm dịch vụ nông nghiệp cấp huyện, qua đó đã giảm 54 đầu mối tổ chức sự nghiệp trực thuộc Chi cục Bảo vệ thực vật và Chi cục Thú y... So với năm 2015, toàn tỉnh đã thực hiện giảm 236 đơn vị sự nghiệp công lập và 54 đầu mối sự nghiệp.

Việc sắp xếp, tổ chức các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và sáp nhập các thôn, tổ dân phố cũng đạt nhiều kết quả quan trọng. Toàn tỉnh đã giảm từ 5.971 thôn, tổ dân phố xuống còn 4.393 thôn, tổ dân phố (sáp nhập 3.100 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố, giảm 1.578), tương ứng giảm 9.468 cán bộ không chuyên trách thôn, bản, tổ dân phố. Cấp xã đã giảm từ 635 xã, phường, thị trấn xuống còn 599 xã, phường, thị trấn. Toàn bộ các xã, thị trấn sau sáp nhập đã ổn định về tổ chức bộ máy, từng bước đi vào hoạt động.

Đến nâng cao chất lượng cán bộ

Nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, nhiệm kỳ 2015 - 2020, các cấp ủy ở Thanh Hóa đã luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ. Ngoài quan tâm công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, công tác bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ luôn được coi trọng.

Được biết, để chủ động nguồn nhân sự khi cần bổ nhiệm, thay thế, bố trí cán bộ, các cấp, các ngành đã xây dựng quy hoạch (A1) và 2 lần rà soát, bổ sung quy hoạch nhiệm kỳ 2015 - 2020. Những cán bộ thuộc diện quy hoạch, ngoài thực hiện khách quan, dân chủ, đúng quy định đòi hỏi họ phải không ngừng phấn đấu, rèn luyện, vì nếu sa sút sẽ bị đưa ra khỏi quy hoạch, thay thế bằng người khác. Cùng với đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ đương chức, cán bộ trong quy hoạch. Từ đầu nhiệm kỳ 2015 - 2020 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo: Trình độ tiến sĩ có 54 người; thạc sĩ có 1.263 người; đại học có 3.120 người; trình độ cao cấp lý luận chính trị có 1.260 người; trung cấp lý luận chính trị có 11.100 người; bồi dưỡng cho 18.486 lượt người. Trong đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy trong tỉnh đã bồi dưỡng được 2.845 cán bộ dự nguồn ban chấp hành đảng bộ và các chức danh lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, 2021 - 2026.

Cùng với việc chú trọng phát hiện, quy hoạch “động và mở”, đào tạo, bồi dưỡng, dự nguồn theo đề án nhân sự, từ tháng 6/2012 đến tháng 7/2020, Thanh Hóa đã điều động, luân chuyển 1.824 lượt cán bộ các cấp, ngành. Trong đó, có 67 cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý từ tỉnh về các huyện, 59 đồng chí từ huyện lên tỉnh, 24 cán bộ từ huyện này sang huyện khác, ngành này sang ngành khác; cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ cấp ủy huyện và tương đương quản lý được điều động, luân chuyển 301 lượt cán bộ về các xã, 151 lượt cán bộ từ xã lên huyện; điều động, luân chuyển 382 đồng chí từ xã này sang xã khác và 840 lượt cán bộ các cấp, ngành. Đồng thời, Thanh Hóa bố trí các chức danh chủ chốt cấp huyện, cấp xã không là người địa phương nên đến nay 25/27 huyện, thị xã, thành phố có một trong ba chức danh chủ chốt không là người địa phương; trong tỉnh có 502 đơn vị cấp xã, chiếm tỷ lệ gần 90% tổng số xã, phường, thị trấn bố trí một trong ba chức danh Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND không là người địa phương. Những cán bộ sau khi được điều động, luân chuyển đã khơi dậy sự năng động, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhiều địa phương sau khi có cán bộ điều động luân chuyển, tình hình ổn định, kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh có bước phát triển, nhiều cán bộ trưởng thành, được bố trí, sắp xếp vào vị trí cao hơn. Nhờ làm tốt công tác điều động, luân chuyển, đã góp phần khắc phục tính cục bộ địa phương, sức ì của cán bộ, đồng thời củng cố, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý điều hành của bộ máy cơ quan Đảng, chính quyền từ cơ sở.

Thành công trong công tác tổ chức bộ máy - cán bộ đã góp phần đưa Thanh Hóa hoàn thành thắng lợi nhiều mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã đề ra. Trong đó nổi bật nhất là: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân dự kiến đạt 12,5%, vượt mục tiêu đại hội, trong nhóm các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Đã có 8 đơn vị cấp huyện, 317 xã đạt chuẩn nông thôn mới, vượt cao so với mục tiêu đại hội; tỷ lệ đô thị hóa dự kiến đạt 35%, đạt mục tiêu đại hội; bộ mặt đô thị, nông thôn có nhiều khởi sắc theo hướng hiện đại, văn minh.

Minh Lý


Minh Lý

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]