(vhds.baothanhhoa.vn) - Chiều 5/9, đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn đã thăm và kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) tại tỉnh Thanh Hóa.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình làm việc với tỉnh Thanh Hóa về công tác cải cách hành chính

Chiều 5/9, đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn đã thăm và kiểm tra công tác cải cách hành chính (CCHC) tại tỉnh Thanh Hóa.

Tham gia đoàn công tác có các đồng chí: Nguyễn Trọng Thừa - Thứ trưởng Bộ Nội vụ; Trần Quang Hiếu - Thứ trưởng Bộ Tài chính; Nguyễn Thanh Ngọc - Thứ trưởng Bộ Tư pháp; Nguyễn Thành Hưng - Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải và các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ.

Tiếp và làm việc với đoàn công tác, về phía tỉnh Thanh Hóa, có các đồng chí: Trịnh Văn Chiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Lê Thị Thìn - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Chủ tịch UBND các huyện Quảng Xương, Đông Sơn và TP Thanh Hóa.

Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn làm việc với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa.

Phát biểu khai mạc buổi làm việc, đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ nhấn mạnh mục tiêu của buổi làm việc là đánh giá một cách khách quan, toàn diện, thẳng thắn tình hình thực tế và kết quả trong triển khai thực hiện nhiệm vụ CCHC tại Thanh Hóa. Qua đó, phát hiện những hạn chế, bất cập và khó khăn để có hướng tháo gỡ, khắc phục, góp phần phát triển KT-XH của tỉnh. Đồng thời, nhìn nhận những kinh nghiệm tốt, cách làm hay, những giải pháp, mô hình mới trong phát triển KT-XH nói chung, CCHC nói riêng. Điều này hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Chính phủ chuẩn bị tổng kết Chương trình tổng thể về CCHC nhà nước giai đoạn 2011- 2020 và xây dựng Chương trình tổng thể CCHC nhà nước, giai đoạn 2021-2030.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Nguyễn Đình Xứng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã báo cáo khái quát tình hình KT-XH và kết quả thực hiện công tác cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Theo đó, giai đoạn 2016- 2018, tình hình KT-XH của tỉnh có bước phát triển mạnh. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân hằng năm ước đạt 11%; trong đó năm 2018 ước đạt 15,16%, là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay. Thu NSNN tăng bình quân hằng năm 12,3%, năm 2018 ước đạt 23.041 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2015. Riêng 6 tháng đầu năm 2019, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 22,18% là mức tăng trưởng cao nhất từ trước đến nay và cao nhất cả nước. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến tiến bộ. Quốc phòng, an ninh đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển KT-XH.

Về công tác cải cách hành chính năm 2018 và 8 tháng đầu năm 2019, qua triển khai đồng bộ, mạnh mẽ các giải pháp, tỉnh Thanh Hóa đã đạt nhiều kết quả. Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành 118 quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính (TTHC) với 1.673 TTHC, tích hợp và nhập dữ liệu 1.701 TTHC vào cơ sở dữ liệu quốc gia. Hiện nay, có 15 sở, ban, ngành cấp tỉnh tiến hành rà soát, đánh giá TTHC với tổng số 32 TTHC, bảo đảm mục tiêu cắt giảm tối thiểu 20% thời gian giải quyết đề ra. Các ngành, địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đều duy trì thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh, UBND cấp huyện và UBND cấp xã; thực hiện công khai xin lỗi kết quả giải quyết TTHC, nâng cao sự hài lòng cho tổ chức, cá nhân.

Hiện đại hóa nền hành chính, tỉnh đã xây dựng, triển khai đề án xây dựng chính phủ điện tử và phát triển các dịch vụ thành phố thông minh, trong đó tập trung xây dựng chính quyền điện tử tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 17/NQ-CP của Chính phủ và định hướng khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Đến nay, 100% cơ quan hành chính Nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã có trang thông tin điện tử và phần mềm quản lý văn bản, hồ sơ công việc. 100% cán bộ, công chức từ cấp huyện đến cấp tỉnh được cấp hộp thư điện tử công vụ; 90% cơ quan hành chính Nhà nước thực hiện trao đổi văn bản dưới dạng điện tử.

Trên cơ sở những kết quả đạt được cũng như khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác CCHC, tỉnh Thanh Hóa đã đề nghị đoàn kiểm tra kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ một số nội dung quan trọng liên quan đến công tác sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; biên chế và cơ cấy đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Ngoài ra, để sớm hoàn chỉnh hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH, tỉnh đề nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ có ý kiến với Chính phủ, các bộ, ngành trung ương quan tâm, tăng mức hỗ trợ từ ngân sách trung ương để đầu tư hạ tầng một số dự án quan trọng.

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương đánh giá cao kết quả công tác CCHC tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong thời gian qua. Tuy nhiên, qua đánh giá thực tế, các thành viên đòan kiểm tra cũng chỉ ra một số điểm hạn chế và đã có ý kiến đóng góp với tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác CCHC tốt hơn nữa trong thời gian tới.

Đoàn kiểm tra Ban chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ do đồng chí Trương Hòa Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng đoàn cùng các đồng chí lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa thăm và kiểm tra công tác CCHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính Phủ, Trưởng ban chỉ đạo CCHC Trương Hòa Bình đánh giá cao những thay đổi lớn của KT-XH, công tác CCHC của tỉnh Thanh Hóa trong những năm qua. Theo đồng chí, so với các tỉnh khác trên cả nước, Thanh Hóa là tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh. Trong giai đoạn tới, tỉnh cần phát huy hơn nữa các tiềm năng, thế mạnh, biến khó khăn trước đây thành lợi thế để phát triển; đặc biệt cần phải thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn bao gồm cả nhà đầu tư nước ngoài vào phát triển KT-XH. Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ tin tưởng, với những gì đã đạt được Thanh Hóa sẽ còn phát triển bứt phá hơn nữa trong giai đoạn tới. Tuy nhiên, cùng với việc chăm lo phát triển KT-XH, đồng chí lưu ý tỉnh cần quan tâm đảm bảo QP-AN, an sinh xã hội, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, từ đó tạo nên một sự phát triển đồng bộ và hài hòa.

Về công tác CCHC, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình chỉ ra 4 tồn tại, hạn chế mà tỉnh cần tập trung khắc phục. Trước hết, việc xử lý văn bản phát hiện sai phạm qua kiểm tra chưa kịp thời; còn có tình trạn chậm chễ, chưa thực hiện xin lỗi người dân, doanh nghiệp; mức độ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn ít; thực hiện liên thông giữa các cấp hành chính còn có nhiều hạn chế, nhất là liên thông giữa các sở, ngành với các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn. Bên cạnh đó, việc thực hiện quy định về công tác cán bộ còn lúng túng, còn có một số sai phạm trong tuyển dụng công chức, viên chức. Một số sở, ngành, huyện chưa thực sự quyết liệt trong kiện toàn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, sắp xếp, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nên kết quả đạt được chưa thực sự cao. Công tác tuyên tuyền cần đa dạng các hình thức cho phù hợp với điều kiện, tập quán của từng vùng miền, đồng thời lưu ý cả truyền thông nội bộ để tăng cường sự tham gia, chung tay của người dân, doanh nghiệp, thống nhất nhận thức từ cán bộ lãnh đạo tới cán bộ công chức, phát huy được vai trò giám sát của các cơ quan, đoàn thể đối với hoạt động của chính quyền địa phương.

Đồng chí Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đề nghị tỉnh tiếp tục tập trung đẩy mạnh phát triển KT-XH, trong đó cần chú trọng vào những tiềm năng, thế mạnh lớn của tỉnh về công nghiệp, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bảo đảm gắn kết chặt chẽ công tác CCHC với phát triển KT-XH và gắn kết với công tác CCHC của các bộ, ngành tạo hiệu quả, đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, phải gắn CCHC với thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 04 ngày 30/10/2016 của Ban Chấp hành TW Đảng (khóa XII), Chỉ thị 05 của 15/5/2016 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 10 ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu tạo chuyển biến nhận thức trong toàn hệ thống chính trị, làm cán bộ công chức, viên chức nhà nước thấm nhuần lời dạy và tư tưởng của Bác Hồ về cán bộ; tiếp tục triển khai có hiệu quả nhiệm vụ chương trình tổng thể CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2020. Nâng cao chất lượng tham mưu, xây dựng, thẩm định, ban hành các văn bản QPPL trên địa bàn.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh, tỉnh Thanh Hóa cần đẩy mạnh cải cách TTHC, tiếp tục tháo gỡ các rào cản để tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn lực, tài nguyên phục vụ nhiệm vụ phát triển KT-XH. Tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với chính sách tinh giản biên chế. Đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, viên chức, khắc phục những tồn tại hạn chế trong công tác cán bộ thời gian vừa qua, thực hiện nghiêm quy định của Chính phủ về đánh giá công chức, viên chức bảo đảm khách quan, trung thực. Việc tổ chức triển khai, xây dựng chính quyền điện tử phải gắn kết chặt chẽ với CCHC nhất là CCTTHC nhằm tăng cường tính hiệu quả bền vững. Tăng cường theo dõi, đánh giá, xếp loại việc thực hiện nhiệm vụ CCHC của các cơ quan, đơn vị, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên tuyền, bảo đảm tiếp cận thông tin của người dân, tạo sự đồng thuận của xã hội đối với thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ CCHC.

Đối với các kiến nghị của tỉnh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và đoàn công tác ghi nhận và chỉ đạo các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy quá trình CCHC của Thanh Hóa.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng đã phát biểu tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ và cho biết, Thanh Hóa sẽ vừa tập trung phát triển KT-XH vừa tập trung đẩy nhanh quá trình CCHC trên địa bàn tỉnh.

Trước đó, đoàn công tác trung ương đã đến thăm và kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ CCHC tại Trung tâm Hành chính công tỉnh Thanh Hóa.

Nguyên Mai


Nguyên Mai

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]