(vhds.baothanhhoa.vn) - “Trong điều kiện du lịch đang phục hồi, cung - cầu cơ bản cân bằng thì việc giảm giá dịch vụ để kích cầu không mang nhiều ý nghĩa. Chưa kể, giảm giá nhưng không duy trì hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ thì rất dễ phản tác dụng. Khi người dân quyết định bỏ tiền đi du lịch thì điều quan trọng nhất là được nhận về những trải nghiệm xứng đáng”, ông Đỗ Hoàng Hữu, Giám đốc Công ty CP du lịch quốc tế Hữu Nghị chia sẻ quan điểm.

Phục hồi du lịch và câu chuyện “lượng” - “chất”: Những vấn đề đặt ra trong nâng cao chất lượng dịch vụ

“Trong điều kiện du lịch đang phục hồi, cung - cầu cơ bản cân bằng thì việc giảm giá dịch vụ để kích cầu không mang nhiều ý nghĩa. Chưa kể, giảm giá nhưng không duy trì hoặc nâng cao chất lượng dịch vụ thì rất dễ phản tác dụng. Khi người dân quyết định bỏ tiền đi du lịch thì điều quan trọng nhất là được nhận về những trải nghiệm xứng đáng”, ông Đỗ Hoàng Hữu, Giám đốc Công ty CP du lịch quốc tế Hữu Nghị chia sẻ quan điểm.

Du lịch cộng đồng - nghỉ dưỡng tại Pù Luông đang tạo sức hút đặc biệt với du khách.

Giá cả cần tương xứng với chất lượng dịch vụ

Sau 11 năm đi vào hoạt động, Khách sạn Hải Tiến Resort hiện có 250 phòng nghỉ, trong đó có 13 villa. Giá cho thuê dao động từ 1- 4 triệu đồng/phòng/ngày, đêm (tùy thời điểm đầu tuần, cuối tuần và nghỉ lễ). Đặc biệt, villa tiêu chuẩn “5 sao” có giá 16 triệu đồng/ngày, đêm. Giá cho thuê chưa bao gồm ăn uống. Phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của khách du lịch mà khách sạn sẽ thiết kế suất ăn với giá khác nhau.

Còn tại Khu du lịch Pù Luông (Bá Thước), ngoài nhà sàn tập thể, giá cho thuê phòng nghỉ đang dao động từ 1,6 - 2,7 triệu đồng/ngày, đêm. Giá phòng nghỉ và chi phí ăn uống 2 ngày cuối tuần cho du khách nghỉ dưỡng tại đây dao động từ 3- 4 triệu đồng/người.

Ông Phạm Tiến Hải, Giám đốc Công ty TNHH thương mại và du lịch quốc tế Long Hải, cho rằng: “So với mặt bằng chung ở nhiều tỉnh, thành phố, giá phòng ở các khu, điểm du lịch trong tỉnh đang khá cao. Như giá thuê phòng ở Sầm Sơn thời điểm hiện tại với phòng tiêu chuẩn tầm trung khoảng 3 triệu đồng/ngày, đêm (dịp cuối tuần). Đương nhiên, mọi sự so sánh, đặc biệt là đối với chất lượng dịch vụ cần phải dựa trên nhiều tiêu chí. Nhưng rõ ràng, tính cạnh tranh là điều mà những người làm kinh doanh du lịch phải quan tâm. Cụ thể, cứ 10 khách (đoàn khách) liên hệ với công ty chúng tôi để được tư vấn tour du lịch về Thanh Hóa, trung bình chỉ có khoảng 3 đoàn quyết định mua tour, còn lại lựa chọn điểm đến ở tỉnh, thành khác do sự chênh lệch về giá”.

“Chưa kể, giá suất ăn ở các địa điểm du lịch tại Thanh Hóa cũng rất khó cho khách đoàn có mức chi tiêu nhỏ và vừa. Ngay trên địa bàn TP Thanh Hóa, để tìm được những nhà hàng có suất ăn dao động 150 - 200 nghìn đồng/người/suất đảm bảo dinh dưỡng cho du khách là không dễ. Theo tôi, sau đại dịch, du lịch vốn đã chịu “tổn thương” nặng nề, lại chịu sức ép của “bão giá”, việc các cơ sở kinh doanh khát khao lợi nhuận để bù đắp lại những tổn thất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, để hài hòa, rất cần có sự “ngồi lại” giữa các bên (đơn vị lữ hành, nhà hàng, khách sạn) để cùng nhau chia khó. Không phải hạ giá, mà để có mức giá phù hợp nhất, có tính cạnh tranh, ông Phạm Tiến Hải chia sẻ thêm.

Nhiều điểm du lịch đang phát triển “nóng”

Trong số nhiều điểm đến ở Thanh Hóa, Khu du lịch Pù Luông đang được xem như một “hiện tượng”, khi nhận được sự quan tâm đặc biệt của du khách ngoại tỉnh và khách nước ngoài. Ngoài đối tượng khách truyền thống phía Bắc, thì các đoàn khách phía Nam (An Giang, Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh...) lựa chọn Pù Luông là điểm đến ngày càng đông. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2022, du lịch huyện Bá Thước mà chủ yếu là Khu du lịch Pù Luông ước đón hơn 29.600 lượt khách, trong đó, khách quốc tế đạt trên 1.500 lượt.

“Giải mã” cho sức hút của Pù Luông, người trong nghề nhìn nhận: Khi Sa Pa (Lào Cai), Bản Lát (Hòa Bình) trở thành những điểm đến đã khá bão hòa, thì loại hình du lịch cộng đồng - du lịch nghỉ dưỡng hướng đến thiên nhiên hoang sơ, cảnh quan tự nhiên ở Pù Luông, cộng với điều kiện khí hậu lý tưởng chính là bí mật tạo nên sức hút.

Phục hồi du lịch và câu chuyện “lượng” - “chất”: Những vấn đề đặt ra trong nâng cao chất lượng dịch vụ

Nguồn nhân lực du lịch giữ vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch cũng cảnh báo về sự “phát triển nóng” của Pù Luông. Ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Công ty CP du lịch Trust Việt, Chi hội trưởng Chi hội lữ hành Thanh Hóa, đánh giá: “Pù Luông có vai trò quan trọng trong câu chuyện phát triển du lịch Thanh Hóa 4 mùa. Pù Luông đang phát triển “nóng” với tốc độ xây dựng nhanh. Vấn đề này rất cần có sự theo dõi, quản lý chặt chẽ của cơ quan chuyên môn cũng như chính quyền địa phương để không xâm lấn mạnh đến môi trường cảnh quan, thiên nhiên. Sức hút của du lịch Pù Luông chính là thiên nhiên hoang sơ, khí hậu trong lành và văn hóa bản địa giàu bản sắc. Nếu để mất hoặc làm ảnh hưởng đến những “giá trị vàng” của Pù Luông thì hệ quả vô cùng đáng tiếc".

Không chỉ Pù Luông, tốc độ xây dựng nhanh - mật độ xây dựng cao cũng là vấn đề khiến nhiều nhà đầu tư tại Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (Hoằng Hóa) băn khoăn. Ông Lê Thanh Tùng, chủ đầu tư Khách sạn Hải Tiến Resort, lo ngại: “Khác với Sầm Sơn, du lịch biển Hải Tiến hướng đến yếu tố thiên nhiên và không gian mở. Nhưng hiện nay, số lượng khách sạn, nhà nghỉ tại Hải Tiến đã khá lớn, cung nhiều hơn cầu; không gian mở, tiện ích công cộng dành cho du khách về đây tắm mát, nghỉ dưỡng còn hạn chế. Nếu không chú trọng xây dựng, kêu gọi đầu tư hướng đến các tiện ích, dịch vụ bổ trợ thì rất khó giữ chân du khách ở lại với du lịch biển Hải Tiến dài ngày”.

Yếu tố con người ảnh hưởng trực tiếp chất lượng dịch vụ

Một trong những khó khăn đối với hầu hết doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch chính là nguồn nhân lực chất lượng cao. Bởi trải qua 2 năm đại dịch COVID-19, nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch đã có sự chuyển dịch do một bộ phận lớn đã chuyển nghề, tìm kiếm công việc khác ổn định, phù hợp hơn. Trong 2 năm đại dịch, ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa có khoảng 15.000 lao động du lịch tạm thời nghỉ không lương, giảm giờ làm và 25.000 lao động mất việc làm.

Nhìn nhận về vấn đề chất lượng nguồn nhân lực du lịch hiện nay, ông Vũ Văn Bình, Giám đốc Công ty CP du lịch Trust Việt, lo ngại: “Nguồn nhân lực du lịch tại Thanh Hóa đang có sự tái cơ cấu do hệ lụy của đại dịch. Ở nhiều điểm du lịch đang phải sử dụng lao động phổ thông, thiếu sự chuyên nghiệp, bài bản. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ. Một điểm đến, khu nghỉ dưỡng chỉ thực sự “đẳng cấp” khi cơ sở vật chất (buồng, phòng, tiện ích, hướng dẫn viên...) song hành cùng chất lượng nhân lực phục vụ. Nguồn nhân lực du lịch đang là một “mắt xích” còn yếu, cần được chú trọng bồi dưỡng hơn nữa để đáp ứng nhu cầu. Bởi, quyết định thành công của tour du lịch có đến 50% do nguồn nhân lực”.

Ông Trương Văn Minh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: “Thời gian qua, huyện Bá Thước đã đấu mối với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và một số trường đại học thường xuyên mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch cho người dân địa phương, nhằm tạo nguồn nhân lực du lịch tại chỗ. Trên địa bàn huyện Bá Thước hiện có khoảng hơn 400 lao động địa phương hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Nhưng do trình độ dân trí, thói quen của người dân nên việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là người địa phương cần có thêm thời gian”.

Lương Khoa



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]