(vhds.baothanhhoa.vn) - Thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm. Đây là một trong những nội dung được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo và nhận được sự đồng tình của người trong nghề.

Thống nhất chủ trương về giao quyền tuyển dụng giáo viên

Thẩm quyền tuyển dụng giáo viên sẽ do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm. Đây là một trong những nội dung được nêu trong Dự thảo Luật Nhà giáo và nhận được sự đồng tình của người trong nghề.

Thống nhất chủ trương về giao quyền tuyển dụng giáo viênUBND huyện Bá Thước trao thưởng cho các giáo viên có thành tích trong năm học 2023-2024. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Hiện nay, việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện theo quy định của Chính phủ tại các Nghị định số 115/2020, Nghị định số 85/2023 và Thông tư số 06/2020/TT-BNV ngày 2/12/2020 của Bộ Nội vụ.

Theo quy định nêu trên, việc tuyển dụng giáo viên được thực hiện qua nhiều khâu, bắt đầu từ xây dựng kế hoạch, trình kế hoạch với cấp có thẩm quyền phê duyệt, thông báo tuyển dụng, tổ chức tuyển dụng... Tính từ khi rà soát, lập kế hoạch tuyển dụng đến khi hoàn thành việc tuyển dụng mất khá nhiều thời gian.

Theo thầy giáo Lê Văn Tuấn, Hiệu trưởng Trường THPT Quảng Xương 4, việc tuyển dụng giáo viên do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm sẽ rút ngắn được quy trình và thời gian tuyển dụng. Ngành giáo dục sẽ chủ động trong công tác tuyển dụng, giúp giải quyết được bài toán về thiếu giáo viên hiện nay ở nhiều trường học trong cả nước, đặc biệt là ở tỉnh Thanh Hóa. Ngoài ra, việc tuyển dụng rất phù hợp trong bối cảnh đang thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, nhu cầu giáo viên giữa các môn sẽ rất khác nhau và sẽ biến động theo từng năm học.

Thực tế ở Trường THPT Quảng Xương 4, qua 2 năm thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đã gặp một số khó khăn, trong đó khó khăn về đội ngũ giáo viên khi nhu cầu về lựa chọn các môn học xã hội của học sinh tăng lên, nhu cầu lựa chọn học các môn tự nhiên lại giảm. Hiệu trưởng Lê Văn Tuấn cho biết: “Từ thực tế này đã dẫn đến hiện tượng thừa thiếu cục bộ giáo viên. Việc giao cho ngành giáo dục chủ động xây dựng phương án điều chuyển giáo viên và tuyển dụng giáo viên theo nhu cầu của từng môn học sẽ giúp cho nhà trường ổn định đội ngũ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục”.

Cùng trong thực trạng chung của toàn ngành, giáo dục huyện Bá Thước luôn trong tình trạng thiếu giáo viên. Vì vậy, vào cuối các năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đều có tổng hợp báo cáo với UBND huyện về nhu cầu đội ngũ viên chức còn thiếu trong năm học mới. Bên cạnh việc báo cáo, phòng cũng đã tích cực phối hợp với các phòng chức năng để tham mưu cho UBND huyện trong việc tuyển dụng giáo viên và hợp đồng giáo viên. Tuy nhiên, nhìn chung tiến độ vẫn còn chậm. Có thời gian, khi năm học đã triển khai nhưng vẫn chưa tuyển được giáo viên. Từ thực tế này, ông Hà Tự Nhiên, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bá Thước cho rằng, tuyển dụng giáo viên do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp chịu trách nhiệm là hoàn toàn phù hợp với chức năng tham mưu của ngành. “Khi chủ động được việc tham mưu về đội ngũ sẽ giúp ngành chủ động trong việc lựa chọn đội ngũ chất lượng và bảo đảm về thời gian chuẩn bị đội ngũ”, ông Nhiên nhấn mạnh.

Thống nhất chủ trương về giao quyền tuyển dụng giáo viênHọc sinh Trường THPT Quảng Xương 4 tham gia cuộc thi “Rung chuông vàng” do nhà trường tổ chức. (Ảnh nhà trường cung cấp)

Theo Dự thảo Luật Nhà giáo thì việc tuyển dụng được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo. Về vấn đề này, ông Nguyễn Lạnh Đông, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thiệu Hóa cho rằng: “Quy định đã thể hiện sự phân cấp, phân quyền và bảo đảm kịp thời về cơ cấu, số lượng, năng lực của nhà giáo. Hiện việc ra đề thi tuyển dụng chưa bám sát do giáo dục cũng chỉ là một thành viên trong Hội đồng tuyển dụng nên khó chủ động điều tiết số lượng, cơ cấu đội ngũ theo môn học. Nội dung thi tuyển vòng 2 chưa bám sát để chọn ra nhà giáo cần tuyển”.

Cụ thể hơn về công việc tuyển dụng viên chức giáo dục ở cấp huyện, Giám đốc Sở GD&ĐT Trần Văn Thức cho hay: “Phòng GD&ĐT là cơ quan chuyên môn, chịu trách nhiệm trước UBND, chủ tịch UBND cấp huyện và trước người dân địa phương về chất lượng giáo dục mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, trong việc tuyển dụng giáo viên các cấp học, Phòng GD&ĐT không chủ trì tham mưu mà chỉ đóng vai trò là cơ quan phối hợp, dẫn đến không chủ động trong việc lựa chọn giáo viên có trình độ phù hợp với yêu cầu của vị trí việc làm và cơ cấu giáo viên”.

Hiện, Phòng Nội vụ chủ trì tham mưu cho UBND huyện, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng là lãnh đạo UBND huyện, Phó Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ (Trưởng phòng Nội vụ, Trưởng phòng GD&ĐT) dẫn đến để tuyển dụng được giáo viên phải qua nhiều khâu, nhiều ban ngành phê duyệt. “Sở GD&ĐT thống nhất với chủ trương xây dựng Luật Nhà giáo trong đó quy định việc tuyển dụng giáo viên do cơ quan quản lý giáo dục (Sở GD&ĐT, Phòng GD&ĐT) chủ trì thực hiện nhằm tuyển dụng giáo viên kịp thời và giúp ngành GD&ĐT chủ động về đội ngũ để có điều kiện nâng cao chất lượng giáo dục”, ông Trần Văn Thức nói.

Quy định tuyển dụng trong dự thảo Luật Nhà giáo:

Về thẩm quyền và phương thức tuyển dụng, dự thảo Luật Nhà giáo nêu: “Đối với cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư và cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: do cơ sở giáo dục trực tiếp tuyển dụng nhà giáo theo nghị quyết của hội đồng trường học hoặc hội đồng đại học ban hành.

Đối với các cơ sở giáo dục công lập khác, do cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp của cơ sở đó chịu trách nhiệm tuyển dụng nhà giáo. Tuyển dụng nhà giáo được thực hiện thông qua phương thức xét hồ sơ và thực hành sư phạm để đánh giá phẩm chất, năng lực theo chuẩn nhà giáo.

Vi An



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]