Thừa Thiên-Huế: Gần 100 tỷ đồng tiếp tục tu bổ, tôn tạo lăng vua Tự Đức
Công tác trùng tu di tích tại lăng vua Tự Đức sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2027, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị Di tích Quốc gia Đặc biệt, Di sản Văn hóa Thế giới.
Vẻ đẹp hài hòa, trầm lắng ở phía trước khu vực tẩm điện là nơi vua Tự Đức khi còn sống thường lui tới nghỉ ngơi. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Dự án “Bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lăng vua Tự Đức” (phần còn lại) vừa được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế triển khai, với tổng kinh phí hơn 99 tỷ đồng.
Công tác trùng tu di tích tại lăng vua Tự Đức sẽ thực hiện từ nay đến tháng 10/2027.
Dự án sẽ tu bổ và phục hồi các công trình Điện Hòa Khiêm, Minh Khiêm Đường, Ôn Khiêm Đường, la thành-cổng-bình phong và tôn tạo hệ thống hạ tầng kỹ thuật, qua đó, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt, di sản văn hóa thế giới.
Cụ thể, công trình Điện Hòa Khiêm sẽ tu bổ, gia cường nền móng bó vỉa, bậc cấp, chân tảng đá thanh, phục hồi nền lát gạch, bảo quản chống ẩm và chống mối nền; tu bổ tường xây theo hiện trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, ván vách, cửa, liên ba, sàn gỗ và các chi tiết bằng gỗ nhóm 2; phục hồi mái lợp ngói âm dương Hoàng lưu ly, bờ nóc, bờ quyết ô hộc, phục hồi các con giống bằng pháp lam; tu bổ án thờ, tủ thờ và đồ nội thất, điện chiếu sáng.
Tại Minh Khiêm Đường, dự án cũng sẽ tu bổ, gia cường và cân chỉnh nền móng bó vỉa, bậc cấp, chân tảng đá thanh; phục hồi nền lát gạch Bát Tràng theo hiện trạng; tu bổ, phục hồi hệ khung gỗ, hệ mái, cửa, chi tiết cấu kiện gỗ; phục hồi mái lợp ngói liệt men xanh, bờ nóc, bờ quyết ô hộc gắn gạch gốm tráng men, phục hồi con giống, bả màu truyền thống. Tu bổ, phục hồi đồ nội thất phục vụ trưng bày và tái hiện không gian; tôn tạo hệ thống điện, đèn và chiếu sáng nghệ thuật phục vụ biểu diễn nhạc truyền thống.
Dự án cũng tu bổ, phục hồi công trình Ôn Khiêm Đường ở các hạng mục nền móng, tường, hệ khung gỗ, cửa, hệ mái; phục hồi đồ nội thất cho trưng bày và tái hiện không gian, tôn tạo hệ thống đèn điện chiếu sáng ở nội thất.
La thành, cổng (Vụ Khiêm Môn) và bình phong cũng được tu bổ, gia cường và phục hồi la thành xây bằng gạch vồ, mặt ngoài trát vữa bả màu truyền thống; tu bổ khối xây cổng và bình phong của Vụ Khiêm Môn bằng gạch vồ, tô trát và bả màu truyền thống, ô hộc ốp gạch gốm tráng men. Đồng thời sẽ phục hồi, trang bị hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở các điểm di tích và không gian kết nối.
Xung Khiêm Tạ nằm bên hồ Lưu Khiêm là nơi nhà vua nghỉ ngơi, hóng mát, làm thơ, thưởng thức nghệ thuật. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Trước đó, năm 2015, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đã hoàn thành tu bổ công trình Xung Khiêm Tạ và Dũ Khiêm Tạ tại lăng vua Tự Đức, với tổng mức đầu tư trên 27 tỷ đồng.
Lăng vua Tự Đức được xây dựng vào năm 1864, là một trong những khu lăng tiêu biểu, điển hình cho lối kiến trúc cảnh quan của kiến trúc truyền thống Huế.
Lăng vua Tự Đức (Khiêm Lăng) được xây dựng trong một thung lũng hẹp thuộc làng Dương Xuân Thượng (nay là thôn Thượng Ba, phường Thủy Xuân, thành phố Huế). Đây là một trong những công trình đẹp nhất của kiến trúc cung đình thời Nguyễn. Lăng nằm giữa một rừng thông bát ngát, cách Huế 8km.
Tổng thể kiến trúc Lăng nằm trong một vòng La thành rộng khoảng 12ha, gồm gần 50 công trình kiến trúc lớn nhỏ dàn trải thành từng cụm trên những thế đất cao, thấp hơn nhau chừng 10m.
Lăng mộ vua Tự Đức. (Ảnh: Đỗ Trưởng/TTXVN)
Bố cục khu lăng gồm hai phần chính, trên hai trục song song với nhau lấy núi Giáng Khiêm ở phía trước làm Tiền án, núi Dương Xuân làm Hậu chẩm, hồ Lưu Khiêm làm yếu tố Minh Đường. Các công trình trong Lăng ở cả hai khu vực tẩm điện và lăng mộ đều có chữ Khiêm đặt tên gọi.
Toàn cảnh lăng vua Tự Đức như một công viên rộng lớn. Qua cửa Vụ Khiêm, đến khu vực hồ Lưu Khiêm, trên hồ có Xung Khiêm tạ và Dũ Khiêm tạ, nơi nhà Vua thường đến ngắm hoa, làm thơ và đọc sách.
Đi tiếp ba bậc tam cấp bằng đá thanh dẫn vào Khiêm Cung môn, rồi đến điện Hòa Khiêm, đây vốn là nơi làm việc của Vua nhưng nay dùng để thờ phụng Vua và Hoàng hậu. Sau điện Hòa Khiêm đến điện Lương Khiêm, trước là chỗ nghỉ của Vua và sau này trở thành nơi thờ mẹ Vua, bà Từ Dũ.
Bên phải điện Lương Khiêm là Ôn Khiêm đường, nơi cất đồ ngự dụng. Phía trái điện Lương Khiêm có nhà hát Minh Khiêm để Vua xem hát, đây được coi là nhà hát cổ nhất Việt Nam hiện còn được bảo tồn.
Ngay sau hai hàng tượng quan văn võ uy nghi là Bi đình (nhà bia), tấm bia làm bằng đá thanh lớn có khắc bài Khiêm Cung ký của Vua Tự Đức dài 4.935 chữ để nói về cuộc đời, vương nghiệp cùng những lỗi lầm và sai phạm của mình. Trên ngọn đồi nằm bên kia hồ bán nguyệt Tiểu Khiêm Trì là Bửu Thành xây bằng gạch, chính giữa có ngôi nhà nhỏ xây bằng đá thanh, nơi Vua yên nghỉ.
Lăng vua Tự Đức được ví như một bài thơ tuyệt tác, một bức tranh sơn thủy hữu tình.
Công trình được công nhận là Di tích cấp Quốc gia (loại hình kiến trúc nghệ thuật) ngày 29/4/1979 và cũng đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới./.
Theo Vietnam+
{name} - {time}
-
2024-11-21 09:06:00
Trao giải các tiết mục xuất sắc nhất Liên hoan Âm nhạc toàn quốc năm 2024
-
2024-11-21 09:04:00
Xây dựng hồ sơ trình UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới với Óc Eo-Ba Thê
-
2024-08-07 08:26:00
Bàn về văn minh: Con đường đến với thế giới văn minh
Khúc tráng ca hào hùng tái hiện những ký ức về một “thời hoa lửa”
Phong trào UNESCO: Tạo kỷ nguyên mới cho công nghiệp văn hóa
Phát huy giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc Mường tỉnh Thanh Hóa
Xây dựng, phát triển văn hóa và con người Thanh Hóa trong thời kỳ mới
Từ “bóng” đến “gió”
Điểm về nguồn ý nghĩa trong dịp hè
Mạng lưới UNESCO: Góp phần định hình tương lai của công nghiệp văn hóa
Du lịch cộng đồng Bản Ngàm
Người đẹp Hải Dương đăng quang cuộc thi Hoa Hậu Du lịch Việt Nam 2024