(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu như trước đây trong đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát việc đưa người mất vào quan tài còn nhiều khó khăn, vất vả bởi nhận thức của một bộ phận người dân, thì nay việc tang lễ đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Để làm được điều đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương và trong mỗi dòng họ, mỗi người dân.

Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông ở Mường Lát

Nếu như trước đây trong đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát việc đưa người mất vào quan tài còn nhiều khó khăn, vất vả bởi nhận thức của một bộ phận người dân, thì nay việc tang lễ đã thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Để làm được điều đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cấp ủy, chính quyền địa phương và trong mỗi dòng họ, mỗi người dân.

Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông ở Mường LátCán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Trung Lý và Công an xã Trung Lý tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước cho người dân bản Tà Cóm. Ảnh: CTV

Đưa người mất vào quan tài ở Pá Búa

Trong cái nắng chang chang của ngày hè, con đò của anh Phàng A Thầy vượt sông Mã đưa chúng tôi vào bản Pá Búa, xã Trung Lý. Phàng A Thầy đã có 3 năm lái đò, cán bộ hay khách vào bản đều lựa chọn đi đò để tiết kiệm thời gian.

Bản Pá Búa là một trong những bản cách xa trung tâm xã Trung Lý, hiện nay có 120 hộ, 759 nhân khẩu. Bà con sinh sống ở Pá Búa từ những năm 1995, đời sống cơ bản còn khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng so với trước đây, Pá Búa đã đổi thay hơn nhiều. Bà con biết chăn nuôi, lựa chọn cây trồng phù hợp với khí hậu, đất đai nơi đây, nhất là trồng cây sắn.

Nhắc đến câu chuyện đưa người mất vào quan tài, Bí thư Chi bộ Giàng A Này chia sẻ: Bản có 6 dòng họ là Sùng, Giàng, Thào, Cứ, Phàng, Hàng (hay còn gọi Hạng). Bà con trong bản theo đạo Công giáo, Tin lành... còn lại 17 hộ không theo đạo. Đây là một trong những bản thực hiện đưa người mất vào quan tài sớm ở Trung Lý, trong đó dòng họ Sùng thực hiện đưa người mất vào quan tài đầu tiên ở bản và là người nhà của trưởng bản Sùng A Thể. Để bà con tin, nghe theo thì cán bộ đều phải là người noi gương trước. Nghĩa là phải tuyên truyền trong gia đình, dòng họ mình rồi đến bà con, dòng họ khác. Trưởng bản Sùng A Thể vừa là con em dòng họ Sùng, vừa là “cán bộ” nên trong dòng họ hay trong bản đều được bà con tín nhiệm, nghe theo.

Tiếp lời Bí thư Chi bộ Giàng A Này, anh Sùng A Thể chia sẻ: Năm 2018 em họ là Sùng A Tùng (sinh năm 1995) khi đi bắt cá ở suối đã bị đuối nước. Khi nhận được tin Tùng mất, dòng họ bàn bạc và đi đến thống nhất thực hiện theo nếp sống văn hóa mới. Ban đầu trong dòng họ, gia đình vẫn còn nhiều người phản đối vì lo “Sai Tu Chị” (sợ trời phạt - PV), nhưng được cán bộ tuyên truyền đưa người mất vào quan tài và không để dài ngày để không ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường; không giết trâu bò, lợn gà nhiều để không gây tốn kém cho gia đình đã được bà con ghi nhận, vì vậy đám tang của Sùng A Tùng diễn ra thuận lợi. Kể từ năm 2018 đến tháng 6/2024 Pá Búa có 4 trường hợp người mất được đưa vào quan tài và thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ.

Góp phần xóa bỏ hủ tục

Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Lát Trương Thị Huyên chia sẻ: Hiện nay, đồng bào dân tộc Mông huyện Mường Lát sinh sống tập trung ở 39 bản thuộc các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý, Quang Chiểu, Tam Chung và Mường Lý, với tổng số 17.933 khẩu/3.387 hộ, chiếm 43,61% dân số toàn huyện. Trong đó, đồng bào dân tộc Mông sinh sống đông nhất ở các xã Pù Nhi, Nhi Sơn, Trung Lý. Đồng bào Mông sinh sống chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa và thuộc diện đặc biệt khó khăn, nhiều hủ tục vẫn còn tồn tại trong đời sống, trong đó có một số hủ tục trong thực hiện tang lễ. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền, nhất là thực hiện Đề án “Tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2013-2020” đã góp phần thay đổi, xóa bỏ hủ tục trong đồng bào dân tộc Mông. Ở các bản Mông, người mất đã được đưa vào quan tài, không bắn súng thông báo, tiễn đưa người mất; không giết mổ nhiều trâu bò, không để người mất dài ngày trong nhà và đã quy hoạch nghĩa địa tập trung, làm đường đi ra nghĩa địa...

Thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông ở Mường LátAnh Sùng A Chống, bản Pá Búa, xã Trung Lý giới thiệu về phong tục thờ cúng của đồng bào Mông. Ảnh: P.V

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 60/KH-UBND ngày 19/3/2021 về việc triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025. Bám sát sự chỉ đạo của tỉnh, Huyện ủy Mường Lát đã ban hành Quyết định số 613-QĐ/HU ngày 20/7/2022 về việc thành lập Ban Tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông huyện Mường Lát giai đoạn 2021-2025; UBND huyện Mường Lát đã ban hành Công văn số 1590/UBND-DT ngày 29/6/2022 về việc thực hiện một số nội dung công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông giai đoạn 2021-2025. Hàng năm, UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ vùng đồng bào Mông trên địa bàn huyện và đề ra những giải pháp cụ thể.

Huyện cũng tổ chức các hội nghị tuyên truyền, vận động cho cán bộ xã, bản và người dân tộc Mông về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; giữ gìn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong tập tục tang lễ. Đồng thời, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa nội dung thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ của đồng bào Mông vào nghị quyết của các cấp ủy đảng, kế hoạch của các cấp chính quyền để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện. Kiện toàn và tiếp tục duy trì hoạt động của ban vận động nếp sống văn hóa, tuyên truyền đảm bảo 100% trưởng dòng họ, trưởng bản, người có uy tín có văn bản cam kết thực hiện nếp sống văn hóa trong tang lễ theo đúng quy định; 100% bản có và thực hiện quy ước nếp sống văn hóa trong tang lễ; xóa bỏ tư duy trông chờ, ỷ lại bao cấp, trợ cấp của Nhà nước.

Năm 2024 huyện Mường Lát tiếp tục triển khai thực hiện nếp sống văn hóa trong cưới xin, tang lễ vùng đồng bào Mông, trong đó tổ chức hội nghị thực hiện nếp sống văn hóa trong cưới xin, tang lễ vùng đồng bào Mông cho người có uy tín, trưởng dòng họ, già làng, ban quản lý các bản Mông trên địa bàn huyện. Ngoài ra, Phòng Dân tộc đang xây dựng kế hoạch, tham mưu cho UBND huyện thực hiện thí điểm về phòng, chống các hủ tục tại 2 xã Pù Nhi, Nhi Sơn, dự kiến thực hiện tháng 8/2024.

Ngọc Huấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]