(vhds.baothanhhoa.vn) - Đọc CÕI VỌNG, tập thơ của Phạm Thị Kim Khánh, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2018.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Thương nhớ mãi ngọn nguồn con suối chảy

Đọc CÕI VỌNG, tập thơ của Phạm Thị Kim Khánh, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2018.

Cõi Vọng là miền khao khát, hy vọng nhưng cũng hiện hữu mà Phạm Thị Kim Khánh muốn chia sẻ, giới thiệu với bạn đọc về quê hương - đất Mường của chị, nơi “ngọn nguồn con suối chảy”.

Vẫn mạch thơ từ “Hai ngọn gió” - tập thơ chị ra mắt hai năm trước đó: tình yêu quê hương, con người, dòng tộc, tình yêu lứa đôi, những hoài niệm và đổi thay trên quê hương mình, nhưng “đậm đà” và đa diện hơn.

Tập thơ gồm 61 bài, chị sử dụng nhiều hơn các bài thơ ngắn, hướng người đọc tới sự hàm súc, đồng thời tạo cho người viết có nhiều điểm nhấn khi phát hiện, khai thác sự việc...

Khung cảnh núi rừng luôn là nền cho bức tranh thơ dẫn người đọc qua bốn mùa: Rừng kiêu hãnh dâng mùa thơm tho/ Giục trai bản khiêng bọng ong lấy mật/ Mùa gái làng vấn hương vào khăn áo/ Thả xuống suối một dòng hương (Mùa hoa rừng). Thời tiết, khí hậu luôn gắn với mùa hoa rừng, mùa vạn vật sinh sôi, mùa lên nương rẫy... đồng thời những ảnh hưởng của thiên nhiên tới con người ở miền núi cũng trực tiếp và dữ dằn hơn. Mỗi mùa đến, mùa đi, thơ Kim Khánh bộc lộ cảm giác vui buồn đến ám ảnh: Tháng Chạp ơi ta nhớ/ Lúa ráo cọng ngoài nương xóc gánh cất rướng nhà/ Cau vừa hạt dẻ/ Bà bổ xếp nống thưa/ Hong chồ trước/ Hạt đỏ au thơm chát vị nắng già.../ Em ta ra mó dìm ống bương vác nước/ Áo cóm hở bờ vai lạnh buốt/ Chim pách-chèm hót khúc trêu ngươi (Tháng Chạp). Đây là tháng Giêng: Rét không còn ngọt xé/ Nắng chưa kịp hanh vàng.../ Lá còn ươm trong lộc/ Tình như chưa là tình... Nhưng có một “Tháng Giêng bỏ quên”: Người đi về phía mặt trời/ Bỏ tháng Giêng sau lưng núi lạnh... / Chẳng còn hương bưởi thơm bỏ ngải/ Áng còn bay không níu được mùa, qua mùa thu: Vàng còn sót lại đôi hoa mướp/ Xanh ở trong veo tít ngàn cao (Thu đi), gặp mùa đông dằng dặc: Dầm dề mưa phùn, căm căm gió bấc/ Mù mịt sương giăng che lấp mặt người (Mưa dầm). Mỗi mùa mỗi cảnh, nhưng cảnh không thể thoát ly tình, cái tình thường nặng hơn khi thơ chuyển tải tâm trạng: Không thể trở về cũng không thể quên đi/ Nắng thì trắng, hoa một triền đồi trắng..., đã xuất hiện cảm giác lo âu lúc chị nghĩ có một ngày phải xa cách bản làng của mình, dẫu có thể vẫn là quy luật ít ai cưỡng nổi: Rồi cuộc đời sẽ vây riết lấy ta/ Miền đất mới sẽ khỏa lấp góc sơn cước nhỏ/ Chút hương hồi, sắc hoa trẩu, hoa ban... (Hoa trắng).

Tình yêu quê hương, bản làng, song hành với tình yêu con người, tình yêu lứa đôi. Là người chắt lọc cái tinh hoa trong các truyện thơ Mường để truyền thụ cho các lớp học sinh: Nàng Nga- đạo Hai Mối, Út Lót- Hồi Liêu, Nàng Ờm- chàng Bông Hương - những bản tình ca không chỉ có tình yêu tự do, viên mãn, còn có cả chia ly, thù hận vì tập tục, giàu nghèo, vì giai tầng ngăn cách... Bởi thế tình yêu trong thơ chị luôn có nỗi khắc khoải, linh cảm về tương lai: Nghĩ dại chứ, nhỡ ngày mai thức giấc/ Ta vẫn trông mà chẳng thấy gì/ Không đọc được tình sâu nơi đáy mắt/ Không thấy tóc anh đôi chỗ chẳng còn xanh (Nghĩ dại).

Bài thơ: “Em biết anh ở đâu?”

Ta cùng chơi

Sảy đất làm gạo

Tập dệt, se lá chuối làm chăn

Em theo anh đuổi trâu ngoài gò

Cơm nắm bẻ chung một lẻn

Muối vừng chấm chung một mo

Đi ra mó ra khe

Anh xỏ dây vác nước cho em hết dốc

Anh nói mai sau mình nên chồng nên vợ

Anh lấy lụa anh bọc, lấy vóc anh đùm

Bây giờ đi cật đất hết rừng

Em biết anh ở đâu?

Lụa không bọc, vóc không đùm

Ngồi đây cơm lẻn muối vừng, mình em.

Bài thơ ngắn gọn, súc tích, theo thể thơ tự do, các sinh hoạt cũng đặc trưng theo tập quán người miền núi: chăn trâu ngoài gò, ra mó ra khe vác nước, cơm nắm trong mo cắt thành lẻn chấm muối vừng... Tất cả những việc nặng nhọc người nam đều giành lấy, như người anh trai che đỡ, săn sóc em gái, với một lời hứa: mai sau nên chồng nên vợ, anh sẽ “lấy lụa anh bọc, lấy vóc anh đùm”, hứa hẹn nâng niu chiều chuộng lúc thành vợ chồng, thế mà người con trai nỡ buông bỏ! Thương cho cô gái vẫn còn ngơ ngác: Em biết anh ở đâu? Bài thơ không một lời than vãn, oán trách lâm ly, sao dư vị còn đắng đót trong lòng người đọc. Có thể nói: “Em biết anh ở đâu?” là một bài thơ tình hay của miền núi.

Cảm xúc thơ của Phạm Thị Kim Khánh rất nhạy bén. Chị quan sát hiện tượng và có những liên tưởng, so sánh thú vị. Khi ra phố, chị viết: Ra phố/ Không vấp đá/ Không núi chắn/ Ta lại nhìn về phía đá/ Mà trông (Ra phố). Chị miêu tả thật hồn nhiên: Bọng ong chồng lên nhau cao ngất/ Ban ngày ong ra khỏi tổ/ Không kiếm mật ngàn hoa mà tìm mật ngoài phố/ Mặt trời lặn ong về tổ/ Ngàn tổ ong sáng trưng/ Tổ ong thành mắt phố. Về với biển nhìn con sóng vô hồi chị có những phát hiện mới lạ: Biển không bờ biết đổ sóng về đâu/ Đau đến những đâu mà tự mình xoa mãi. Còn trong bài thơ “Đêm Bãi Sau” là một khám phá ấn tượng: Không trăng cũng chẳng đèn/ Biển tự bừng bừng sáng/ Trắng như ngàn lau trắng/ Thắp mình đêm không trăng.

Cõi Vọng như bước “chuyển dạ” trong hành trình thơ của Phạm Thị Kim Khánh, không ít bài thơ cảm thấy khó đọc do các cụm từ tác giả tìm tòi như: vu vơ hoa bưởi ngồn ngộn trắng hay Em ùa vàotháng Hai/ Xoay tít một vòng sực nức làm cho câu thơ nặng nề. Nhưng Cõi Vọng là tập thơ đánh dấu bước tiến của chị về cách tiếp cận đề tài, bút pháp thể hiện... và quan trọng nhất là bản sắc dân tộc “đậm đà” hơn. Chị đi sâu vào nông thôn miền núi, vào nương bản mình, những đổi thay trong thời hội nhập cùng ảnh hưởng của những biến động xã hội, vào cuộc sống người dân mà miền núi không là ngoại lệ. Chị viết về sự hùng vĩ, tiềm năng của “Sông Mã thượng nguồn”, những sinh hoạt vui tươi của các cô gái Mường, Thái “khăn thùa, áo khóm”, nghe “áng Xường lời Đang mang mang mường nước”, về những cơn lũ tàn phá quê hương...

Thơ chị dành tình cảm, sự hàm ơn cho người mẹ qua những năm tháng lao lung khốn khó, khi nhìn lại những kỷ vật trong ngôi nhà mẹ: Cái thuổng nhắc con nhớ mông váy mẹ/ Bện dày những đất đỏ, đất đen... Khi Lưng mẹ giờ ngó trời, mắt chỉ nhìn thấy đất, ông bà phải trông nom các cháu khi cha mẹ em kiếm sống ở đất người, giọng thơ xót xa: Đêm tháng Chạp không người bàn chuyện Tết/ chỉ có mế với củi và lửa/ những đứa bé ngủ mơ đòi mẹ (Tiếng tắc kè), rồi chùng xuống: Sinh kế, sinh nhai, biết bao được mất/ Biết bao giờ cơm áo mới buông tha (Đường về).

Kế bước các nhà thơ lớp trước: Cao Sơn Hải, Vương Anh, Bùi Nhị Lê... cùng các tác giả Trương Thị Mầu, Phạm Tú Anh, Phạm Tiến Triều... đội ngũ các nhà thơ dân tộc Mường ở Thanh Hóa ngày càng mạnh, Phạm Thị Kim Khánh đã đem đến một sắc thái mới, sự phong phú trong đề tài, sâu sắc trong suy ngẫm, đa dạng trong thể hiện, một khuôn mặt mới của thơ xứ Thanh.

Trịnh Ngọc Dự


Trịnh Ngọc Dự

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]