Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện
Thuộc con cháu dòng dõi khanh tướng, bản tính thông minh mưu lược, tài trí hơn người, từ nhỏ chàng trai Hoàng Văn Luyện, người làng Vũ Thượng (nay thuộc xã Xuân Lập, huyện Thọ Xuân) đã được dạy binh thư thao lược, lớn lên trở thành người phò tá quan trọng của vua Lê.
Một góc thôn Vũ Thượng.
Mảnh đất Xuân Lập (Thọ Xuân), nơi quy tụ nhiều bậc hiền tài, đặc biệt là phủ nhiều huyền tích về vị anh hùng dân tộc Lê Hoàn, lại có địa hình thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Nằm men theo sông Cầu Chày, hầu hết các làng ở Xuân Lập được phù sa bồi đắp, nguồn thủy sản với cá, tôm phong phú. Bên cạnh đó, sông nhà Lê chảy qua có tác dụng tiêu thủy, đồng thời là đường giao thông để Nhân dân trong vùng giao lưu buôn bán.
Giới thiệu với chúng tôi về hồ Thẻn trên địa bàn làng Vũ Thượng, ông Đỗ Văn Minh, trưởng làng văn hóa kiêm trưởng thôn Vũ Thượng, cho biết: Trước đây, những ngày nông nhàn, trai trẻ trong làng rủ nhau mang nơm xuống hồ úp cá rất đông. Mùa mưa thì dùng lưới, vó, lừ để đánh bắt. Sau này, hồ Thẻn vẫn là nơi tích nước để tưới ruộng trong mùa khô hạn. Trước kia, gần nửa số gia đình ở phía Tây của làng Vũ Thượng và tất cả đền, chùa, miếu mạo cũng đều hướng mặt về phía hồ. Lý do chính vì theo quan điểm phong thủy, hồ Thẻn là nơi tụ thủy và tích phước lành cho dân làng.
Men theo phía hồ Thẻn, nay để lại cho tư nhân đầu tư xây dựng trang trại, phát triển kinh tế, trưởng thôn Đỗ Văn Minh dẫn chúng tôi đến đền thờ Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện.
Ngôi đền tuy nhỏ nhưng lại nằm trên khu đất cao. Đền thờ Hoàng Văn Luyện là điểm di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh duy nhất trên địa bàn thôn.
Cầm cuốn gia phả họ Hoàng, ông Hoàng Đức Phán, trưởng ban hội đồng gia tộc cho biết: Gia tộc họ Hoàng vốn nhiều đời làm quan. Tổ đời thứ 8 của cụ Hoàng Văn Luyện là cụ Khắc Xương làm quan “Phấn lực tướng quân”; ông tổ đời thứ 6 làm quan đến chức “Lang quan”, ông tổ đời thứ 5 là Phúc Thông, cha đẻ của Hoàng Văn Luyện, làm quan “Vệ úy”.
Là con thứ ba trong gia đình quan Vệ úy Phúc Thông, từ nhỏ cụ Hoàng Văn Luyện không theo con đường khoa bảng mà được cha dạy binh thư thao lược. Năm 1682, dưới thời kỳ Lê Trung hưng, cụ sung vào quân đội.
Đền thờ Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện.
Nhắc về Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện, con cháu trong dòng họ vẫn thường kể lại chuyện: ngày 8/5/1696, tương truyền khi Hoàng Văn Luyện đi thi, ông viết chữ Hạ bị thiếu nét chấm dưới, nhưng đến lúc chấm bài, nhờ có côn trùng đậu vào chỗ thiếu nét nên chữ Hạ vẫn đầy đủ. Tin này đồn đại gần xa, chúa thấy lạ cho mời Hoàng Văn Luyện vào phủ bái yết. Nhìn diện mạo sáng sủa, khả năng ứng đối nhanh nhẹn, lại là con cháu công thần đời trước nên ngay lập tức chúa cho ông theo hầu. Kể từ năm 1697, đời vua Lê Hy tông cho đến khi nghỉ ông chủ yếu trong quân đội, tham gia thảo phạt giặc lập nhiều công trạng, nên được triều đình trọng dụng và ban chức Thượng tướng quân, Tham đốc thần Vệ quân vụ sự, tước Cẩm nghĩa hầu, sau này là Phụ quốc Thượng tướng quân, tước Cẩm quận công trụ quốc.
Bước chân vào tiền đường, chúng ta dễ dàng nhìn thấy hai câu đối ca ngợi công lao, chức tước của Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện được đặt ở vị trí trang trọng: “Lịch thế công danh thừa quốc sủng/ Hiển thời phong tặng tự triều Lê” (dịch là: Trải đời công danh được kế thừa, triều đình sủng dụng/ Hiển rõ ở đời phong tặng chức tước từ triều Lê). Ngoài một số hiện vật có giá trị như: ngai thờ, bát hương đá, thánh vị gỗ, 2 cuốn gia phả, 1 cuốn văn cúng thì 2 đạo sắc phong được ban năm 1696 và 1697 đã khẳng định công lao to lớn của Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện trong việc phò giúp vua Lê. Ông Hoàng Đức Phán cho biết: Ngày 2 tháng 3 âm lịch vừa qua, xã Xuân Lập và con cháu dòng họ Hoàng vừa tổ chức Lễ giỗ Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện. Đây là dịp để con cháu trở về quê, thăm họ hàng, người thân; đồng thời được nhắc nhớ thêm cuộc đời sự nghiệp của cụ Hoàng Văn Luyện, niềm tự hào của mỗi người dân Xuân Lập nói chung và của dòng họ Hoàng nói riêng.
Đền thờ Thượng tướng quân Hoàng Văn Luyện được công nhận di tích văn hóa lịch sử cấp tỉnh năm 2004. Tuy nhiên, cùng với thời gian, ngôi đình đã xuống cấp nghiêm trọng. Con cháu dòng họ đã chung tay đóng góp để sửa chữa khu hậu cung năm 2016 và tôn tạo khu tiền đường năm 2021. Giữ được ngôi đền và trùng tu, tôn tạo như diện mạo ngày hôm nay là sự nỗ lực của con, cháu, ông Hoàng Đức Phán, trưởng ban hội đồng gia tộc, cho biết thêm.
Bài và ảnh: Kiều Huyền
{name} - {time}
-
2024-11-19 17:17:00
Cô giáo Nguyễn Thị Hiền - người kiến tạo “ngôi trường hạnh phúc ”
-
2024-11-18 14:26:00
Còn sức khỏe, còn hiến máu cứu người
-
2024-04-26 09:53:00
Đào Hữu Phương: Buồn vui sau trang viết
Danh sĩ xứ Thanh hai lần đề tên bảng vàng
Nhạc sĩ Đoàn Dũng: Còn một chặng đường ở phía trước
Thượng tướng quân Lê Ngọc Xích trên đất Hoằng Đạt
Người thầy thuốc tận tâm, gương mẫu
Thái úy Lê Niệm: “Thanh danh trọn vẹn”
Nhà giáo Ưu tú Lê Thị Bích Ngà: Người miệt mài gieo chữ
Nhà văn Phạm Công Thắng, ngòi bút của thân phận
Tướng công Nguyễn Trung Nghĩa
Chủ tịch Hội LHPN xã Nga Hải hết lòng vì phụ nữ nghèo