(vhds.baothanhhoa.vn) - Dự án Thủy điện Hồi Xuân là 1 trong 3 công trình thủy điện trên địa bàn huyện Quan Hóa được xây dựng trên sông Mã. Nếu như Nhà máy Thủy điện Trung Sơn và Thành Sơn đã đi vào vận hành ổn định, thì hiện nay Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân vẫn đang còn dang dở. Các công trình chính chưa xây dựng tiếp, trong khi đó các hạng mục xây lắp từ lâu đang dần xuống cấp.

Thủy điện dang dở sau hơn 10 năm khởi công

Dự án Thủy điện Hồi Xuân là 1 trong 3 công trình thủy điện trên địa bàn huyện Quan Hóa được xây dựng trên sông Mã. Nếu như Nhà máy Thủy điện Trung Sơn và Thành Sơn đã đi vào vận hành ổn định, thì hiện nay Nhà máy Thủy điện Hồi Xuân vẫn đang còn dang dở. Các công trình chính chưa xây dựng tiếp, trong khi đó các hạng mục xây lắp từ lâu đang dần xuống cấp.

Thủy điện dang dở sau hơn 10 năm khởi côngDự án Thủy điện Hồi Xuân đang phải tạm dừng thi công do thiếu vốn, một số hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp.

Kỳ vọng đổi thay trên vùng đất Mường Ca Da

Những ngày này, thời tiết đang bước vào đợt nắng nóng cao điểm. Nước trên dòng sông Mã xuống thấp, đục ngầu. Công trình Thủy điện Hồi Xuân nằm trên địa bàn xã Phú Xuân im lìm trong nắng. Quan sát từ phía ngoài, công trình quây kín lại bởi những tấm tôn, hàng rào sắt đã hoen rỉ theo thời gian, có nơi chỉ còn những cột bê tông trơ trọi. Ở khu vực cửa chính được đặt tấm biển “Không phận sự miễn vào”. Những dãy nhà điều hành, nhà ở dành cho kỹ sư, công nhân hầu hết đóng cửa. Một số nhà đã hư hỏng, xuống cấp, phần mái bị bật tung chỉ còn 4 bức tường ngả màu. Theo cán bộ địa phương nơi đây, hiện tại, chủ đầu tư và nhà thầu chỉ bố trí số ít nhân viên làm nhiệm vụ bảo trì những hạng mục đã lắp đặt và trông coi bảo vệ tài sản. Dự án Thủy điện Hồi Xuân khi mới bắt đầu khởi công mang đến những kỳ vọng đổi thay cho vùng đất còn nhiều khó khăn như Quan Hóa, nhưng nhìn vào thực tế của công trình mà không khỏi xót xa, bởi các hạng mục mới chưa được xây dựng, còn các hạng mục xây trước đó thì đang dần xuống cấp.

Dự án Thủy điện Hồi Xuân có công suất 102 MW là công trình thủy điện lớn thuộc Quy hoạch bậc thang thủy điện sông Mã, được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) phê duyệt tại Quyết định số 1195/QĐ-NLDK ngày 31-3-2005 và nằm trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011-2020, có xét đến 2030 (Quy hoạch điện VII) phê duyệt tại các Quyết định số 1208/QĐ-TTg ngày 21-7-2011 và Quyết định số 428/QĐ-TTg ngày 18-3-2016 (Quy hoạch điện VII điều chỉnh) của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đã được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công thương) đồng ý để Tổng Công ty CP Xây dựng Điện Việt Nam được nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức BOO (xây dựng - sở hữu - vận hành) tại Công văn số 608/BCN-NLDK ngày 5-2-2007. Địa điểm thực hiện dự án tại huyện Quan Hóa trên địa bàn các xã Hồi Xuân và Thanh Xuân (nay là xã Phú Xuân), Trung Thành, Thành Sơn, Phú Thanh, Phú Sơn, Phú Lệ, Phú Xuân và các xã Vạn Mai, Mai Hịch, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Diện tích thực hiện dự án hơn 600 ha, trong đó, diện tích xây dựng công trình chính khoảng 55,9 ha, diện tích khu vực hồ chứa và các công trình công cộng khoảng 567,6 ha.

Việc đầu tư Dự án Thủy điện Hồi Xuân nhằm sản xuất điện hòa vào lưới điện quốc gia; tạo nguồn nước phục vụ hoạt động sản xuất công, nông nghiệp; góp phần thúc đẩy KT-XH tại địa phương. Khi dự án đi vào vận hành phát điện là nguồn năng lượng sạch và tái tạo sẽ đáp ứng được nhu cầu điện năng trong khu vực, giảm bớt tình trạng thiếu hụt điện năng của hệ thống, đặc biệt là vào các giờ cao điểm, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Theo kế hoạch, khoảng tháng 10-2012, Thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần một, cuối năm 2013 chặn dòng lần hai, đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9 cùng năm. Tuy nhiên, từ khi khởi công đến tháng 6-2014, tiến độ triển khai dự án rất chậm, sau đó dự án được chuyển giao cho chủ đầu tư mới là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO (với cổ đông chính là Công ty TNHH Dịch vụ Thương mại - Sản xuất - Xây dựng Đông Mê Kông). Tổng mức đầu tư ban đầu của dự án năm 2014 là 3.371 tỷ đồng; điều chỉnh lần 2 năm 2018 lên tổng mức là 4.540,162 tỷ đồng.

Vì sao dự án chậm tiến độ?

Từ năm 2014, sau khi chuyển giao sang chủ đầu tư mới là Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO, Dự án Thủy điện Hồi Xuân tiếp tục được triển khai thực hiện. Phần xây dựng các hạng mục công trình chính cơ bản đạt 95% khối lượng, phần lắp đặt thiết bị cơ khí, thiết bị thủy lực đạt trên 90%. Tuy nhiên, dự án đang thực hiện dở dang thì từ cuối năm 2017 đến nay phải tạm dừng các hoạt động thi công trên công trường do chủ đầu tư không bố trí được nguồn vốn để thực hiện dự án đã gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong vùng thủy điện, cũng như sự phát triển KT-XH của huyện Quan Hóa nói riêng, tỉnh Thanh Hóa nói chung.

Theo số liệu báo cáo của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng điện Hồi Xuân VNECO, tổng vốn đầu tư tính đến quý I-2022 tăng lên 5.350,16 tỷ đồng, số vốn huy động đến ngày 30-6-2022 là hơn 3.695 tỷ đồng. Dự án đang thực hiện dở dang thì từ cuối năm 2017 đến nay phải tạm dừng các hoạt động thi công trên công trường do không bố trí được nguồn vốn.

Nguyên nhân chính của việc chủ đầu tư chậm thu xếp được nguồn vốn bổ sung để thực hiện phần khối lượng còn lại của dự án là do việc đàm phán ký lại Hợp đồng mua bán điện với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kéo dài. Được sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, ngày 25-6-2021, chủ đầu tư dự án và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành việc ký lại Hợp đồng mua bán điện số 06/2021/HĐ-NMĐ-Hồi Xuân với giá bán điện đảm bảo để đưa nhà máy vào vận hành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Tuy nhiên, sau khi ký lại Hợp đồng mua bán điện với EVN, chủ đầu tư vẫn chưa bố trí được vốn, chưa hoàn thành đàm phán với các ngân hàng, tổ chức tín dụng để vay thêm phần vốn còn thiếu, dẫn đến dự án vẫn chưa thể thi công trở lại. Trong đó, vướng mắc chính là việc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) yêu cầu một số điều kiện bổ sung chủ đầu tư phải thực hiện để giải ngân khoản vay 758 tỷ đồng. Việc hoàn thành một số điều kiện của ngân hàng là rất khó khăn, phụ thuộc vào quyết định của Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước và EVN, làm kéo dài thời gian giải ngân khoản vay dự án; trong khi đó chi phí tài chính của dự án liên tục tăng hàng năm (đến nay dự án đã phải ứng vốn từ Quỹ tích lũy trả nợ quốc gia để trả khoản nợ vay thương mại nước ngoài khoảng trên 700 tỷ đồng và nợ phí bảo lãnh Chính phủ khoảng 35 tỷ đồng).

Tại Công văn số 246/BC-UBND ngày 16-12-2022 của UBND tỉnh Thanh Hóa gửi Đoàn Thanh tra theo Quyết định số 469/QĐ-TTCP ngày 2-12-2022 của Thanh tra Chính phủ báo cáo việc chấp hành pháp luật trong việc lập, triển khai thực hiện và sử dụng vốn vay đối với Dự án Thủy điện Hồi Xuân, tỉnh Thanh Hóa nêu rõ: Mặc dù Dự án Thủy điện Hồi Xuân đã nhiều lần cam kết tiến độ hoàn thành dự án với UBND tỉnh Thanh Hóa; tuy nhiên, chủ đầu tư hiện vẫn chưa bố trí được nguồn kinh phí trả nợ nhà thầu, chi trả kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho người dân và xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng: trường học, trạm y tế, cầu treo dân sinh, đường giao thông, khu tái định cư... để hoàn trả cho địa phương, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống Nhân dân quanh vùng dự án cũng như kế hoạch phát triển KT-XH của địa phương. UBND tỉnh Thanh Hóa đề xuất, kiến nghị: Thanh tra Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các cơ quan liên quan hướng dẫn, tạo điều kiện cho chủ đầu tư sớm hoàn thành các thủ tục giải ngân khoản vay bổ sung trị giá 758 tỷ đồng với Ngân hàng Agribank, để dự án sớm triển khai thi công trở lại, hoàn thành đi vào vận hành thương mại, có nguồn thu để thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả nợ khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh đúng thời hạn quy định, không để ảnh hưởng đến uy tín của Chính phủ; đồng thời ổn định đời sống, dân sinh vùng dự án, đảm bảo phát triển KT-XH của địa phương.

Được khởi công xây dựng đã hơn 10 năm, song đến nay Dự án Thủy điện Hồi Xuân (Quan Hóa) vẫn chưa thể vận hành, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân vùng dự án. Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, doanh nghiệp, tỉnh Thanh Hóa đã và đang vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy để công trình sớm đi vào vận hành, góp phần ổn định đời sống người dân vùng thủy điện, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) tỉnh Thanh Hóa.

Bài và ảnh: Huấn Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]