(vhds.baothanhhoa.vn) - Tiết kiệm “ồn ào” là thuật ngữ mới đang được chia sẻ rộng rãi trong giới trẻ. Thay vì tiết kiệm trong im lặng, bạn trẻ viết câu chuyện lên mạng xã hội với mong muốn được chia sẻ, đồng cảm.

Tiết kiệm “ồn ào”

Tiết kiệm “ồn ào” là thuật ngữ mới đang được chia sẻ rộng rãi trong giới trẻ. Thay vì tiết kiệm trong im lặng, bạn trẻ viết câu chuyện lên mạng xã hội với mong muốn được chia sẻ, đồng cảm.

Tiết kiệm “ồn ào”

Những câu chuyện tiết kiệm được chia sẻ rộng rãi trên các hội nhóm mạng xã hội.

Nguyễn Hải My, (23 tuổi) nhân viên văn phòng tại TP Thanh Hóa cho biết “trước đây, mỗi khi lướt mạng xã hội thấy những phiên live túi xách, quần áo hoặc giày dép, tôi thường bấm vào xem và cứ thế chốt đơn, mặc dù biết những ngày sau sẽ phải ăn mì tôm qua ngày. Có nhiều sản phẩm mua về nhưng chưa dùng đến, nhưng khi lướt mạng thấy món đồ nào đẹp, tôi lại tiếp tục đặt hàng. Nhiều lúc mua hàng xong là tôi đã thấy hối hận”. Cho đến khi tủ quần áo quá tải, tài khoản “cạn kiệt”, My giật mình nhận ra đã mua nhiều hơn những thứ mình thực sự cần. Cô nàng 2X đi đến quyết định thanh lý hơn một nửa số đồ hiện có trên trang Facebook cá nhân, đổi lại cô mua các sản phẩm bồi bổ cơ thể và học cách “cân đo đong đếm” mỗi khi xuống tiền. My tìm hiểu trên mạng và thấy rất nhiều bài đăng câu chuyện giống mình, họ chia sẻ “bí quyết” để sống tiết kiệm và hài lòng với cách sống hiện tại.

Trong bối cảnh nền kinh tế như hiện nay, khi mọi chi phí, giá cả tăng chóng mặt, My là một trong những người thuộc nhóm tiêu dùng trẻ, lựa chọn thẳng thắn với khả năng tài chính của bản thân và ngừng việc chi tiêu quá nhiều vào những mặt hàng xa xỉ, nhất là mua sắm đồ dùng quần áo. Những người có ngân sách không quá dư dả quyết định sống tiết kiệm hơn, họ chia sẻ câu chuyện lên mạng và tự hào về điều đó. Với những người “nghiện” mua sắm, việc sống tiết kiệm, đúng khả năng tài chính giống như “cai nghiện” bởi vậy, khi họ chia sẻ câu chuyện của mình lên mạng và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của mọi người, điều đó tạo động lực để họ duy trì lối sống tiết kiệm.

Không chỉ là những câu chuyện, “tiết kiệm ồn ào” trở thành xu hướng trên các nền tảng xã hội, với bài đăng, chia sẻ của những tiktoker nổi tiếng, facebook cá nhân... thu hút nhiều lượt xem, bình luận. Các video này chủ yếu chia sẻ các mục tiêu tiết kiệm và coi nó là phương châm sống như “bữa cơm 30k”, “thử thách chi tiêu 3 triệu đồng/tháng”...

Đây được xem là xu hướng “ngược” khi trong một thế giới trực tuyến, nơi mà sự xa hoa và sang trọng thường xuyên được phô bày. “Tiết kiệm ồn ào” khiến việc chi tiêu tiết kiệm trở nên thú vị và có thể chấp nhận được. Điều này giúp giới trẻ tự tin hơn, quản lý chi tiêu thông minh hơn. Tuy nhiên, xu hướng này cũng gây ra nhiều tranh cãi với việc tiết kiệm quá mức, đẩy bản thân vào tình cảnh khắc khổ hoặc làm những video, clip “tiết kiệm” không đúng, chỉ nhằm mục đích câu like, câu view.

Bài và ảnh: Phan Thị



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]