(vhds.baothanhhoa.vn) - (VH&ĐS) Sơn Ca là bút danh của cô giáo Nguyễn Thị Cúc (SN 1979) hiện dạy học tại miền núi Thanh Hóa. Sơn Ca viết nhiều và viết đều nhưng "Nỗi nhớ mang hình hài của gió" do Nxb Văn học phát hành, là tập thơ đầu tay của Sơn Ca.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Tình Sơn Ca trong "nỗi nhớ mang hình hài của gió"

(VH&ĐS) Sơn Ca là bút danh của cô giáo Nguyễn Thị Cúc (SN 1979) hiện dạy học tại miền núi Thanh Hóa. Sơn Ca viết nhiều và viết đều nhưng "Nỗi nhớ mang hình hài của gió" do Nxb Văn học phát hành, là tập thơ đầu tay của Sơn Ca.

Trong số 39 bài thơ thì có đến quá nửa có "hình hài" của gió. Gió trong thơ Sơn Ca mang đầy đủ sắc thái, cung bậc và sứ mệnh, gió giang hồ, gió phiêu du, gió cuốn đi, gió dội về... Nhưng gió ân tình mới chính là gió của tiếng lòng, của niềm yêu mà Sơn Ca mượn để gửi gắm thông điệp lòng mình.

Mở đầu tập thơ, gió đã được nhắc đến trong một nỗi niềm bỏ ngỏ những đêm dài: Thơ em viết khi đêm dài bỏ ngỏ/ Cơn gió đi hoang say mộng ân tình.../ Thơ em viết khi cơn mưa mùa hạ/ Giọt ngắn, dài... như nước mắt ai/ Rót vào tim những chiều nhung nhớ/ Gửi gió mây hong tóc bồng bềnh. (Thơ viết cho anh)

Thơ Sơn Ca chủ yếu viết bằng cảm xúc bản năng, bằng tiếng của lòng mình trước những rung động của nỗi niềm, của những yêu thương qua mỗi buồn vui mà năm tháng cuộc đời nếm trải. Mỗi một đổi thay của đất trời của mùa màng, mây gió cỏ cây, mỗi một cung bậc tâm trạng lòng mình đều được thốt thành lời muốn nhắn gửi vào đâu đó, gửi cho ai đó như một tâm tình yêu thương và chia sẻ.

Phải vì bao năm tháng sinh sống và dạy học nơi miền sơn cước xa xôi? Phải vì những hoang hoải đơn côi khi chiều về đêm xuống, khi nỗi buồn lên ngôi và hờn tủi tràn về để cho lòng người thiếu phụ đau đáu niềm riêng, canh cánh mong chờ? Những lúc đơn côi như thế nỗi lòng khắc khoải của Sơn Ca lại muốn gửi gió mang đi lời nhắn nhủ: Tất cả những niềm đau/ Em gửi vào mây gió/ Cửa phòng em vẫn mở/ Đón chân ai trở về (Nói với anh).

Người thiếu phụ ở vào ngưỡng cửa tuổi bốn mươi đẹp mặn mà viên mãn, phải vì thời thiếu nữ đã qua khi cuộc đời đã ít nhiều thăng trầm trải nghiệm mà người ta hay hoài niệm và mênh mang nỗi niềm tâm tư, chênh chao khi xa vắng, bồi hồi khi nhớ nhung mong ngóng. Yêu thương và gửi gắm, mong đợi và tin yêu đã như mạch nguồn cảm xúc trong nỗi niềm riêng để Sơn Ca thốt thành lời thơ đau đáu: Chờ mong và chờ mong/ Một bờ vai chắn gió/ Một ân tình dù nhỏ/ Đến bên em mộng lành (Nỗi nhớ mang hình hài của gió).

Dù khắc khoải mong chờ, dù khao khát yêu đương và có những khi nức nở nghẹn ngào xen lẫn đắng cay... Nhưng gió ân tình mới là điều mà Sơn Ca muốn gửi trao muốn nói lên tự đáy lòng mình: Tan trong gió và mây ngàn rẽ lối/ Tiễn em về nơi cuối trời xa/ .../ Nghe suối hát và mây ngàn giăng lối/ Lời du ca như tiếng vỗ về (Hỏi nhân gian).

Dẫu tất cả chỉ là cảm xúc thăng hoa trong tình yêu, những tâm sự của nỗi niềm riêng tư, dẫu ý tứ, lời thơ còn đôi chỗ mộc mạc, giọng thơ đều đều quen thuộc có chút giản đơn... Nhưng đã hiển hiện những chấm phá nghệ thuật thi ca trong thơ Sơn Ca. Không quá nặng nề lệ thuộc và gò vào thủ pháp, niêm luật hay kết cấu, ẩn dụ, tu từ... Nhạy cảm và lắng sâu, tinh tế và lãng mạn, bằng ngôn ngữ dung dị như tiếng lòng thiếu nữ đã làm nên những tứ thơ mềm mượt và trong sáng, lời thơ gọn gàng mà chặt chẽ. Bằng sự chọn lọc khắt khe nghiêm cẩn mà vẫn tạo nên sự bay bổng rung ngân da diết... Đó chính là tiếng của lòng người, tiếng của nàng thơ. Không có tâm hồn và tình yêu tha thiết với đời với người với thiên nhiên cây cỏ thì khó mà viết được như thế. Và, “Nỗi nhớ mang hình hài của gió” là một tập thơ hay và đáng được khích lệ. Hãy cứ thế đi, hãy cứ là Sơn Ca với nỗi lòng yêu thương khắc khoải, cứ nuối tiếc tiễn đưa và bồi hồi xao xuyến với những gì đã qua và những gì đang đến. Yêu được thơ đã quý nhưng bằng cảm xúc và tiếng lòng để viết thành thơ đó mới thật là một điều tuyệt diệu.

Trịnh Đình Nghi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]