(vhds.baothanhhoa.vn) - Cách đây hai mươi năm, ông ngoại của tụi nhỏ càu nhàu: “Việc gì phải nhộn nhạo lên, Noel, Halloween, Valentine... đâu phải lễ tiết xứ mình...”.

Tình yêu của người già

Cách đây hai mươi năm, ông ngoại của tụi nhỏ càu nhàu: “Việc gì phải nhộn nhạo lên, Noel, Halloween, Valentine... đâu phải lễ tiết xứ mình...”.

Tình yêu của người già

Minh họa: BH

Nhưng mấy năm lại đây, cứ đến gần ngày lễ tình yêu, tụi trẻ lại ngó trộm xem ông sẽ tặng bà món quà gì. Lúc trẻ chẳng biết ông bà có bị các cụ cấm cản không nhưng giờ giấu con cháu kỹ lắm, nghĩ mà vui. Ai tin được người già cũng có những sự thay đổi như thế.

Thật ra sau chừng ấy năm du nhập vào Việt Nam, không ít ngày lễ đã được “Việt hóa” mang ý nghĩa tích cực. Ngày lễ tình yêu không chỉ là lúc chúng ta thể hiện cho tròn trách nhiệm mà còn để sống chậm và quan sát xem xung quanh chúng ta mọi người thể hiện tình cảm đó như thế nào, bản thân ta đã thực sự yêu thương đúng nghĩa hay chưa?

Quay lại câu chuyện tình yêu của ông bà ngoại tụi nhỏ mới thấy thấm thía. Khi thật sự trân trọng, dù ở độ tuổi nào người ta sẽ có cách để thể hiện sao cho chừng mực lại tinh tế kín đáo. Tụi con cháu chờ xem ông sẽ mua hoa tặng bà ở đâu, có bí mật mua chocolate không, thiệp ghi những lời yêu thương mùi mẫn nào?

Nhưng, cuối cùng, ông đã cho cả nhà một sự bất ngờ. Chuyện là, gia đình có ba thế hệ sống chung, con dâu hợp tính mẹ chồng, cháu gái đã lớn nên được bà chăm sóc, quan tâm chu đáo. Những việc như gội đầu, chải tóc, thuốc thang nào cần đến bàn tay vụng về của ông. Bà cũng đâu còn ở cái tuổi thích quần áo đẹp, trang sức đắt tiền hay tiệc tùng cầu kỳ. Nói như thế là chẳng còn cơ hội cho ông?

Sáng hôm ấy, âm thầm theo dõi thấy ông đã dậy từ khi nào, lặng lẽ làm một việc mà có lẽ đã diễn ra từ bấy lâu nay: Nhặt những sợi tóc bạc của bà rụng xuống và cẩn thận cất vào trong một chiếc hộp. Tưởng rằng bà giờ mắt mờ, chân chậm lại thức dậy muộn sẽ không biết, ai ngờ đến bữa cơm trưa bà hỏi:

- Lúc đầu xanh, tuổi trẻ thì chả thấy ông quan tâm, giờ muối tiêu, sương móc ông sưu tập tóc tôi làm gì?

Bấy giờ ông mới giảng giải:

- Tôi tiếc từng sợi tóc của bà, với tôi những gì thuộc về bà mãi mãi là một giá trị nên mất đi một sợi tóc thôi cũng tiếc...

Bà lặng im, đôi mắt ngấn lệ. Ở vào cái tuổi không còn xuân sắc, vị thế làm mẹ, làm bà không cho phép những cử chỉ “bồng bột” nhưng bao giờ bà cũng dành cho ông những cử chỉ thân tình. Ông về muộn bà vẫn đợi cửa, ông đi du lịch ít ngày bà đem quần áo của ông ra giặt, đồ dùng ra lau chùi. Nếu chuyến đi của ông dài ngày, bà lại kể những kỷ niệm thời ông đi công tác xa... nhắc xưa để nói chuyện hôm nay, bà ý tứ như thế đó.

Có lúc ông đang say sưa kể chuyện “ngày xưa...”, bà bất ngờ hỏi bâng quơ: “Thế ông vẫn tiếc bà nào à?”, “Ông thích thì bảo chúng nó đưa về chốn cũ”. Nói xong, bà đi nằm sớm. Người ngoài thấy thế sẽ bảo: “Các cụ già rồi mà còn bày đặt ghen tuông”. Thực ra, đó là cách để bà “nhắc khéo” rằng bà vẫn còn thương ông nhiều lắm. Ông có già, bà vẫn chẳng để ai động đến ông.

Người già có cách để yêu thương chứ đâu phải chỉ tụi trẻ mới có cách tạo ra romantic. Cách yêu thương đằm sâu, tinh tế và đáng yêu biết chừng nào. Tình yêu luôn là một giá trị bởi mỗi người chúng ta biết tạo ra giá trị ấy dù ở độ tuổi nào và đâu chỉ giới hạn một ngày lễ trong năm...

Tản văn của Bùi Việt Phương (CTV)



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]