(vhds.baothanhhoa.vn) - Quá khứ tự nhiên vụt hiện về cùng với ngôi nhà nhỏ ở đầu phố huyện. Tuy chỉ là một nếp nhà cấp bốn nhưng với vợ chồng lão đó là thiên đường. Từ ngôi nhà ấy các con lão đã được nuôi dạy lớn khôn, học hành đỗ đạt.

Tình yêu học trò

Quá khứ tự nhiên vụt hiện về cùng với ngôi nhà nhỏ ở đầu phố huyện. Tuy chỉ là một nếp nhà cấp bốn nhưng với vợ chồng lão đó là thiên đường. Từ ngôi nhà ấy các con lão đã được nuôi dạy lớn khôn, học hành đỗ đạt.

Tình yêu học tròMinh họa: Linh Chi

Hương đã chuẩn bị xong buổi tối. Bên ngoài, giáo Hoàn vẫn ngồi trước màn hình theo dõi bản tin thời tiết. Hương đến ngồi cạnh lão, hỏi: - Trong vòng mười ngày tới thời tiết miền Bắc có gì thay đổi không thầy? Vẫn thế! Giáo Hoàn nói. Trời lạnh nhưng không có mưa. Hương vui vẻ: Vậy thì tốt rồi! Em lo sang tuần mà miền Bắc có mưa thì sẽ vỡ hết kế hoạch. Em định đi đâu mà quan tâm đến chuyện mưa gió thế? Em đi chùa Hương. Thế à? Có nhiều người đi không? Em không thích đông người. Nhưng em muốn mời thầy cùng đi. Hương nói, hai mắt đăm đăm ngước nhìn lão. Thầy… thầy đi làm sao được? Giáo Hoàn bỗng thấy bối rối trước ánh mắt của cô học trò cũ. Lão vụng về đưa ra lý do: Thầy không quen những lễ hội đông người và… còn phải trông nhà nữa. Hương tỏ ra thất vọng, nói giọng khi dỗi: Nhà thì cứ khóa cửa để đấy. Bây giờ có còn trộm nữa đâu! Thôi, thầy không đi thì em đi một mình vậy. Em muốn có một lần trải nghiệm để giải tỏa những oan khuất của đời mình. Giáo Hoàn bỗng thấy vấn đề có vẻ nghiêm trọng. Em bảo… đi để giải tỏa những oan khuất của đời mình? Là gì vậy? Là gì rồi em sẽ nói sau. Giờ em muốn hỏi thầy có một bài thơ rất hay về chùa Hương thầy đã đọc chưa? Thi phẩm nổi tiếng viết về chùa Hương lứa tuổi thầy thì mấy người không đọc và thuộc lòng từng câu. Giáo Hoàn tự tin trả lời rồi cất giọng đọc: “Hôm qua em đi chùa Hương. Hoa cỏ còn mờ hơi sương…”. Thôi mà thầy! Hương xua tay, ngắt lời lão. Không phải bài thơ ấy. Em muốn hỏi một thi phẩm khác viết về chùa Hương kia. Một bài thơ từng đoạt giải cuộc thi thơ báo Văn nghệ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Giáo Hoàn lúng túng: Thế thì thầy chịu! Thơ hay về chùa Hương thầy chỉ nhớ mỗi bài của Nguyễn Nhược Pháp. Còn cái bài thơ mà em nói là bài gì, của tác giả nào vậy? Em không nhớ tên bài và cả tên tác giả. Nhưng khổ thơ cuối cùng của bài thơ ấy thì em nhớ. Để em đọc thầy nghe nhé: “Qua Thiên Trù nối bước lên. Thăm suối người xưa rửa khổ. Suối Giải oan còn đó. Nhưng đã qua rồi cái cảnh oan khiên”, thầy thấy thế nào? Giáo Hoàn gật gù. Ừ, đúng là hay. Rất hay! Nhưng mấy câu thơ ấy thì có liên quan gì đến em? Hương nhìn như xoáy vào mắt lão, giọng trách móc. Có nên em mới nhớ và viện dẫn nó ra chứ! Vì thầy vô tình nên không biết nó có liên quan đến cuộc đời của em thôi. Giáo Hoàn giật mình. Thầy… thầy xin lỗi. Không lẽ ngoài cái án Mỵ Châu em còn gặp chuyện gì oan trái à? Một chuyện tày đình! Thiên hạ đã đổ cho em tội bỏ mặc để chồng chết oan… Bỏ mặc để chồng chết oan? Giáo Hoàn giật mình. Sực nhớ ngày đầu gặp lại cô học trò cũ lão chỉ mới được nghe Hương nói chồng đã mất, còn mất vì lý do gì thì lão chưa hỏi. Giờ được nghe thông tin này thì lão bị sốc thật sự. Lão nôn nóng. Sự thể thế nào, em nói rõ thầy nghe được không? Hương nhìn lão, cười buồn: Chuyện oan khuất này em định lúc thầy trò mình đã ngồi bên con suối Giải oan ở thắng tích chùa Hương rồi em mới nói. Nhưng thầy đã từ chối lời mời của em rồi thì có cần nói nữa không? Giáo Hoàn bỗng thấy thật khó xử. Rồi vì tò mò, lão xuống thang. Thì em cứ nói cho thầy nghe đi. Biết đâu nó lại là lý do để thầy phải đi cùng em? Là thầy hứa đấy nhé! Hương tươi tỉnh trở lại rồi vanh vách kể: Chồng em là một lái xe đường dài. Thầy cũng biết nghề này rất có giá vì kiếm ra tiền. Nhưng vì đồng tiền kiếm được dễ dàng nên cũng dễ sa đà vào con đường nghiện hút. Anh ấy và một số lái xe bị buộc phải đi trại cai nghiện tập trung. Một năm sau thì tất cả được trả về. Có ba người được lãnh đạo trại thông báo với chính quyền địa phương đã dương tính với căn bệnh “ếch” (AIDS). Rất may là chồng em không nằm trong số đó. Em rất mừng và đặt quyết tâm phải kéo chồng về với cuộc sống thật lành mạnh. Các trường hợp dính “ếch” mấy tháng sau đó đều lần lượt lên nghĩa trang. Điều này càng thôi thúc em phải quan tâm chăm sóc anh ấy nhiều hơn. Nhưng rồi… vì quá tin chồng và cũng vì để rảnh tay làm ăn, tháng nào em cũng đưa cho chồng em một số tiền lớn để anh ấy thích gì thì tự mua lấy mà ăn. Trong một chuyến lên cửa khẩu Lạng Sơn giao hàng gặp trục trặc em về chậm mất một ngày. Về nhà thấy cửa khóa trái, bên trong thì yên ắng đến dễ sợ. Linh cảm có chuyện chẳng lành em phá cửa lao vào thì thấy anh ấy nằm thẳng đơ trên nền nhà, hai mắt trợn ngược còn toàn thân đã lạnh cứng. Một tay anh ấy vẫn cầm cái bật lửa ga, tay kia thì nắm tờ giấy trang kim. Em chết lặng. Thì ra ngựa quen đường cũ, sẵn tiền trong tay anh ấy vẫn lén mua hêrôin về hít. Em vội vuốt mắt, bế anh ấy đặt lên giường, xóa sạch dấu vết rồi mới hô hoán hàng xóm. Mọi người đến đầy nhà. Không một ai nghi ngờ chồng em chết vì sốc thuốc. Nhưng cái tội vô trách nhiệm, chỉ lo làm giàu để chồng chết oan thì ngay lập tức đổ xuống đầu em. Em phải nhẫn nhịn chịu nhục mà không dám nói ra sự thật… Hương đột ngột bưng mặt khóc tấm tức. Giáo Hoàn lặng đi một lúc rồi gật gù: Thầy hiểu rồi. Vì thế mà em muốn đến chùa Hương, đến bên con suối Giải oan để viết lại câu thơ cuối của bài thơ ấy. Thầy thật hiểu em! Hương lau nước mắt, tươi tỉnh lại. Em sẽ viết lại câu kết của bài thơ là “Bởi cuộc đời còn lắm nỗi oan khiên”. Nhưng việc làm này chỉ thật sự ý nghĩa khi có mặt của thầy... Hương! Giáo Hoàn nhẹ nhàng. Có thật sự cần thiết vậy không em? Thầy nghĩ ở đây, ngay lúc này em vẫn có thể làm được cái việc ấy mà. Cần gì em và thầy phải đến cái nơi xa xôi ấy, rồi tránh sao những lời bàn tán của mọi người. Hường rũ ra cười. Thầy ơi là thầy! Từ ngày nhận nhà mới đến giờ thầy chưa bước chân ra đường nên không nghe, không biết gì hết. Chuyện của em và thầy ngoài phố người ta đã đồn ầm lên rồi kìa… Giáo Hoàn giật mình, ngắt lời cô học trò cũ. Họ đồn… thế nào em? Hương thản nhiên. Họ nói em và thầy ngày thì nấu cơm ăn chung, tối đến…Trời đất! Thiên hạ thật độc mồm độc miệng. Chuyện nghiêm trọng như vậy sao em không nói cho thầy biết? Mà em có giải thích cho họ hiểu mối quan hệ trong sáng của thầy và em không? Hương vẫn thản nhiên. Em không giải thích, không thanh minh gì hết. Thầy biết chống lại đám đông là vô ích mà… Giáo Hoàn đưa tay ôm đầu, gục mặt xuống bàn, rền rĩ. Em hại chết thầy rồi! Hương dịch ngồi sát thầy giáo cũ, vỗ về: Thầy… Em thấy vấn đề có gì nghiêm trọng lắm đâu. Hàng phố họ cũng có cái lý của họ. Thầy mới về hưu, còn em chưa đến năm mươi. Thầy góa vợ, em thì chồng chết, hai nhà ở gần nhau lại còn mở thêm cái cửa nách… Giáo Hoàn vụt đứng dậy ngắt lời cô học trò cũ. Hương! Em nói vậy là có ý gì? Còn ý gì nữa, em yêu thầy, muốn được chăm sóc thầy. Chỉ vì thầy lúc nào cũng vô tình nên không nhận ra tình cảm của em thôi. Giáo Hoàn chết lặng. Lão run rẩy nói: Không được đâu em. Hãy giữ cho tình cảm thầy trò luôn trong sáng… Hương cũng vụt đứng dậy, nhìn như xoáy vào mắt lão, giọng hờn dỗi: Thầy không muốn chấp nhận tình cảm của em thì cứ nói thẳng. Hương nhanh tay đẩy cánh cửa nách, đi sang nhà mình. Lão ôm đầu, ngồi phịch xuống ghế. Vậy là cái điều lâu nay lão chỉ mới manh nha đúng là có thật. Cũng đã nhiều đêm lão thức giấc khi nghĩ đến những cử chỉ chăm sóc ân cần và ánh mắt nồng nàn của Hương. Nhưng mỗi lần như vậy lão lại tự dặn mình đấy chỉ là tình cảm cô học trò yêu dành cho thầy giáo cũ trong hoàn cảnh góa bụa. Bây giờ thì đúng là lão đang phải giải một bài toán khó của cuộc đời. Nhà, đất mua bán xong rồi, lão và Hương đã là hàng xóm, có muốn trốn chạy cũng không được. Giờ phải làm sao đây?

Quá khứ tự nhiên vụt hiện về cùng với ngôi nhà nhỏ ở đầu phố huyện. Tuy chỉ là một nếp nhà cấp bốn nhưng với vợ chồng lão đó là thiên đường. Từ ngôi nhà ấy các con lão đã được nuôi dạy lớn khôn, học hành đỗ đạt. Phố huyện mở rộng. Cánh đồng quanh năm ồn ào tiếng côn trùng bỗng chốc trở thành một trung tâm thương mại. Nhiều nhà cao tầng, nhiều biệt thự mọc lên. Mười năm trước, vợ chồng lão đã bỏ ra tất cả khoản tiền tích cóp được để xây một ngôi nhà mái bằng. Những tưởng sau nhiều năm tháng cống hiến cho sự nghiệp trồng người vợ chồng lão sẽ gắn bó cả phần đời còn lại với ngôi nhà ấy. Nhưng đùng một cái vợ lão đột ngột ngã bệnh rồi ra đi vĩnh viễn. Hai con lão, đứa lớn cùng chồng chuyển về thành phố, thằng em là kiến trúc sư quyết định phá ngôi nhà để xây lại theo một thiết kế mới. Chính từ việc này mà mâu thuẫn giữa lão và vợ chồng con trai đã nảy sinh. Lão muốn giữ ngôi nhà hoặc nếu chúng muốn phá đi xây lại thì phải để lão ở tầng một, bàn thờ vợ thì bố trí ngay phòng bên cho tiện việc hương khói. Nhưng chúng lại thiết kế phòng ngủ cho lão và phòng thờ trên tầng ba. Lão không chịu nhưng chúng vẫn cứ ý mình. Thành thử sống trong ngôi nhà đầy đủ tiện nghi mà lúc nào lão cũng thấy bức xúc.

Cái ý định mua đất làm nhà ở riêng bỗng bật lên trong đầu khi lão nhận sổ hưu. Còn chưa tìm được mảnh đất ưng ý mà hợp với túi tiền thì lão nhận được giấy mời của hội học sinh lớp 7A trường cấp 2 Lâm Bình mời lên dự cuộc gặp mặt nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày tốt nghiệp. Giấy mời do Lê Thị Hương, lớp trưởng ký và cũng đích thân Hương đến nhà trao tận tay. Trong cuộc đời dạy học của mình, Hương là một học sinh để lại trong lão nhiều ấn tượng nhất. Lâm Bình ngày ấy được xem như một địa bàn vùng xa, đặc biệt khó khăn của huyện. Học sinh ở đây hầu hết đều đi học muộn. Năm đầu tiên lên Lâm Bình lão được phân công chủ nhiệm lớp 6A. 6A là lớp duy nhất trong khối học sinh toàn là con em các gia đình có hộ khẩu ở phố Hạ, thuộc diện phi nông nghiệp, được Nhà nước cấp sổ mua lương thực. So với các lớp khác, học sinh lớp lão chủ nhiệm có điều kiện hơn, áo quần lúc nào cũng tươm tất, đặc biệt là không phải lo vác cái bụng đói đi học. Hương là lớp trưởng từ năm đầu cấp lại rất năng nổ và có uy tín với bạn học nên lão giữ nguyên vị trí ấy cho Hương khi nhận chủ nhiệm lớp. Cô nữ sinh này thực sự đã gây cho lão sự tò mò thích thú với những phát biểu xây dựng bài trong các giờ Văn và Lịch sử. Lão còn nhớ một lần, vì cần soạn tiếp giáo án cho ngày hôm sau nên tan học rồi nhưng lão vẫn ngồi lại làm việc. Được một lúc thì thấy Hương thập thò trước cửa. Lão nhìn ra, hỏi: Em chưa về à? Hương rụt rè nói: Thưa thầy, em muốn gặp thầy một lúc có được không ạ? Lão gấp trang giáo án đang soạn dở lại. Em vào đi. Cần gặp thầy có chuyện gì không? Hương bước nhanh đến bên bàn. Em có suy nghĩ này, định đến chiều gặp riêng thầy mới nói. Giờ thấy thầy chưa về nên em nán lại để hỏi luôn. Lão nghĩ bài giảng của mình chắc lại có gì sơ suất nên nôn nóng. Có phát hiện gì em nói đi. Hương mạnh dạn trình bày suy nghĩ của mình. Thưa thầy, em thấy chuyện An Dương Vương xây thành ốc và sự sụp đổ của nhà nước Âu Lạc có cái gì đó rất thiếu công bằng trong việc phán quyết tội trạng của các nhân vật... Lão giật mình. Tuy trong bài học không nói rõ Mỵ Châu lấy chồng lúc bao nhiêu tuổi, nhưng cứ theo suy diễn của em thì vào thời điểm ấy Mỵ Châu nhiều lắm cũng chỉ mới 16 tuổi. Tuổi ấy, lại sống cách ta hàng mấy ngàn năm thầy bảo làm sao nàng đủ khôn để lo chuyện đại sự quốc gia khi đang đắm chìm trong hạnh phúc lứa đôi. Nỏ thần là vũ khí có sức mạnh bảo vệ đất nước mà cả An Dương Vương và tướng quân Cao Lỗ đều không có chế độ bảo vệ nghiêm ngặt, để Trọng Thủy biết được bí mật từ người vợ trẻ và đánh tráo lẫy nỏ một cách dễ dàng. Khi đại quân của Triệu Đà tràn xuống, An Dương Vương phải cùng Mỵ Châu bỏ chạy, chỉ một lời của thần Rùa “Giặc ngồi sau lưng nhà ngươi” mà An Dương Vương lập tức tuốt gươm chém bay đầu con gái… Em thấy An Dương Vương thật quá hồ đồ và Mỵ Châu thì thật đáng thương. Đáng thương hơn là cùng với cái chết tức tưởi, oan ức Mỵ Châu bỗng trở thành kẻ tội đồ phải gánh hết trách nhiệm làm mất nước Âu Lạc. Lão nghe mà có cảm giác toàn thân nổi gai. Nhận định này em đã nói với ai chưa? Đừng nói những điều em vừa nói với ai nhé. Nếu việc này đến tai ban giám hiệu sẽ rất rắc rối cho thầy. Hương đã giữ lời hứa, không nói với ai, cũng không nhắc lại chuyện này với lão nữa. Rồi Hương ra trường, nhanh chóng trở thành một giáo viên dạy Văn, Sử có năng lực. Thời gian này lão đã được chuyển về trường huyện để dạy cùng vợ. Công việc chuyên môn và áp lực của cuộc sống khiến lão không còn thời gian để theo dõi những bước đi tiếp theo của cô học trò cũ. Không lâu sau lão nhận được tin Hương đã bỏ nghề.

- Thầy đang có ý định tìm mua một đám đất khác để làm vài gian ở và có chỗ tiếp đón bạn bè… Mắt Hương vụt sáng lên. Nếu có dự định ấy thì thầy để em lo cho. Nhưng không biết thầy có chấp nhận lên Lâm Bình không. Ở đâu cũng được. Nếu mua được đất ở Lâm Bình thì càng tốt. Thầy sẽ có rất nhiều người quen là học trò cũ như em. Vậy thì tốt rồi. Em có người hàng xóm đang cần bán nhà gấp để chuyển vào Bình Dương sống với con trai. Thầy lên dự buổi họp mặt rồi nhân thể đến xem. Nếu ưng thì quyết luôn. Mọi thủ tục sang nhượng thầy để em lo. Lão mừng ra mặt. Vậy em giúp thầy nhé. Được làm hàng xóm với em thì thầy yên tâm rồi. Hương quả là người rất tháo vát. Chỉ mấy ngày sau buổi họp mặt, mọi thủ tục mua bán và sang tên đổi chủ ngôi nhà đã được Hương hoàn tất. Hôm cầm tờ sổ hồng do Hương trao, lão xúc động không nói nên lời...

Giáo Hoàn đến bàn ăn nhấc cái lồng bàn lên. Mâm cơm với mấy món dân dã được Hương nấu rất ngon mà từ ngày chuyển lên nhà mới bữa nào lão cũng được thưởng thức xem chừng đã nguội. Nếu không có câu chuyện vừa rồi chắc giờ này lão và cô học trò cũ đang ngồi vừa ăn vừa nói chuyện vui vẻ. Lão đậy lồng bàn lại xăm xăm đi đến chỗ cái cửa nách để sang nhà Hương. Trong nhà hoàn toàn im ắng. Lão mon men đến phòng ngủ, đưa tay khẽ gõ cửa… Bên trong vọng ra tiếng Hương. Ai đấy? Là thầy đây! Em ra đi, thầy có chuyện muốn nói… Giọng Hương yếu ớt. Em mệt lắm. Thầy vào đi… Như vậy… có tiện không em? Thầy sao thế? Có gì đâu mà tiện với không tiện… Giáo Hoàn miễn cưỡng đẩy cửa bước vào. Hương vẫn cuốn chăn nằm trên giường. Lão nhìn quanh muốn tìm một cái ghế. Hương nói như gắt. Thầy ngồi cạnh em một lúc không được à? Giáo Hoàn bất đắc dĩ phải ngồi xuống giường. Thầy ăn cơm chưa? Ăn xong cứ đậy lồng bàn để đó rồi lúc nữa em sang dọn. Giáo Hoàn lắc đầu. Không có em thầy ăn một mình sao được. Em làm sao thế? Em chả sao cả! Từ ngày mai em chỉ nấu cho mình thầy thôi. Còn nếu thầy ngại điều tiếng thì em nấu ở nhà rồi đưa sang cho thầy… Thế còn em? Em ăn một mình, đơn độc như những ngày thầy chưa chuyển lên đây… Giáo Hoàn bỗng thấy lòng như mềm lại. Hương! Mọi việc đều có thể giải quyết được mà… Nhưng em cũng phải cho thầy thời gian chứ. Hương vụt tung chăn ngồi dậy. Em có ép thầy đâu. Nhưng thầy bảo thời gian em phải chờ là bao lâu? Một tháng nữa thôi. Em cứ đi du lịch chùa Hương đi. Thầy cảm ơn tình cảm em đã dành cho thầy. Nhưng việc này rất hệ trọng. Thầy muốn để đến giỗ cô sẽ báo cáo với bà ấy và xin bà ấy thông cảm để thầy được tục huyền… Hương ngả đầu vào ngực thầy giáo cũ. Thầy… cả điều đơn giản ấy mà em cũng không nghĩ ra. Em xin lỗi thầy, xin lỗi cô.

Truyện ngắn của Đào Hữu Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]