Tôi là Tiểu Bạch và đây là chuyện của lũ mèo chúng tôi
Cũng từ khi chuyển nhà, vì thời gian rảnh nhiều quá, nên tôi tập... viết nhật ký. Tất nhiên là theo kiểu của mèo rồi - chúng tôi chỉ việc ngồi ngước mắt, kêu meo meo, gừ gừ cho cô chủ chắp bút.
Đúng ra thì chúng tôi có 3 anh em, cũng có thể là 3 chị em vì mẹ chúng tôi không nói đứa nào được sinh ra đầu tiên. Mà thực ra, mẹ cũng không có cơ hội để nói điều đó với chúng tôi. Vì ngay sau khi chào đời, mới được bú sữa mẹ vài lần, chúng tôi đã bị bà lão bắt ra khỏi ổ và mang cho cô chủ hiện tại của chúng tôi. Đấy là bây giờ, khi đã biết hóng chuyện, tôi nghe cô chủ kể lại thế, chứ khi ấy mắt chúng tôi có nhìn thấy gì đâu.
3 chúng tôi ban đầu, giờ chỉ còn 2, vì một người anh hoặc em của chúng tôi đã bỏ chúng tôi về với thiên đường của loài mèo vào một buổi sớm mai. Chuyện này cũng là cô chủ kể lại. Trong ký ức mỏng mảnh của chúng tôi, chỉ nhớ nó còi, yếu nhất bọn, hay rúc vào giữa để nằm.
À, nó cũng có tên, như chúng tôi vậy. Nó tên là Tiểu Mun vì lông nó màu xám. Tôi tên là Tiểu Bạch vì trừ đốm đen trên đầu thì tôi có bộ lông trắng. Còn đây là Tiểu Hoa, vì nó có nhiều đốm đen trên bộ lông trắng hơn tôi.
Ấy là cô chủ đặt tên chúng tôi như thế. Còn từ lúc tranh nhau bú sữa đến giờ, chúng tôi toàn gọi nhau là ngoee... ngoee... sau đó rõ tiếng của loài mèo hơn, thì là meeo... meeo.
Ban đầu thì cô chủ làm cho chúng tôi một căn nhà bằng thùng giấy, có phủ bông bên ngoài và lót vải ấm bên trong. Mỗi lần ôm chúng tôi vào lòng, cô chủ thủ thỉ, là tuyết phủ trên mái nhà đấy. Chúng tôi thì chưa được chạm vào tuyết bao giờ, cô chủ cũng vậy. Nhưng điều đó chẳng quan trọng gì, vì căn nhà giấy rất xinh và ấm áp.
Nhưng thói hiếu động của loài mèo lớn dần theo cơ thể của chúng tôi. Và khi chúng tôi chỉ cần nhún chân một cái là tót ra khỏi căn nhà giấy, cũng là lúc cô chủ chuyển chúng tôi sang một cái nhà lớn hơn, làm bằng những thanh nan rất cứng mà chúng tôi gặm mãi không đứt.
Cũng từ khi chuyển nhà, chúng tôi ít được tự do rong chơi bên ngoài hơn, mà chơi với cái đuôi trong nhà mãi cũng chán và rất bực mình vì chẳng bao giờ tóm được nó, nên tôi dành thời gian tập... viết nhật ký. Tất nhiên là theo kiểu của mèo rồi - chúng tôi chỉ việc ngồi kêu meo, meo, gừ gừ... cho cô chủ chắp bút.
Dưới đây là câu chuyện thứ nhất: Uống sữa
Cứ mỗi lần đói bụng là chúng tôi thi nhau gào toáng lên, ngoee, ngoee...
Thế là cô chủ rót sữa vào 2 cái lọ nước nhỏ mắt bé tí, ngâm vào bát nước nóng một lát cho ấm, rồi nhấc chúng tôi ra khỏi căn nhà phủ tuyết và cho chúng tôi bú tí.
Tôi thì thích được cô chủ đặt ngửa trong tay, rồi kề bình sữa vào miệng. Tôi tóm lấy cái bình và cứ thế tu một hơi căng bụng.
Tiểu Hoa thì bú đứng, nó chồm tới, lấy 2 tay - thực ra là 2 chân trước ghì lấy bình sữa và tu ti ngon lành.
Có tới mấy vị sữa cơ, nhưng giờ chúng tôi ăn cơm với cá rồi, nên không còn nhớ lắm.
Mỗi lần cô chủ cho chúng tôi bú sữa, bố cô chủ lại nhìn và hỏi: Sao bọn chỉ ăn với ngủ mà không thấy... ị nhỉ.
Cô chủ trả lời, con cũng thấy thế đấy. Lạ thật?
Đến bây giờ, đó vẫn là câu hỏi không có lời giải. Mà cũng chẳng ai nhắc đến chuyện đó nữa. Vì khi chúng tôi lớn chừng này rồi, đấy là chuyện tế nhị của loài mèo.
Đấy, cô chủ bắt đầu ghi chép những chuyện nhỏ nhất như thế cho chúng tôi, vì tôi nghe đâu đó rằng, trí nhớ loài mèo không được tốt như loài chó, nên viết nhật ký là cách để chúng tôi ghi nhớ việc chúng tôi – những chú mèo hoang bị vứt bỏ, đã được cô chủ mang đến cho cả một gia đình.
Câu chuyện thứ hai, tôi sẽ kể sau đây, vì đã đến giờ chúng tôi đi tắm nắng và tập trèo cây rồi.
Nguyên Phong
{name} - {time}
-
2024-11-20 20:00:00
[Podcast] - Tản văn: Cô giáo của tuổi thơ
-
2024-11-16 19:00:00
[Podcast] Truyện ngắn: Lớp học của tình yêu thương
-
2024-01-18 09:55:00
Rực rỡ 90 bức họa và tượng gốm mừng đón năm mới Giáp Thìn 2024
“Lời nguyện cầu Chernobyl” - chẳng từ ngữ nào có thể diễn tả được cảm xúc sau khi đọc cuốn sách này
Tìm về với biển
Lê Xuân Thơm - một tâm hồn nghệ sĩ, thi sĩ
Quà Tết cho mẹ
Góc quê
Một cuộc triển lãm quy tụ nhiều họa sĩ xứ Thanh
Sáu tác phẩm nhận Giải thưởng Văn học Hội Nhà văn Việt Nam năm 2023
Nhà thơ Đăng Sương và tiếng “Sóng”
Chiếc áo len cũ mẹ đan!