(vhds.baothanhhoa.vn) - Tộc người Khơ Mú ở Thanh Hóa sinh sống tập trung ở vùng núi cao tiếp giáp với nước bạn Lào thuộc bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn và bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát). Tộc người Khơ Mú còn có tên như: Xá Cẩu, Pu Thênh. Với lịch sử hình thành ở vùng Bắc Lào và cư trú dọc theo biên giới Việt - Lào, nằm trong khối cộng đồng Lào Thênh nên ở Thanh Hóa đồng bào đồng bào Khơ Mú tự gọi mình là KhMụ, KmMụ, Cư Mụ (nghĩa là người hay nhóm người) hoặc Tênh hay Pu Tênh (có nghĩa là người ở trên núi cao). Người Thái Thanh Hóa gọi người Khơ Mú là người Kha hay người Xá (có nghĩa đen như giàn bếp). Về dân số, người Khơ Mú hiện có 224 hộ với hơn 1.000 người; bản Đoàn Kết có 169 hộ với gần 753 người; bản Lách có 55 hộ với 260 người.

Tôn trọng và nương tựa vào tự nhiên qua lễ tục cầu mưa của đồng bào Khơ Mú

Tộc người Khơ Mú ở Thanh Hóa sinh sống tập trung ở vùng núi cao tiếp giáp với nước bạn Lào thuộc bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn và bản Lách, xã Mường Chanh (Mường Lát). Tộc người Khơ Mú còn có tên như: Xá Cẩu, Pu Thênh. Với lịch sử hình thành ở vùng Bắc Lào và cư trú dọc theo biên giới Việt - Lào, nằm trong khối cộng đồng Lào Thênh nên ở Thanh Hóa đồng bào đồng bào Khơ Mú tự gọi mình là KhMụ, KmMụ, Cư Mụ (nghĩa là người hay nhóm người) hoặc Tênh hay Pu Tênh (có nghĩa là người ở trên núi cao). Người Thái Thanh Hóa gọi người Khơ Mú là người Kha hay người Xá (có nghĩa đen như giàn bếp). Về dân số, người Khơ Mú hiện có 224 hộ với hơn 1.000 người; bản Đoàn Kết có 169 hộ với gần 753 người; bản Lách có 55 hộ với 260 người.

Tôn trọng và nương tựa vào tự nhiên qua lễ tục cầu mưa của đồng bào Khơ MúĐồng bào Khơ Mú cư trú ở bản Đoàn Kết.

Đồng bào Khơ Mú ngày nay đã định cư tập trung tại bản Đoàn Kết, xã Tén Tằn (nay là khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát) và bản Lách, xã Mường Chanh. Đến nay, đồng bào đã định canh, định cư, đời sống ổn định, các bản có lớp học, các hủ tục lạc hậu được xóa bỏ, người dân trong bản đều thực hiện nếp sống văn minh, biết áp dụng khoa học kỹ thuật để trồng lúa nước, trồng trọt, chăn nuôi, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện. Do địa bàn cư trú ở rẻo giữa, trên lưng chừng núi có độ dốc cao, đất bạc màu, nơi tận cùng khe suối nên xa xưa, người Khơ Mú sản xuất bằng phương thức “đao canh hỏa chủng”, đốt nương rẫy trồng lúa và các loại ngũ cốc, bầu bí, các loại cây có củ với lối canh tác chủ yếu sử dụng con dao, chiếc rìu sắt, gậy chọc lỗ tra hạt, sản xuất năng suất thấp. Mặc dù người Khơ Mú bao đời ao ước: "Trồng trầu, trầu bén rễ, trồng quả, quả thành cây”, nhưng vì đất đai khô hạn và tập quán du canh du cư: “Ba ngày dời nhà, ba tháng dời bản”, nên trong cuộc đời một con người có khi họ phải di dời làng bản du cư nhiều lần.

Dẫu cuộc sống còn nghèo khó nhưng không vì thế mà đời sống tinh thần của họ thiếu vắng các hình thức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng cộng đồng. Đồng bào Khơ Mú thích hát tơm, múa, thổi các loại sáo, đặc biệt là kèn môi. Nghề thủ công truyền thống nổi tiếng với nghề đan lát. Đồ đan của người Khơ Mú rất bền, đẹp, đạt đến trình độ tinh xảo với các sản phẩm chủ yếu như đồ đựng vận chuyển là gùi, sọt, mâm ăn cơm, giỏ đựng, rổ, rá, ghế ngồi. Trong đó, mâm mây được mọi người yêu thích. Trong ý nghĩ, tư duy, nhận thức và quan niệm của họ về thế giới tự nhiên, xã hội rất tinh tế và phong phú. Người Khơ Mú tin rằng trong cuộc sống hàng ngày, mọi hoạt động của họ đều có sự giám sát và chi phối của các lực lượng siêu nhiên mà đồng bào gọi là hrol lvang (ông trời), chơn đrat (thần sét), hrol plê (đất), pru đông (thuồng luồng)... tượng trưng cho quyền lực của nước... Với cuộc sống nương tựa và phụ thuộc vào tự nhiên, từ xa xưa trong tâm thức của người Khơ Mú, họ luôn nhờ cậy và cầu xin trời đất và các vị thần sông suối, ngọn núi, rừng cây... phù hộ, giúp đỡ cho cây trồng tươi tốt, vật nuôi đầy đàn, lúa ngô và hoa màu bông sai, hạt mẩy.

Trong một năm đồng bào Khơ Mú có nhiều nghi lễ liên quan tới cuộc sống và mùa vụ như cúng mường, cúng bản, thờ cúng tổ tiên cũng như những nghi lễ liên quan tới sản xuất, gieo trồng, một trong những nghi lễ đó là lễ cầu mưa ở bản Đoàn Kết và bản Lách. Từ bao đời nay, nước đóng vai trò quan trọng không chỉ trong sản xuất mà cả trong sinh hoạt của người dân nơi đây. Vào đầu năm mới, khi nhìn trời đất và cỏ cây trên nương không tươi tốt vì khô hạn, lúc đó ở bản của người Khơ Mú đồng bào bàn với nhau tiến hành làm lễ cầu mưa. Người làm chủ trong lễ cầu mưa là một người phụ nữ đã luống tuổi không có con hoặc là góa chồng, bộ dạng đói khổ, thiếu sức sống vì không có mưa. Dân bản tìm một cái váy để bà này mặc vào, nhưng không mặc váy như thông thường mà bắt buộc phải mặc ngược, phần gấu váy ngược lên trên và phần cạp váy buông xuống dưới.

Tôn trọng và nương tựa vào tự nhiên qua lễ tục cầu mưa của đồng bào Khơ MúChủ lễ trong lễ cầu mưa của đồng bào Khơ Mú, bản Lách.

Địa điểm tổ chức lễ cầu mưa được tiến hành ngay bên bến nước của bản. Bên bờ suối, dân bản chọn một khoảng đất bằng phẳng, đào một hố sâu độ 60 - 70 cm, đường kính 25 - 30 cm, trên miệng hố đặt mo cau trùm kín miệng hố. Giữa mo cau trổ một cái lỗ, kích cỡ vừa khít với cành lá cau còn tươi cắm xuống tận đáy hố. Bà góa kẹp lá cau vào giữa hai đùi của mình rồi cầu khấn hrol lvang (ông trời) rủ lòng thương cho mưa xuống bản gần mường xa. Lời khấn như sau:... Dân bản tôi rất tốt với vua trời/ Bản gần có lễ, có lời/ Mường xa có thịt, có rượu/ Thịt con trâu còn nóng hôi hổi/ Rượu mới cất rượu ngọt, rượu thơm/ Bản của tôi mùa này gặp hạn/ Bản của tôi tháng này không mưa/ Không có mưa ai cũng đói cơm/ Không có mưa con nhái chết khô/ Xin vua trời hãy cho mưa xuống/ Có mưa cho cây lên tươi tốt/ Có mưa cho trâu, lợn đầy đàn/ Trời thương tình hãy cho mưa xuống/Trời đổ mưa rồi, mưa nữa mưa ơi... Trong khi bà góa khấn trời đất thì bọn trẻ trong bản vừa hò reo náo nhiệt, vừa lấy que gõ vào mo cau làm phát ra những âm thanh vui nhộn để cổ vũ và hợp sức cùng bà góa kéo đuôi con rồng - tượng trưng là lá cau tươi bật ra khỏi hố không cho con rồng chui xuống đất, sao nhãng việc làm mưa để cho dân bản thiếu nước làm ruộng, làm nương. Sau một hồi hò reo, bọn trẻ khom mình, đứa nọ ôm lưng đứa kia, lúc dạt bên phải, khi ngã dúi dụi bên trái giả điệu bộ gắng sức lôi con rồng, không cho nó chạy trốn. Cuối cùng bọn trẻ và bà góa cũng nhổ phắt được đuôi con rồng và nhảy ào xuống suối. Vừa chạy chúng vừa hò la: Bắt được rồng rồi! Bắt được rồng thật rồi! Trong lòng suối cạn, bọn trẻ dùng tay chụm lại té nước vào nhau, vừa té nước chúng vừa kêu to: Trời mưa, mưa rơi thật rồi! Ở trên bờ suối dân bản theo dõi nghi lễ cầu mưa tưởng như trời đổ mưa thật và họ nói: Mưa to, sông suối nước tràn bờ. Sau đó họ lần lượt trở về nhà chuẩn bị dụng cụ để lên rẫy trồng cây, trỉa lúa.

Cũng là lễ cầu mưa nhưng ở bản Lách lại có hình thức không như lễ cầu mưa ở bản Đoàn Kết. Người thực hiện nghi lễ cầu mưa cũng là một phụ nữ góa chồng không con, thế nhưng địa điểm làm lễ lại được tổ chức trên nương rẫy vừa mới khai phá xong, chưa trồng cây hay trỉa lúa. Trên khoảnh nương rẫy đó, người ta đã chuẩn bị sẵn một lóng nứa to vừa phải, dùng dao vạt chéo một đầu hướng lên trời, còn đầu kia có mắt bao kín cắm xuống đất. Sau đó bà góa chọn một hòn đá bỏ vào ống nứa và khấn, cầu “trời mưa cho nước đầy ống, trời mưa cho đá núi kia cũng mát mẻ, cây lúa trên nương xanh tốt, hạt mẩy bông sai...”. Ngước nhìn lên cao xanh lồng lộng, họ tin rằng những lời thỉnh cầu kia sẽ được hrol lvang nghe thấu và cơn mưa mát lành sẽ tưới tràn mặt đất, rẫy nương... giúp cho mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh, vật nuôi đầy đàn.

Từ xa xưa, nước có vai trò rất quan trọng đối với đời sống không chỉ của người Khơ Mú mà còn cả xã hội loài người nói chung. Sự quan trọng của nước đã được thiêng hóa trong nghi lễ cầu mưa của đồng bào nơi đây. Tín ngưỡng và nghi lễ cầu mưa của đồng bào Khơ Mú phản ánh sự nhận thức chất phác, hồn nhiên của họ đối với các hiện tượng của tự nhiên và xã hội. Trời được họ nhân hóa như con người thực thụ, trời nghe thấu những nỗi niềm và đồng cảm với nỗi vất vả, khó khăn của họ. Trong suy nghĩ, họ coi trời có quyền năng và pháp lực cao diệu, vô biên. Chính vì vậy trong cuộc sống người Khơ Mú luôn tôn kính biết ơn trời đã giúp đỡ, chở che họ.

Tín ngưỡng cầu mưa còn cho thấy tục thờ đá nguyên thủy trải qua nhiều nghìn năm vẫn được đồng bào nơi đây lưu giữ, thực hành. Tín ngưỡng cầu mưa với động thái kéo đuôi rồng ra khỏi hang và hình ảnh bà góa kẹp chặt đuôi con rồng vào hai bắp đùi... thể hiện tín ngưỡng phồn thực có từ thời tối cổ gắn với việc cầu mùa, cầu sự sinh sôi, nảy nở cho cây trồng tươi tốt, vạn vật sinh sôi, phát triển.

Tín ngưỡng và nghi lễ cầu mưa của đồng bào Khơ Mú trong cuộc sống hôm nay vẫn là bài học còn nguyên giá trị về cách ứng xử giữa con người với thiên nhiên. Con người phải biết tôn trọng và nương tựa vào thiên nhiên, “sống rừng nuôi, chết rừng chôn”, nếu không con người sẽ khó tồn tại và phát triển bền vững. Trồng rừng, bảo vệ và khoanh nuôi rừng, bảo vệ nguồn nước. Không phá rừng, đốt rừng để làm nương rẫy. Định canh, định cư, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các giống mới và các loại cây trồng phù hợp để phát triển kinh tế - xã hội đối với đồng bào Khơ Mú là làm đúng ý Đảng, hợp lòng dân và là việc làm cần thiết, hiệu quả đối với đồng bào. Từ tín ngưỡng cầu mưa, gợi mở nhiều vấn đề không chỉ bảo tồn và phát huy những giá trị và sắc thái văn hóa của tộc người Khơ Mú mà còn gợi mở về việc bảo vệ rừng, nguồn nước để phát triển kinh tế - xã hội không chỉ đối với dân tộc Khơ Mú mà còn là bài học có ý nghĩa đối với cộng đồng các dân tộc cư trú nơi miền non cao tỉnh Thanh.

Bài và ảnh: Hoàng Minh Tường



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]