(vhds.baothanhhoa.vn) - Ngày 20 tháng 11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày lễ tôn vinh người làm nghề dạy học. Ngày lễ ấy, đã “khảm” sâu vào tâm thức mỗi người Việt với ý nghĩa tri ân đối với thầy cô. Vậy nhưng, bên cạnh niềm hân hoan, tự hào, người làm nghề giáo hôm nay cũng không ít nỗi niềm...

Tôn vinh nghề giáo - nghĩ chuyện làm thầy

Ngày 20 tháng 11 - Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày lễ tôn vinh người làm nghề dạy học. Ngày lễ ấy, đã “khảm” sâu vào tâm thức mỗi người Việt với ý nghĩa tri ân đối với thầy cô. Vậy nhưng, bên cạnh niềm hân hoan, tự hào, người làm nghề giáo hôm nay cũng không ít nỗi niềm...

Tôn vinh nghề giáo - nghĩ chuyện làm thầyNhiều thầy, cô giáo không quản xa xôi đã ngược ngàn lên vùng cao dạy học.

Năm 1949, tại một hội nghị ở thủ đô của Ba Lan, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục (FISE) đã ra bản “Hiến chương các nhà giáo” với 15 chương, trong đó có nội dung bảo vệ quyền lợi của nghề dạy học và nhà giáo; đề cao trách nhiệm và vị trí của nghề dạy học và nhà giáo. Và Việt Nam là thành viên của FISE từ năm 1953. Đến năm 1957, cũng tại thủ đô của Ba Lan, Liên hiệp quốc tế các Công đoàn giáo dục đã quyết định lấy ngày 20/11/1958 là ngày “Quốc tế hiến chương các nhà giáo”. Sau khi đất nước ta thống nhất, ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ban hành Quyết định 167-HĐBT thiết lập ngày 20/11 hằng năm là ngày lễ mang tên “Ngày Nhà giáo Việt Nam” (theo báo Lao động).

Tuy nhiên, không phải đến khi có Ngày Nhà giáo Việt Nam thì sự tôn vinh với nghề giáo và người làm nghề dạy học của người dân Việt mới được thể hiện. Là người Việt, có ai không “nằm lòng” những tục ngữ, thành ngữ lưu truyền trong đời sống hàng ngày, như: Không thầy đố mày làm nên; Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy... Sự tôn kính - Tôn sư trọng đạo đã trở thành truyền thống tốt đẹp của người dân Việt Nam.

Trong suốt chiều dài phát triển của dân tộc Việt, luôn có những người thầy mẫu mực, được hậu thế kính phục. Là thầy giáo lỗi lạc Chu Văn An; Trạng trình Nguyễn Bỉnh Khiêm; Nguyễn Thiếp... Và trên quê hương hiếu học xứ Thanh, có những người thầy đã trở thành gương sáng cho nhiều thế hệ học trò noi theo. Thầy giáo Nguyễn Văn Nghi quê đất Cổ Bôn; Lương Đắc Bằng; Nhữ Bá Sĩ; Trịnh Tuệ... Dẫn lại sử liệu để thấy rằng, khi người thầy - người làm nghề dạy học có trí tuệ, đức độ và tấm lòng tận tâm, thương yêu học trò, thì sự tôn vinh với thầy, không chỉ ở người học, mà “danh thơm” còn mãi để đời.

Tôn vinh nghề giáo - nghĩ chuyện làm thầyNhiều thầy, cô giáo không quản xa xôi đã ngược ngàn lên vùng cao dạy học.

Trong xã hội, mỗi người sẽ lựa chọn cho mình những nghề nghiệp, công việc mưu sinh, chỉ cần mang lại giá trị cho xã hội thì nghề nào cũng đáng quý, đáng được coi trọng. Tuy nhiên, trong vô số những nghề nghiệp, thì nghề giáo xưa nay vẫn được xem là nghề cao quý. Về nghề giáo, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng nói: “Nghề dạy học là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý, nghề sáng tạo nhất trong những nghề sáng tạo vì nó đã sáng tạo ra những con người sáng tạo”.

Nói như vậy để thấy rằng, làm nghề giáo không dễ. Ngoài tri thức, thầy, cô giáo còn là tấm gương cho học trò noi theo. Mỗi hành xử của người dạy học sẽ tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển những thế hệ học trò. Phải chăng vì thế, mà nghề giáo còn được xem là nghề “trồng người”.

Tôi muốn kể hay đúng hơn, là “khoe” với bạn về một người thầy dạy đại học của mình - người thầy ấy được rất nhiều các thế hệ sinh viên trân quý, nhắc nhớ. Sự quý trọng với thầy không chỉ do thầy rất giỏi về chuyên môn. Khi ấy chúng tôi, những sinh viên năm nhất đại học đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau. Vào Ngày Nhà giáo Việt Nam, cả lớp cùng đóng tiền để mua hoa và cả chút quà tặng các thầy cô. Nhưng thầy chỉ nhận bó hoa sinh viên tặng, còn quà (phong bì) thì thầy không nhận. Sau đấy, lớp quyết định mua chiếc áo tặng thầy, nhưng thầy vẫn kiên quyết trả lại. Thầy nói với cả lớp, đại ý: Thầy biết, mỗi đồng các em đóng góp đều là của cha mẹ ở quê nhà vất vả làm lụng mới kiếm được, thầy không muốn các em tốn kém vì thầy. Món quà lớn nhất với thầy là sau 4 năm đại học, các em ra trường, tìm được việc làm, trở thành công dân có ích cho xã hội... Tấm lòng của thầy, chúng tôi nhớ mãi. Để rồi những năm tháng về sau, trong những buổi họp lớp, hội khóa, chúng tôi luôn nhắc đến thầy với sự biết ơn và may mắn vì đã được học với thầy. Với chúng tôi, người thầy ấy mãi mãi là tấm gương về nhân cách sống.

Lại có những thầy, cô giáo vì tình yêu nghề, thương những đứa trẻ vùng cao đã sẵn sàng ngược ngàn, dành cả tuổi xuân, thậm chí cả cuộc đời để bám bản, “gieo chữ” trên miền đất khó. Điều thú vị, khi trò chuyện với nhiều thầy, cô giáo vùng cao, tôi nhận được chia sẻ thực tâm. Họ nói đó không phải là sự hy sinh, đơn giản là lựa chọn. Vậy nên dẫu khó khăn, vất vả nhưng những người thầy giáo, cô giáo công tác nơi miền non cao vẫn vui vẻ, hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Bất chợt, tôi nhớ đến lời của một bài hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai”.

Tôn vinh nghề giáo - nghĩ chuyện làm thầyNghề giáo là nghề “trồng người” cao quý.

Và tôi cũng tin rằng, dẫu xã hội có phát triển thế nào, vai trò của nghề giáo - người dạy học không thể thay thế. Vậy nên, thật buồn khi đâu đó trong xã hội xảy ra những sự vụ không hay liên quan đến những người làm nghề dạy học. Là những giáo viên hành xử vi phạm đạo đức với học trò, bạo hành học sinh, hay vì chút lợi ích, cái lợi bản thân mà ứng xử thiếu chuẩn mực... Đó thực sự là những “con sâu làm rầu nồi canh” - là bài học cho những người làm nghề nhìn vào để rút kinh nghiệm cho chính mình. Vậy nhưng, không thể chỉ vì một vài “con sâu” mà chúng ta phủ nhận, có cái nhìn, cách nghĩ sai lệch về nghề giáo - thầy, cô giáo.

Chúng ta lên tiếng trước những thầy cô hành xử chưa đúng. Tuy nhiên, có lẽ mỗi người, đặc biệt là phụ huynh cũng cần nhìn nhận lại cách ứng xử của chính mình. Mạng xã hội như con dao hai lưỡi, không ít phụ huynh chỉ vì hiểu lầm hoặc chưa hài lòng với thầy, cô giáo dạy con mình, thay vì trao đổi thẳng thắn, lại lựa chọn lên mạng có những lời lẽ “đe dọa” thầy, cô giáo. Để rồi, đã có những thầy cô, vì không chịu được “áp lực mạng” đã phải bỏ nghề; cũng lại có những người, vì để giữ lại công việc mà phải “quỳ gối” xin lỗi phụ huynh... Thật sự rất đau lòng. Bởi đó không phải chỉ là sự tổn thương với chính những giáo viên đó, mà còn cả với nghề giáo.

Ngày Nhà giáo Việt Nam, chúng ta gửi lời chúc tốt đẹp, tặng hoa, tặng quà cho giáo viên dạy dỗ con em mình để bày tỏ sự biết ơn với những công lao của thầy, cô giáo. Vậy nhưng, sự tôn vinh với nghề giáo - người làm thầy không chỉ có vậy. Hãy dành sự trân quý, biết ơn chân thành đến những người làm nghề cao quý - để ngày lễ tôn vinh nghề giáo thực sự trọn vẹn ý nghĩa.

Bài và ảnh: Trang Bùi



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]