(vhds.baothanhhoa.vn) - Nếu mỗi gia đình là “tế bào” của xã hội thì “tế bào” khỏe mạnh sẽ tạo nên xã hội phát triển, phồn vinh… Phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ được ví như người “giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình. Và trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao, coi trọng. Trong những ngày lễ trọng tôn vinh phụ nữ, người ta thường nói nhiều về sự “bình đẳng” dành cho “một nửa thế giới”.

Tôn vinh phụ nữ - nghĩ chuyện bình đẳng

Nếu mỗi gia đình là “tế bào” của xã hội thì “tế bào” khỏe mạnh sẽ tạo nên xã hội phát triển, phồn vinh… Phụ nữ với thiên chức làm vợ, làm mẹ được ví như người “giữ lửa” cho hạnh phúc gia đình. Và trong xã hội hiện đại, vai trò của người phụ nữ ngày càng được đề cao, coi trọng. Trong những ngày lễ trọng tôn vinh phụ nữ, người ta thường nói nhiều về sự “bình đẳng” dành cho “một nửa thế giới”.

Tôn vinh phụ nữ - nghĩ chuyện bình đẳngVới thiên chức làm vợ, làm mẹ, người phụ nữ Việt còn giữ vai trò “thắp lửa” và “giữ lửa” hạnh phúc trong gia đình.

Từ chuyện bình đẳng trong gia đình

Một lần, tôi tình cờ nghe được cuộc trò chuyện của hai người phụ nữ mang thai tại hành lang bệnh viện trong lúc chờ khám. Đại ý, một phụ nữ bày tỏ sự ngưỡng mộ với mẹ bầu bên cạnh vì được chồng chở đi khám thai, chị cũng nói, đây là lần thứ 2 mang bầu nhưng chưa bao giờ được chồng chở đi, phần vì người chồng bận nhưng quan trọng hơn, anh ta xem đó là việc… đàn bà. Rồi chị lại nói, lúc đầu cũng có chút tủi thân, nhưng lâu rồi thì… kệ, ai bảo số mình khổ! Tôi biết, câu chuyện mình tình cờ nghe được không phải chuyện hiếm, thậm chí chúng ta vẫn bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hàng ngày. Và tôi nghĩ đến lời một người bạn là chuyên gia tâm lý từng nói, bình đẳng trong gia đình phải bắt đầu từ yêu thương, thấu hiểu và sẻ chia.

Khi luận bàn về vấn đề bình đẳng giữa phụ nữ và đàn ông trong gia đình, bạn tôi đưa ra quan điểm: Bình đẳng trong gia đình không phải là việc phân công ai đi làm, ai ở nhà, ai kiếm tiền, ai chăm con… mà “gốc rễ” chính là sự quan tâm, thấu hiểu, chia sẻ và yêu thương. Một người chồng là trụ cột kinh tế gia đình không có nghĩa anh ta phó mặc việc nhà, chăm sóc con cái cho vợ, bởi thực tế người vợ cũng ra ngoài đi làm, dù rằng công việc của cô ấy không kiếm được nhiều tiền bằng chồng. Nếu người vợ sau giờ tan làm lại tất bật đón con, chợ búa, cơm nước, lau dọn nhà cửa… thì hỏi sao cô ấy không mệt mỏi, cáu kỉnh?

Ngược lại, vợ chồng cùng nhau làm kinh tế, chia sẻ việc nhà, nuôi dạy con cái và theo cách nói của cha ông xưa là cùng nhau chia sẻ đắng cay, ngọt bùi thì mọi thứ trong gia đình cũng nhẹ nhàng đi rất nhiều, hạnh phúc cũng được vun đắp từ chính sự sẻ chia. Và bạn kết luận, một gia đình không có sự thấu hiểu, sẻ chia của vợ chồng, sẽ rất khó có được “bình đẳng”. Khi người ta không “bình đẳng” trong vai trò xây tổ ấm của mình, sẽ rất khó có hạnh phúc trọn vẹn. Chúng ta có thể tặng hoa, tặng quà cho người phụ nữ mình yêu thương trong những ngày lễ quan trọng nhưng đừng quên “yêu thương” họ ngay cả ở những ngày bình thường.

Theo số liệu công bố năm 2022, có khoảng 25% phụ nữ sau sinh (trong vòng 12 tháng) bị trầm cảm. Dấu hiệu trầm cảm của phụ nữ sau sinh có thể nhẹ như dễ cáu gắt, rối loạn giấc ngủ và nặng hơn là rối loạn cảm xúc, bồn chồn bất an, xa lánh người thân, xuất hiện ý tưởng hành vi tự sát… Một trong những nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh được các bác sĩ, chuyên gia tâm lý chỉ ra là do áp lực chăm sóc con cũng như không được chia sẻ việc chăm sóc trẻ khiến người phụ nữ mệt mỏi, cơ thể suy nhược, rối loạn cảm xúc… Tuy nhiên, 80% phụ nữ trầm cảm sau sinh sẽ hồi phục hoàn toàn nếu được quan tâm đúng mức, sự đồng hành của gia đình với phụ nữ sau sinh rất quan trọng để hỗ trợ về mặt tâm lý kịp thời (theo Viện sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai).

Sinh con là thiên chức của người phụ nữ - niềm hạnh phúc khi được làm mẹ. Nhưng người xưa khi nói về chuyện phụ nữ sinh con vẫn thường ví như “bước một chân vào cửa tử”, nguy hiểm đến tính mạng và cả sức khỏe, tinh thần. Và trong khi có nhiều nguyên nhân dẫn đến trầm cảm sau sinh được dẫn ra thì việc quan tâm, sẻ chia của gia đình, người thân, đặc biệt là người bạn đời là một trong những “phương pháp” quan trọng chữa lành hiệu quả. Nói như vậy để hiểu rằng, ngay cả khi pháp luật không quy định thì việc thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ cũng chính là cách người bạn đời thể hiện sự tôn trọng và bình đẳng với người mình yêu thương.

Đến chuyện bình đẳng trong xã hội

Sinh thời, khi nhắc đến phụ nữ và bình đẳng giới, Bác Hồ kính yêu đã từng khẳng định: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”.

Tôn vinh phụ nữ - nghĩ chuyện bình đẳngĐể phụ nữ làm tốt việc gia đình và xã hội, rất cần ở người bạn đời sự động viên, quan tâm và chia sẻ.

Trong xã hội hiện đại, người phụ nữ ngoài trách nhiệm làm con, làm dâu, làm vợ, làm mẹ… đã thực sự bước vào xã hội với nhiều vai trò khác nhau trên tất cả lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật… Ở những vai trò khác nhau, vùng miền khác nhau, người phụ nữ Việt đã và đang khẳng định năng lực của mình, như lời dạy của Bác Hồ.

Chia sẻ quan điểm về bình đẳng giới trong xã hội, bà Ngô Thị Hồng Hảo, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, cho biết: “Khi nhắc đến bình đẳng giới, chúng ta quen thuộc với khái niệm bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng. Hiện nay, bình đẳng giới không chỉ là bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới mà còn cả người đồng tính, song tính, vô tính và chuyển giới đều được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ quyền con người, có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội nói chung. Đặc biệt, bình đẳng giới tại nơi làm việc là vấn đề được nhiều người quan tâm”.

Cũng theo Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Ngô Thị Hồng Hảo, để khẳng định vai trò, năng lực, sức sáng tạo của mình trên mọi mặt của đời sống xã hội, thích ứng và hội nhập trong xu thế chung của nhân loại đòi hỏi người phụ nữ phải thực sự nỗ lực. Bên cạnh việc bồi đắp tri thức, văn hóa, kỹ năng làm việc, đối mặt áp lực, vươn lên khó khăn, thử thách thì phụ nữ còn phải cân bằng việc gia đình và xã hội một cách hài hòa. Trong gia đình Việt, người phụ nữ có vai trò trọng yếu điều hòa các mối quan hệ. Không chỉ chăm lo cho gia đình về mặt vật chất mà còn là người “thắp lửa” và “giữ lửa” hạnh phúc. Bên cạnh đó, sự đảm đang của người phụ nữ hiện nay không còn “bó hẹp” trong khuôn khổ gia đình. Với tri thức và sự độc lập về kinh tế, người phụ nữ hiện đại đã khẳng định được tầm ảnh hưởng của mình không chỉ trong gia đình mà ngoài xã hội. Tuy vậy, để người phụ nữ phát huy được vai trò, năng lực bản thân, đóng góp cho sự phát triển của xã hội thì không thể thiếu sự chia sẻ, hỗ trợ từ người thân, trong đó đặc biệt là người bạn đời.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]