Không tem nhãn phụ, không hóa đơn, không địa điểm kinh doanh – hiện nay những mặt hàng “3 không” được rao bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Tràn lan hàng “3 không”, mạng xã hội hóa “chợ trời”

Không tem nhãn phụ, không hóa đơn, không địa điểm kinh doanh – hiện nay những mặt hàng “3 không” được rao bán tràn lan trên các nền tảng mạng xã hội.

Tràn lan hàng “3 không”, mạng xã hội hóa “chợ trời”

Bát nháo bán hàng không rõ nguồn gốc

Nhập lậu gần 35 tỷ đồng hàng hóa là mỹ phẩm, thực phẩm, thu lợi bất chính hơn 14,9 tỷ đồng, bị xử phạt hành chính hơn 113,75 triệu đồng vào giữa tháng 4/2025 - vụ việc của “hotgirl online” Nguyễn Hoàng Mai Ly (Mailystyle) là ví dụ điển hình cho thực trạng bán hàng không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội đang bùng nổ.

Cùng khoảng thời gian, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Đội quản lý thị trường (QLTT) số 1, Chi cục QLTT tỉnh Quảng Ninh phối hợp kiểm tra, xử lý 4 vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, thu giữ 6.078 sản phẩm thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc, xuất xứ trị giá gần 400 triệu đồng. Trong số này có 3 trường hợp kinh doanh hàng hóa nhập lậu trên mạng xã hội Facebook.

Tràn lan hàng “3 không”, mạng xã hội hóa “chợ trời”

Trên các nền tảng số, mỗi ngày có hàng ngàn buổi livestream giới thiệu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng gắn mác “hàng xách tay”, “hàng nội địa Nhật – Hàn”, “siêu phẩm” hay “thần dược”... Những “shop ảo” này hoạt động như chợ trời phiên bản số, nhưng với quy mô hàng triệu lượt tiếp cận, hàng nghìn đơn mỗi ngày. Người tiêu dùng, đặc biệt là giới trẻ và người lao động phổ thông, trở thành đối tượng dễ bị thu hút và dễ bị lừa nhất.

Theo tìm hiểu của phóng viên Thời báo VTV, phương thức phổ biến của các nhà bán hàng là lợi dụng hình thức livestream, “thần thánh hóa” công dụng của các sản phẩm, thậm chí “hô biến” mặt hàng không rõ nguồn gốc thành hàng “chính hãng” để đánh vào tâm lý của người tiêu dùng.

Tràn lan hàng “3 không”, mạng xã hội hóa “chợ trời”

Không ít người mua vì tin lời quảng cáo của các nhà bán hàng online mà rước họa vào thân dẫn đến dị ứng, nhiễm trùng da... nhưng đến khi đòi quyền lợi gần như là bất khả thi. Người bán không công khai địa điểm kinh doanh, không hóa đơn, chứng từ, thậm chí sản phẩm không có tem nhãn phụ... đã để lại hệ quả là không ít người tiêu dùng “tiền mất tật mang”.

Sau khi xem một livestream trên TikTok, chị T.K.T, 40 tuổi, đặt mua một “combo tái sinh làn da” với lời quảng cáo hứa hẹn sẽ xóa sạch tàn nhang, tái tạo làn da và trẻ hóa tức thì. Tuy nhiên, chỉ sau gần 1 tuần sử dụng, da mặt chị T. bắt đầu sưng đỏ và ngứa ngáy. Dù đã liên hệ với cửa hàng để yêu cầu hướng dẫn giải quyết nhưng tình trạng của chị vẫn không khả quan hơn. Kết quả là chị phải nhập viện điều trị nội trú do viêm da dị ứng kèm bội nhiễm vi khuẩn.

Trước tình trạng này, một số chuyên gia cho rằng, đây là hậu quả của sự kết hợp giữa ba yếu tố: hoạt động kinh doanh trên mạng xã hội phát triển quá nhanh, tâm lý sính ngoại và ham rẻ của người tiêu dùng cùng với việc thiếu chế tài nghiêm khắc đến từ phía các cơ quan chức năng. Trong khi nhiều người bán hàng lợi dụng quảng cáo để tạo ra sự hợp pháp cho hàng hóa không nguồn gốc của mình thì các nền tảng mạng xã hội lại gần như đứng ngoài cuộc, không có cơ chế kiểm soát hay chịu trách nhiệm với các hành vi thương mại vi phạm ngay trên chính nền tảng.

Tồn tại tình trạng “bán dễ, xử khó”

Thực tế cho thấy, dù hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc đã được quy định rõ trong các văn bản pháp luật hiện hành, nhưng việc xử lý vi phạm trên nền tảng số vẫn đang gặp nhiều thách thức.

Theo luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS nhận định, tình trạng livestream bán hàng hóa không rõ nguồn gốc gắn mác “hàng xách tay”, “hàng nội địa” là hành vi lợi dụng những kẽ hở của pháp luật có chủ đích, cần xử lý nghiêm để bảo vệ người tiêu dùng và lập lại trật tự trong môi trường thương mại điện tử.

Tràn lan hàng “3 không”, mạng xã hội hóa “chợ trời”

Luật sư Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS.

Ông Tuấn chỉ rõ, điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) cũng quy định, hành vi buôn lậu chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi người vi phạm có dấu hiệu trốn tránh kiểm tra hải quan, gian lận hồ sơ, hoặc thực hiện có tổ chức. Vì thế, với mô hình bán hàng trực tuyến, nơi người bán không kê khai hải quan, không xuất trình hóa đơn, không có pháp nhân đại diện rõ ràng nên việc chứng minh cấu thành tội phạm trở nên rất khó khăn.

“Có một nghịch lý rằng, lợi nhuận thu về từ việc buôn bán hàng hóa không rõ nguồn gốc có thể lên tới hàng chục tỷ đồng, nhưng chế tài xử phạt vẫn còn quá nhẹ so với mức độ vi phạm”, luật sư Tuấn phân tích, “Như trong vụ việc của Mailystyle, lãi gần 15 tỷ đồng nhưng chỉ bị xử phạt hành chính hơn 113 triệu đồng. Mức phạt này tuy đúng theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP hiện hành nhưng thực tế không đủ sức răn đe nếu so với quy mô và lợi ích từ hành vi vi phạm”.

Chuyên gia cho rằng, chính những lỗ hổng trong định lượng vi phạm và cách xác lập hành vi phạm tội đang khiến không ít trường hợp buôn bán hàng hóa trái quy định với quy mô lớn chỉ dừng lại ở mức xử phạt hành chính. Điều này dễ tạo ra tiền lệ xấu, khiến một số người cho rằng nếu bị phát hiện thì chỉ cần nộp phạt là xong, rồi lại tiếp tục hoạt động như cũ.

Đồng tình với quan điểm, ông Hạ Hồng Việt, chuyên gia với 11 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Truyền thông và xây dựng thương hiệu cho biết, nhiều cá nhân bán hàng lẫn người có sức ảnh hưởng như KOL/KOC dù biết rõ rủi ro pháp lý nhưng vẫn lựa chọn “làm ngơ”, bởi lợi nhuận quá lớn, rào cản tiếp cận thị trường quá thấp và chế tài xử phạt nhẹ.

Bên cạnh đó, trách nhiệm đạo đức và trách nhiệm cộng đồng là điều nhiều nhà bán hàng và các KOL/KOC hiện nay còn xem nhẹ. “Người có sức ảnh hưởng không thể viện lý do “không biết” hay “vô ý” khi giới thiệu, thậm chí trực tiếp bán sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. Khi bạn có quyền lực truyền thông, bạn cũng phải đối mặt với trách nhiệm tương xứng”, vị chuyên gia nhấn mạnh.

Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) mới đây đã ban hành văn bản số 1149/QLD-MP, yêu cầu Sở Y tế các địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh mỹ phẩm trên các nền tảng như TikTok, Facebook, YouTube, Zalo và sàn thương mại điện tử; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật; thu hồi, tiêu hủy mỹ phẩm giả, kém chất lượng và chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra nếu có dấu hiệu tội phạm.

Đồng thời, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về chất lượng, không được sản xuất tại cơ sở chưa đủ điều kiện, không được lưu hành sản phẩm chưa công bố theo quy định. Động thái của cơ quan chức năng cho thấy quyết tâm trong việc lập lại trật tự thị trường hàng hóa, đặc biệt là mỹ phẩm, thực phẩm chức năng trên không gian mạng, nơi hoạt động kinh doanh đang phát triển mạnh mẽ.

Theo dự báo của Statista, quy mô thị trường mỹ phẩm Việt Nam năm 2025 dự kiến đạt 578,77 triệu USD. Dữ liệu từ Metric cho thấy, trong quý I/2025, doanh số bán hàng của các sản phẩm mỹ phẩm trên các sàn TMĐT Việt Nam tăng trưởng trung bình khoảng 27,12% so với quý IV/2024. Xu hướng tiêu dùng này dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong quý II/2025.

Theo VTV



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]